VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ năm, 17/10/2024

Huyết áp dao động 130/90 có cần sử dụng thuốc không thưa bác sĩ?

Mai Hồng Luyến, 43 tuổi, Hải Phòng

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn!

Huyết áp bao gồm hai thành phần là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu cao từ 140 trở lên và/hoặc có huyết áp tâm trương cao từ 90 trở lên. Trường hợp của bạn được gọi là tăng huyết áp tâm trương đơn độc.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành tăng huyết áp Journal of Hypertension lưu ý rằng, những người lớn có tăng huyết áp tâm trương đơn độc có nguy cơ biến chứng tim mạch cao gấp đôi bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc hoặc tử vong do tim so với những người lớn có huyết áp bình thường.

Vì vậy, bạn cần đến khám với bác sĩ để đánh giá lại xem chính xác bạn có bị tăng huyết áp không và được tư vấn điều trị phù hợp.

Em bị bệnh huyết áp cao (vô căn) uống thuốc hạ huyết áp được một năm kèm thực phẩm chất năng. Vậy bác sĩ cho em hỏi em có phải thay đổi thuốc huyết áp theo thời gian không? Vì em được biết bệnh tăng huyết áp là phải uống thuốc hạ áp đến hết đời. Nếu không thay đổi thuốc, có sao không khi ...

Giáp Thị Thu Hạnh, 44 tuổi, Hà Nội

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch mạn tính tiến triển âm thầm, không có triệu chứng nhưng dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, suy thận mạn, đột tử... Bên cạnh đó, nếu tồn tại đồng thời tăng huyết áp, đái tháo đường sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

Điều trị huyết áp là suốt đời. Trong quá trình điều trị, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức huyết áp, biến chứng của thuốc, cung ứng thuốc mà các bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc cho bạn. Bạn có thể đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám bệnh và điều trị. Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Em hay bị mất cân bằng và tim đập nhanh, nhưng huyết áp lại thấp. Nhờ bác sĩ tư vấn về trường hợp của em! Em xin cảm ơn.

Ong Huy Do, 46 tuổi, Thanh Ba, Phú Thọ

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Bạn cho biết thường có cơn nhịp tim nhanh và huyết áp thấp. Nhịp tim nhanh cũng có thể là bù đắp sinh lý của cơ thể ở những người có huyết áp thấp. Tuy nhiên cũng có thể đó là biểu hiện của cơn rối loạn nhịp nhanh.

Bạn có thể đến khám bác sĩ để được làm các xét nghiệm đánh giá chức năng tim mạch và đeo máy theo dõi nhịp tim kéo dài để đánh giá xem khi bạn hồi hộp có phải triệu chứng của một cơn nhịp nhanh tim nguy hiểm nào không. Từ đó, bác sĩ sẽ có các tư vấn điều trị thích hợp cho bạn. Trân trọng!

Tôi năm nay 42 tuổi, chơi thể thao sinh hoạt đều đặn. Tuy nhiên gần đây khi chơi thể thao, thỉnh thoảng tôi thấy như kiểu thiếu oxy (hay bị ngáp) và sau đó thấy thể lực giảm nhanh. Xin hỏi triệu chứng như này có phải do tim không? Tôi hàng năm vẫn đi kiểm tra tim mạch nhưng không thấy bất thường. Xin ...

Lê Văn Hoàng, 42 tuổi, Hà Nội

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Theo quy luật, nam giới khi đến năm 28 tuổi đã phát triển xương vĩnh viễn, phần lớn sau 30 tuổi sức khỏe sẽ giảm từ từ. Nam giới dễ dàng thấy mắt mờ, tóc bạc, da nhăn, cơ xương khớp cũng rệu hơn, kêu lệch kệch như thiếu chất nhờn.

Do đó, với tuổi 42 của bạn, sức khỏe đã giảm là quy luật rất bình thường. Tuy nhiên, tôi khuyên bạn nên đi kiểm tra tim mạch, máu mỗi sáu tháng một lần nhằm mục đích phát hiện bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu... Đó là những bệnh gây ra xơ vữa và có biến chứng tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim về sau.

Thiếu oxy có thể do sức khỏe chung của bạn đã giảm sút. Khi bạn làm vượt sức của mình sẽ cảm thấy mệt. Trong việc khám sức khỏe hàng ngày, thực sự ECG, đo điện tim, siêu âm tim cũng khó thấy được biến đổi hẹp mạch vành ở phía trong.

Do đó, tôi khuyên mỗi sáu tháng bạn cần đi siêu âm ECG gắng sức. Lúc đó, bác sĩ sẽ đánh giá được sức khỏe chung của bạn với những tiêu chí như khả năng gắng sức tối đa bao nhiêu, có thể đạt được tần số nhịp tim đích hay không, mạch, huyết áp có tăng tương xứng với gắng sức hay không. ECG gắng sức này sẽ phát hiện được tình trạng thiếu máu cơ tim tiềm ẩn phía trong của bạn. Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn khỏe mạnh và hạnh phúc, trân trọng.

Đau tim
 
 

Tôi năm nay 59 tuổi, bị tiểu đường tám năm, tôi vẫn thăm khám thường xuyên. Nửa năm nay, tôi uống thuốc nhưng đường huyết lúc nào cũng cao hơn 10, nhịp tim nhanh. Xin chuyên gia tư vấn trường hợp của tôi nên giải quyết thế nào? Vì tôi biết tiểu đường sẽ dẫn đến những biến chứng về bệnh tim mạch.

Lê Thị Dương, 59 tuổi, Đông Ninh, Khoái Châu, Hưng Yên

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Đối với bệnh nhân tiểu đường type hai, mức huyết áp cần đạt được <130/80 mmHg. Đái tháo đường là một trong những yếu tố nguy cơ lớn của bệnh tim mạch, tăng gấp hai lần nguy cơ bệnh mạch vành, đột quỵ, suy tim. Nếu như mức huyết áp của bạn không đạt mức trên, bạn có thể đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám và tư vấn điều trị. Chúc bạn nhiều sức khỏe. Trân trọng.

Khoảng một năm trở lại đây, huyết áp tôi tăng 140/110 mmHg, trước đây, rất ổn định 110/70 mmHg. Bác sĩ xin tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn.

Đinh Đức Hợi, 44 tuổi, TP Thái Nguyên

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Theo hướng dẫn của hội Tim mạch học Việt Nam, huyết áp của bạn 140/110 mmHg được chẩn đoán là tăng huyết áp độ I. Tuy nhiên, con số huyết áp bạn đo được còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là phương pháp đo huyết áp đã đúng cách chưa. Khi đo huyết áp sai phương pháp, con số này không chính xác và không được coi là căn cứ để chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp.

Đối với bệnh nhân bị tăng huyết áp, ngoài con số huyết áp, các bác sĩ còn cần đánh giá cả các yếu tố nguy cơ tim mạch kèm theo, từ đó mới có hướng dẫn điều trị phù hợp với bệnh nhân. Vì vậy, bạn nên đến thăm khám bác sĩ để được đánh giá xem có phải bị tăng huyết áp không và nếu tăng huyết áp cần điều trị như thế nào. Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Thỉnh thoảng, khu vực giữa ngực cháu như kiểu bị bóp nghẹt, gần giống cảm giác bị nghẹn ở ngực. Mỗi lần thường kéo dài 3-5 phút. Cháu có hiện tượng này cách đây sáu đến bảy năm, mỗi năm chỉ bị hai, ba lần. Nhưng gần đây tần suất lặp lại dày hơn, hầu như tháng nào cũng bị một, hai lần. Cháu có ...

Đỗ Thị Hồng Huệ, 33 tuổi, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Đau ngực là triệu chứng hay gặp, hầu hết trong số đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của một số bệnh lý tim mạch nguy hiểm như bệnh lý mạch vành, bệnh lý van tim. Do đó, để chẩn đoán đau ngực, bạn cần được tiến hành các xét nghiệm cần thiết như điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp X-quang và một số các xét nghiệm chuyên sâu khác. Bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể cho bạn. Trân trọng.

Tôi được chẩn đoán là cao huyết áp, dao động lúc cao nhất 160/100 mmHg, thông thường 135/90 mmHg. Nhịp tim nhanh 80-85 nhịp một phút. Bác sĩ kê đơn uống thuốc và kết hợp tập thể dục. Sau bốn tháng, huyết áp của tôi ổn định. Tôi không dùng thuốc hai tháng nay, huyết áp buổi sáng 115/80, buổi chiều 130/90, nhịp tim 70-80. ...

Đặng Hoàng Cương, 56 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bác,

Điều trị tăng huyết áp bao gồm phương pháp như thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc hạ huyết áp. Đối với một số trường hợp mới chẩn đoán tăng huyết áp, điều trị bằng cách thay đổi lối sống (chế độ ăn lành mạnh, giảm cân, tập thể dục,..) có thể đưa được huyết áp mục tiêu dưới 130/80 mmHg. Một số trường hợp phải sử dụng thuốc để đạt được.

Đối với trường hợp của bác, điều trị bằng điều chỉnh lối sống cũng giúp cải thiện huyết áp, tuy nhiên buổi chiều huyết áp của bác vẫn còn cao chưa đạt được mục tiêu. Nếu đánh giá kỹ hơn cần làm xét nghiệm holter huyết áp 24 giờ để tìm thời điểm tăng huyết áp trong ngày. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị thuốc hợp lý. Bác có thể đến bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch để bác sĩ có thể giúp bác điều trị tăng huyết áp tốt hơn.

Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bác có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoaTâm Anh, TP HCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Để đặt lịch khám và tư vấn, bác có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Tôi thỉnh thoảng có nhói đau ở ngực (không bị đau xuống cánh tay). Huyết áp tôi cũng hơi cao, tầm 135/85 mmHg. Tim thường ở mức 80 nhịp một phút trở lên. Các chỉ số mỡ máu của tôi bình thường, chỉ có choresterol hơi cao chút (từ 5 đến 7).

Hàng ngày tôi vẫn tập gym chừng hơn một tiếng, ngoài ra ...

Vũ Hữu Thỉnh, 52 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Đau ngực là triệu chứng thường gặp, hầu hết trong số đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của một số bệnh lý tim mạch nguy hiểm như bệnh lý mạch vành, bệnh lý van tim. Triệu chứng này xuất hiện đồng thời các yếu tố huyết áp cao, rối loạn lipid máu. Trong tình huống của bác huyết áp và mỡ máu thiên về giới hạn trong khoảng bình thườn thì nguy cơ này cần được đánh giá một cách thận trọng.

Bên cạnh khám và làm các xét nghiệm thông thường, bạn có thể cần đến bệnh viện để siêu âm tim, tiến hành điện tim gắng sức, theo dõi huyết áp 24 giờ giúp đánh giá chính xác và toàn diện về tình trạng tim mạch của bạn.

Vận động thể thao có ích cho sức khỏe. Theo các khuyến cáo điều trị bệnh lý tim mạch khuyên nên tập vận động mỗi ngày tối thiểu 30 phút, duy trì bảy ngày trong tuần, mức độ tối đa tùy vào sự dung nạp của người bệnh.

Do đó, nếu như bạn cảm thấy mức vận động khiến bạn quá sức thì có thể giảm thời gian tập gym phù hợp với nhu cầu của chính cơ thể. Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Tôi đã bị tai biến (xuất huyết não) năm 2018. Đến hiện nay, di chứng tê, mỏi nửa người bên phải từ đầu xuống chân. Xin hỏi cách điều trị, thuốc đặc trị về di chứng đó. Dùng thuốc hạ huyết áp lâu ngày có ảnh hưởng gì không?

Nguyễn Phi Hùng, 70 tuổi, Quốc Lộ 9, TP Đông Hà, Quảng Trị

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bác,

Bác có đột quỵ xuất huyết não ba năm nay trên nền bị tăng huyết áp. Hai bệnh này thường có liên quan đến nhau và thường đột quỵ xuất huyết não là hậu quả của tăng huyết áp.

Chính vì vậy, bác điều trị huyết áp lâu dài sẽ tránh được đột quỵ xuất huyết não tái phát, ngoài ra còn tránh được rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác của bệnh tăng huyết áp như suy tim, bệnh động mạch chủ...

Dùng thuốc này lâu dài là có lợi cho người bệnh. Bác nên tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ và dùng thuốc thường xuyên để tránh xảy ra các biến cố đáng tiếc. Chúc bác sức khỏe!

Từ thời trẻ, tôi có huyết áp thấp, nhịp tim mạch chậm nhưng hai năm gần đây, thỉnh thoảng huyết áp cao, loạn nhịp tim. Ngoài ra, tôi cũng bị máu nhiễm mỡ trong nhiều năm qua. Xin hỏi bác sĩ, tôi phải làm thế nào để ổn định nhịp tim, không bị tăng huyết áp? Cảm ơn bác sĩ!

Trịnh Tiến Long, 51 tuổi, Bắc Kạn

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào anh,

Theo mô tả có thể anh có cấn vấn đề tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, rối loạn mỡ máu. Do đó, để phòng ngừa hay làm chậm tiến triển của các bệnh lý tim mạch, anh có thể áp dụng chế độ ăn có lợi cho tim mạch như:

- Giảm năng lượng ăn từng bước một, mỗi tuần giảm khoảng 300 kcal so với khẩu phần trước đó cho tới khi đạt được năng lượng tương ứng với mức BMI.

- Hạn chế tiêu thụ các chất béo bão hòa, thay vào đó nên ăn các chất béo không bão hòa.

- Tăng lượng đạm bằng cách ăn thịt ít béo và các sản phẩm chế biến từ đậu nành.

- Sử dụng ngũ cốc kết hợp với khoai củ, chiếm khoảng 55-60% năng lượng khẩu phần.

- Ăn nhiều rau quả để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể.

- Ăn nhạt khi có bệnh kèm theo như tăng huyết áp, suy tim...

- Cung cấp đủ 2-2,5 lít nước một ngày.

Cảm ơn câu hỏi của anh. Trân trọng.

Tôi bị tê bàn tay, có phải triệu chứng tim mạch không? Các triệu chứng nhận biết bệnh tim ngoài, cơn đau xuất hiện ở ngực là gì? Xin bác sĩ tư vấn.

deonguyenvan856, 53 tuổi, TP HCM

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào bác,

Tê bì hai tay là triệu chứng gặp trong nhiều bệnh, trong đó có bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, hội chứng Raynaud, hẹp động mạch ngoại biên, hội chứng ống cổ tay, thoái khớp sống cổ... Bác nên đến bệnh viện khám để tìm nguyên nhân chính xác, từ đó có điều trị phù hợp. Bệnh tim mạch ngoài cơn đau ngực còn có các triệu chứng như:

- Khó thở khi gắng sức, khó thở kịch phát về đêm, khó thở khi nằm đầu thấp

- Hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh, tim đập không đều

- Ho khan, ho khi nằm đầu thấp, ho ra máu

- Ngất hoặc gần ngất

- Phù chân

- Ngoài ra còn có một số triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, yếu sức, chán ăn, sụt cân, đầy hơi, chóng mặt... Trân trọng.

Tôi xuất hiện các cơn đau tức ngực bên trái, rồi lan xuống cánh tay bên trái khoảng 30 giây. Tôi đã đi khám và chụp tim đồ, được bác sĩ giải thích là đau dây thần kinh ngoại biên và cho đơn thuốc, về uống nhưng không thuyên giảm.
Ngoài ra, cảm giác ngồi ở tư thế nhất định nào đó như ngồi lái ...

Nguyễn Đức Nghị, 49 tuổi, Thanh Bình, TP Hải Dương

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Đau ngực là triệu chứng hay gặp của nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh ngoại biên... Theo đó, đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành sẽ có các triệu chứng đau ngực kiểu đè ép sau xương ức, đau lan lên hàm hoặc cánh tay trái, đau xuất hiện sau khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng các thuốc giãn mạch vành, ít liên quan đến tư thế của bệnh nhân.

Do đó, với mô tả của bạn, các triệu chứng này ít nghĩ đến hơn đau ngực do bệnh lý mạch vành mà nghĩ nhiều đến các triệu chứng của bệnh lý đau thần kinh. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Trân trọng.

Em năm nay 43 tuổi. Em có một số biểu hiện như trong khi tập thể dục hoặc làm việc chân tay với cường độ cao như tập chạy, kéo xà đơn... hoặc đi cầu thang nhiều lần, em thường thấy nhức mỏi đầu và hay bị giật ở ngực trái (chỉ nháy nháy không đau) mặc dù chưa thấy đau mỏi nhiều về cơ ...

Nguyễn Đắc Khang, 43 tuổi, Lê Hồng Phong, Ngô Quyền, Hải Phòng

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực trái mỗi khi vận động mạnh bao gồm đau thắt ngực như bệnh mạch vành, bệnh phổi - màng phổi, đau cơ hoặc đau thần kinh liên sườn, rối loạn thần kinh thực vật...

Theo những triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng của bạn, đau ngực là gợi ý triệu chứng đau cơ khi vận động mạnh. Đây là tình trạng lành tính thường gặp. Nếu như bạn còn lo lắng, bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám và tư vấn điều trị. Trân trọng.

Tôi đi khám bệnh được kết luận ngoại tâm thu thấp và được tư vấn là nên đi đốt sóng cao tần tại bệnh viện. Tuy nhiên, khi tôi đến bệnh viện lại không thực hiện được thủ thuật này vì bệnh viện không bắt được sóng thấp. Từ đó đến nay, tôi vẫn dùng thuốc trong hơn ba tháng. Vậy tôi xin tư vấn ...

Trần Thị Liên, 57 tuổi, Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bác,

Bác đã đi khám phát hiện ngoại tâm thu thất có chỉ định điều trị can thiệp. Nguyên lý của phương pháp điều trị này là tìm ra ổ ngoại vi gây ra ngoại tâm thu và triệt đốt nó bằng năng lượng sóng có tần số radio. Hiện nay, tỷ lệ thành công của phương pháp này lên đến 80-95%, tức là có tỷ lệ nhỏ không thành công như trường hợp của bác chẳng hạn.

Bác được kê thuốc thuốc chẹn beta giao cảm liều thấp để điều trị là hợp lý nhằm giúp kiểm soát triệu chứng do ngoại tâm thu gây ra. Bác có thể dùng thuốc này lâu dài và có chế độ tập thể dục đều đặn, tránh dùng các chất kích thích như cafein, uống rượu và hút thuốc... Vì đây là các yếu tố thuận lợi để ổ ngoại tâm thu tăng hoạt động. Xin cảm ơn và chúc bác nhiều sức khỏe.

Tôi đã đặt hai stent. Hiện nay, loại thuốc chống đông máu nào là tốt nhất không ảnh hưởng phụ nhiều? Tôi đặt stent đã ba năm, làm sao kiểm tra để biết stent của tôi vẫn tốt và ổn định?

Phan Tiến Bình, 66 tuổi, Ngõ 11, đường Tây Hồ, TP Hà Nội

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bác,

Bác đã đặt hai stent nhưng không rõ bác đặt loại stent gì (có phủ thuốc hay không phủ thuốc), vị trí đặt stent như thế nào, mức độ tổn thương mạch vành của bác trước khi đặt stent và dòng chảy sau khi đặt stent có tốt không.

Bác có các bệnh lý phối hợp khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu không? Thể trạng của bác gầy hay béo. Vì đó là các yếu tố giúp bác sĩ lựa chọn loại thuốc chống đông máu phù hợp với bác sau khi được đặt stent.

Theo khuyến cáo, chúng ta cần duy trì liệu pháp kháng kết tập tiểu cầu kép sau tái thông động mạch vành tối thiểu một năm trừ khi có nguy cơ chảy máu cao. Hiện tại, bác đã đặt stent được ba năm có thể chuyển sang phác đồ dùng chống ngưng tập tiểu cầu đơn trị liệu.

Đánh giá sten của bác có còn tốt, ổn định hay không cần phải thăm khám lâm sàng một cách toàn diện từ các triệu chứng lâm sàng đến các xét nghiệm chuyên sâu như nghiệm pháp gắng sức, siêu âm tim. Nếu có dấu hiệu của bệnh động mạch tiến triển như đau ngực tăng lên, xuất hiện rối loạn nhịp mới hay suy tim tiến triển... bác mới cần chụp lại động mạch vành để đánh giá tình trạng xơ vữa, hẹp tắc động mạch vành cũng như stent. Trân trọng, chúc bác nhiều sức khỏe!

Tôi năm nay 43 tuổi, vài tháng gần đây có hiện tượng đau ngực trái, đau kiểu âm ỉ, tôi thử hít sâu thở mạnh thì không có dấu hiệu đau tăng lên, nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi bị làm sao ạ? Làm sao để điều trị khỏi? Cám ơn bác sĩ.

Hoàng Trần Huy, 43 tuổi, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơ La

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Đau ngực trái do rất nhiều nguyên nhân gây ra như nguyên nhân tim mạch, do tổn thương phổi hoặc thành ngực... Thông tin bạn cung cấp ban đầu rất ít để chúng tôi có thể chẩn đoán chính xác bệnh của bạn. Bạn cần đến khám trực tiếp để có thể đánh giá lại tính chất đau ngực, cũng như các yếu tố nguy cơ tim mạch của bạn. Từ đó có thể phân tầng nguy cơ và chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán phù hợp đề tìm ra nguyên nhân đau ngực của bạn.

Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Để đặt lịch khám và tư vấn, bạn có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Tôi bị bệnh thoái hoá mạn tính tiến triển Parkinson bốn năm nay, hiện đang ở giai đoạn 2.5. Nhịp tim chậm thường khoảng 53 đến 60 lần một phút, huyết áp trung bình khoảng 95/67. Xin bác sĩ tư vấn trường hợp của tôi. Cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Hoàng Cẩm Liên, 50 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Người trưởng thành nhip tim lúc nghỉ có thể dao động 60-100 nhịp một phút. Nhịp tim lúc nghỉ thường xuyên lớn hơn 100 nhịp một phút được xác định là nhịp nhanh, ngược lại khi nhịp tim thường xuyên dưới 60 nhịp một phút là nhịp châm.

Theo định nghĩa đó, nhịp tim của bạn tương đối chậm. Nếu như nhịp tim chậm kèm các triệu chứng như ngất, giảm gắng sức... bạn cần đến bệnh viện để được làm siêu âm tim, nghiệm áp atropin, điện tim gắng sức, holter điện tim... Để rõ hơn, bác có thể đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám và tư vấn rõ ràng hơn. Chúc bạn nhiều sức khỏe. Thân mến.

Em có triệu chứng đau thắt ngực như có ai bóp chặt không thể thở được và đôi khi cảm thấy nhói ở bên ngực trái. Triệu chứng này một năm thường xuất hiện trên 10 lần, mỗi lần trên 10 phút. Em cũng không rõ nguyên nhân của tình trạng này từ đâu mà có.

Em đã đi bệnh viện chụp X-quang và ...

Trần Thị Tuyết Nhung, 42 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Đau ngực là triệu chứng hay gặp của nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh ngoại biên... Theo đó, đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành sẽ có các triệu chứng đau ngực kiểu đè ép sau xương ức, đau lan lên hàm hoặc cánh tay trái, đau xuất hiện sau khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng các thuốc giãn mạch vành.

Theo đó, các triệu chứng bạn mô tả khả năng cao không liên quan đến bệnh lý mạch vành. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, bạn có thể đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn điều trị. Trân trọng.

Mẹ em năm nay 64 tuổi, nhiều năm tình trạng huyết áp thấp 90-100/60-70 mmHg, mạch khoảng 60 lần một phút. Tuy nhiên, một năm trở lại đây có một số cơn đau đầu, buồn nôn, nôn. Khi đó, huyết áp của mẹ khoảng 160-170/100-110 mmHg, có uống thuốc, giảm đau thì có hạ huyết áp xuống tầm 130- 40/90-100 mmHg.

Tuy nhiên, cơn ...

Trần Hải Binh, 38 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Các triệu chứng của mẹ bạn theo như mô tả là dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp. Trong bệnh lý tăng huyết áp có một vài dạng tăng huyết áp khá khó chẩn đoán là tăng huyết áp ẩn dấu, tăng huyết áp áo choàng trắng, tăng huyết áp buổi sáng sớm. Để chẩn đoán các dạng tăng huyết áp này, mẹ bạn cần phải mang máy theo dõi huyết áp 24 giờ.

Tăng huyết áp là bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não... Do đó, bạn có thể đưa mẹ đến bệnh viện để các bác sĩ có thể tiến hành khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Cảm ơn câu hỏi của bạn, trân trọng!