VnExpress - Bao tieng Viet nhieu nguoi xem nhat

Thứ năm, 17/10/2024

Em 26 tuổi, cao 1m70, nặng 66 kg. Cách đây một tuần, em có khám sức khỏe tổng quát tại bệnh viện (hằng năm em đều tự đi khám cho mình). Mọi chỉ số của các cơ quan khác bình thường, chỉ có kết quả siêu âm tim của em có kết luận:
- Hở van hai lá 1/4
- Hở van ba lá 1/4
...

Phan Tuấn Anh, 26 tuổi, TP HCM

BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai

Em là người rất biết chăm lo cho sức khỏe của mình. Em đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm và có chỉ số mọi cơ quan đều bình thường, chỉ riêng siêu âm tim hở van tim 2 lá 1/4, hở van 3 lá 1/4 và phân suất tống máu tốt EF: 64%. Hở van mức độ này là nhẹ. Nguyên nhân hở van có thể là bệnh lý gây ra nhưng cũng có thể gặp ở người bình thường (hay gọi là hở van sinh lý). Nếu đơn thuần chỉ hở các van tim như trên thì bác sĩ nghĩ hở van này là sinh lý, do đó em không cần dùng thuốc và em có thể tiếp tục chơi thể thao, đá bóng được.

Để hạn chế van tim diễn tiến nặng hơn, em nên duy trì một lối sống lành mạnh như:
- Phòng tránh béo phì, giữ cân đạt chuẩn.
- Có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc.
- Ăn nhạt, hạn chế đường, hạn chế đồ ăn nhiều mỡ, ăn nhiều rau xanh, ngủ cốc, cá...
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá...
- Tránh căng thẳng, stress và áp lực trong công việc.
- Tập luyện thể dục thể thao theo khả năng của mình thường xuyên để tăng cường sức khỏe.

Điều này góp phần quan trọng cải thiện sức khỏe cho người bệnh hở van tim.

Em cần lưu ý: nên tới bệnh viện tái khám 6 tháng một ần để kiểm tra tim mạch và các bệnh đi kèm khác nếu có. Trân trọng

Mẹ tôi 66 tuổi. Mẹ tôi có nhiều bệnh mãn tính như: cường giáp, suy giãn tĩnh mạch chân, thoái hóa cột sống. Tết vừa qua, mẹ tôi bị ho nhiều không hết, đi khám ở bệnh viện tim thì kết luận hở van tim hai lá 3/4, hở van tim ba lá 2/4, hở van động mạch chủ, suy tim. Bác sĩ cho uống ...

Lê Thùy Duyên, 35 tuổi, Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều

Chào chị,

Trường hợp của mẹ chị cần khám chuyên khoa tim mạch, tìm nguyên nhân hở van 2 lá nặng và xem xét có chỉ định mổ van 2 lá chưa. Không phải tất cả các trường hợp hở van 2 lá nặng đều phải mổ tim ngay. có trường hợp vẫn uống thuốc và theo dõi được thêm một thời gian vài năm, tùy theo đánh giá của bác sĩ điều trị.

Ở độ tuổi này, thông thường vẫn mổ van tim được. Tuy nhiên, bác sĩ còn đánh giá nguy cơ cuộc mổ dựa vào thể trạng bệnh nhân, bệnh lý đi kèm, chức năng gan, chức năng thận...

Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn phải uống thuốc lâu dài chứ không ngưng thuốc được. Thường bệnh nhân suy tim nặng dễ bị mất ngủ, ngủ ít chứ không phải do tác dụng phụ của thuốc điều trị suy tim.

Cảm ơn câu hỏi của chị, chúc chị nhiều sức khỏe, thân mến!

Bệnh mạch vành và xơ vữa động mạch có phải là một bệnh không? Em nghe nói bệnh này thường kéo theo một loạt bệnh khác như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu... điều này có đúng không? Mong bác sĩ giải thích rõ hơn.

Minh Minh, 33 tuổi, Hà Nội

ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy

Chào bạn,

Xơ vữa động mạch là tình trạng mảng xơ vữa bám bên trong thành mạch máu, thành phần mảng xơ vữa này thường bao gồm các chất mỡ, các tế bào viêm, tế bào cơ trơn và mô liên kết. Mảng xơ vữa tích tụ trong lòng mạch lâu ngày sẽ to lên hoặc có thể vỡ ra gây hẹp hoặc tắc thành mạch máu, lúc đó triệu chứng sẽ xuất hiện. Tùy theo vị trí của mảng xơ vữa, triệu chứng sẽ xuất hiện tương ứng. Ví dụ xơ vữa đó gây tắc hẹp ở não gây ra thiếu máu não, nhồi máu não, tắc hẹp mạch vành sẽ gây ra thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, mảng xơ vữa gây tắc hẹp ở chi thì có thể gây tắc mạch ở chi như tay, chân...

Mạch vành là hệ thống mạch máu cung cấp oxy và dưỡng chất cho tim hoạt động tốt, nó cũng là mạch máu nên hoàn toàn cũng có thể xơ vữa giống như hệ thống mạch máu khác. Tuy nhiên, do nó ở tim nên bệnh xơ vữa mạch vành nặng có thể gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim. Nếu người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì mỡ máu cao, hút thuốc lá... thì tất cả những yếu tố nguy cơ đó sẽ làm thúc đẩy bệnh xơ vữa mạch vành phát triển nhanh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn khỏe mạnh và hạnh phúc.

Để thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, TP HCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa Khoai Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Để đặt lịch khám và tư vấn, bạn có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng.

Bệnh lý tim mạch
 
 

Tôi năm nay 41 tuổi, bị tiểu đường 15 năm, hiện giờ kiểm soát đường huyết loại hai bằng cách uống thuốc tây. Tôi có triệu chứng đau ngực bên trái (tim) khi ngồi lâu hoặc lái xe trong vòng hơn hai giờ, triệu chứng này sẽ hết khi nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng, tôi cũng hay bị tức ngực nhưng ít. Cho hỏi tôi bị ...

Trần Anh Tín, 41 tuổi, Thăng Bình, Quảng Nam

ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy

Chào bạn,

Triệu chứng đau ngực, khó thở khi ngồi lâu cũng chưa chắc loại trừ được là có do tim hay không. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, tái đi tái lại tốt nhất bạn nên đi đến Trung tâm Tim mạch để khám, có thể chụp phim X-quang, đo điện tim hoặc siêu âm tim để xác định thêm tim mạch bạn có bị gì hay không, từ đó có cơ sở là có nên chụp mạch vành hay không. Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn khỏe mạnh và hạnh phúc, trân trọng.

Bệnh lý tim mạch
 
 

Bệnh cầu cơ tim có thể không dùng thuốc được không và có nguy hiểm không bác sĩ? Hiện tôi bị cao huyết áp đang dùng thuốc. Xin bác sĩ tư vấn giúp trường hợp của tôi. Tôi cảm ơn.

Nguyễn Tấn Vinh, 44 tuổi, Bình Dương

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Bệnh cầu cơ xuất hiện là do mạch vành đi giữa hai nhóm cơ. Trong thời kỳ tâm thu, cơ co thắt lại làm cho mạch vành bị hẹp lại. Tuy nhiên, điều này không đáng lo vì cơ tim không dẫn máu nuôi ở thì tâm thu, cơ tim sẽ nhận máu nuôi ở thì tâm trương, lúc đó cơ giãn ra và mạch vành trở về bình thường, cơ tim sẽ nhận được máu nuôi đầy đủ. Do đó, bệnh cầu cơ không cần phải dùng thuốc.

Cao huyết áp không liên quan đến bệnh cầu cơ. Cao huyết áp là kẻ giết người thầm lặng do hai chứng xơ cứng và xơ vữa động mạch, nó là tiền đề của những bệnh nguy hiểm như tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Để điều trị cao huyết áp, bạn cần có chế độ ăn tiết chế phù hợp, tập luyện thích hợp thì sẽ chống lại quá trình xơ vữa và xơ cứng, bạn có thể giảm được thuốc đáng kể, thậm chí ở một số trường hợp có thể ngưng thuốc trong khoảng thời gian dài.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn khỏe mạnh và hạnh phúc, trân trọng.

Bệnh lý tim mạch
 
 

Bố tôi (76 tuổi) bị tai biến và phải phẫu thuật não được bốn tháng, sau mổ hai tháng thì ghép lại hộp sọ. Hiện tại, bố tôi thần kinh ổn định, trí nhớ minh mẫn, bị liệt bên trái, nay đã tự đi được một chút. Trong khoảng ba tuần nay, bố tôi bị phù bàn chân và bàn tay bên trái. Xin hỏi ...

Phạm Quốc Lập, 76 tuổi, Hà Đông

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Phù là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ sự sưng nề, nguyên nhân do thừa dịch ở khoang của cơ thể. Phù có thể ở bất cứ vị trí nào của cơ thể. Có thể chia phù thành 2 loại là phù trung tâm và phù ngoại vi. Phù ngoại vi là tình trạng phù ở vị trí tay, chân.

Nguyên nhân chính của phù ngoại vi bao gồm: suy tim, suy thận, xơ gan, thiểu dưỡng người già, một số nguyên nhân ít gặp hơn do tác dụng thuốc, phù mạch, phù do tắc mạch bạch huyết... Không phải tất cả trường hợp phù đều điều trị, một số trường hợp yêu cầu điều trị bằng thay đổi chế độ ăn hoặc dùng thuốc.

Đối với trường hợp của bố bạn, do chưa có nhiều thông tin cần đến gặp bác sĩ để có thể thăm khám và làm xét nghiệm, chẩn đoán nguyên nhân cụ thể, có hướng điều trị tốt hơn. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị vấn đề này, bạn có thể tham khảo nhé.

Tôi bị hở van tim hai lá lớn hơn 3/4 từ năm 2015, chưa bị suy tim. Tháng 11/2019, tôi đã phẫu thuật bằng phương pháp Mitra Clip ở bệnh viện và đang theo dõi điều trị ba tháng tái khám một lần, đến nay vẫn ổn và sức khỏe tốt. Bác sĩ cho tôi hỏi việc theo dõi điều trị tiếp tục bằng thuốc ...

Trương Minh Sang, 56 tuổi, Rạch Giá, Kiên Giang

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long

Chào bạn,

Chúc mừng bạn đã nhận được một thành tựu rất lớn của ngành y khoa là Mitra Clip. Nếu như hở van trước đây chỉ có mổ hở để sửa van thì hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học, chúng ta có thể mổ bằng nội soi để clip van lại nhằm mục đích giảm hở van lại.

Sau clip thành công, chúng ta nên theo dõi bằng siêu âm để đánh giá được mức độ hở từ ba tháng đến sáu tháng hay một năm. Sau khi chắc chắn mức độ hở này nhỏ hơn 1/2, không còn tình trạng suy tim như bạn nói thì sẽ giảm thuốc và ngưng thuốc dần. Phương pháp này là tiến bộ mới, không có sự hạn chế nhưng chỉ dùng trong một số thể hở van, ví dụ bệnh savant, giảm vùng van nhưng buồng tim không quá lớn, nhỏ hơn 55 mm thì chúng ta mới có thể sử dụng được phương pháp này. Còn những hở van khác, hở van do hậu thấp hoặc những bệnh lý nhiều van, bệnh nhân vừa bị bệnh van vừa phải mổ bắc cầu thì chúng ta không dùng phương pháp này.

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn khỏe mạnh và hạnh phúc, trân trọng.

Tư vấn bệnh lý tim mạch
 
 

Mẹ tôi 54 tuổi, ở Quảng Nam, đang phải điều trị bệnh về tuyến giáp khoảng 20 năm nay và phải uống thuốc hằng ngày (có lúc là suy giáp, có lúc cường giáp, phải dừng thuốc rồi lại tiếp tục uống). Nay mẹ tôi được chẩn đoán bệnh suy tim sung huyết do suy giáp (nhịp tim chậm, thường bị mệt, khó thở, hồi ...

Nguyễn Thị Nhật Linh, 33 tuổi, Nguyễn Quý Anh, Tân Sơn Nhì, TP HCM

ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy

Chào bạn.

Theo như bạn mô tả, tình trạng của mẹ có thể là bệnh lý suy tim có liên quan tới suy tuyến giáp. Hiện tại, tại TP HCM có rất nhiều nơi có thể kiểm soát bệnh lý này, bạn có thể đăng ký cho mẹ khám.

Việc đặt máy tạo nhịp hỗ trợ hay không, chế độ ăn như thế nào, thực phẩm bổ sung ra sao, điều này còn tùy thuộc vào tình trạng suy tim của mẹ bạn hiện tại. Bạn cần đưa mẹ đến khám cụ thể mới biết được tình trạng suy tim ở mức độ nào, quyết định đặt máy hay không đặt máy. Đối với người suy tim thì chế độ ăn là: uống nước vừa phải, kiêng cữ muối và tập thể dục. Trân trọng!

Bệnh tim mạch
 
 

Tôi muốn hỏi về hiện tượng bỏ nhịp tim thường xuyên và tăng huyết áp. Tôi đi khám ở bệnh viện, nhưng bác sĩ không phát hiện ra điều bất thường. Rất mong bác sĩ tư vấn cho lời khuyên về tình trạng bệnh trên của tôi. Xin cám ơn!

nguyenvanhanh90.tb, 67 tuổi, Thái Bình

TS.BS Nguyễn Thị Duyên

Chào bác.

Hiện tượng bỏ nhịp tim có thể là một loại rối loạn nhịp tim ngoại tâm thu, nhất là khi bác đang có vấn đề tim mạch là tăng huyết áp. Ngoại tâm thu là cơn co bóp thêm bất thường ở tâm thất, xảy ra quá sớm trước khi tâm nhĩ báo tín hiệu co bóp. Hiện tượng này đôi khi khó chẩn đoán do không phải lúc nào cũng xuất hiện, thường tăng lên khi có lo lắng, căng thẳng, sau khi dùng một số chất kích thích như caffein, rượu mạnh, hoặc một số loại thuốc.

Holter điện tâm đồ 24 giờ là một phương pháp đơn giản để xác định cảm giác bỏ nhịp có phải là một rối loạn nhịp thực sự hay không. Hiện tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có trang bị máy đeo Holter có thể theo dõi điện tâm đồ trong thời gian dài hơn, có thể tới 15 ngày, để giúp phát hiện các rối loạn nhịp kín đáo nhất.

Em bị tim đập nhanh khi lo lắng hay hoạt động mạnh. Vậy tình trạng của em có nguy hiểm không? Xin bác sĩ tư vấn giúp em!

Lê Nga, 32 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Đối với người khỏe mạnh, khi nghỉ ngơi sẽ có nhịp tim 60-100 nhịp/phút. Khi hoạt động gắng sức, cơ thể cần nhiều năng lượng và oxy để đốt cháy calo nhiều hơn, cơ thể đáp ứng bằng cách hoạt hóa hệ thần kinh giao cảm, tăng tiết các chất catecolamin làm tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác, bạn có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch. Các bác sĩ sẽ khám cụ thể và chỉ định các thăm dò tim mạch.


Tôi từ nhỏ đến giờ khỏe mạnh. Đến khi mang thai tháng thứ tư thì mệt nhiều, phù chân, khó thở, đi khám phát hiện bị lỗ thủng ở vách nhĩ tim 20 mm, tôi rất lo lắng và mất ngủ. Tại sao tôi bị tim bẩm sinh mà không phát hiện được? Giờ tôi phải làm sao, tôi đã mang thai tháng thứ ...

Quỳnh Chi, 28 tuổi, Đồng Nai

BS.CKI Vũ Năng Phúc

Chào chị,

Thông liên nhĩ là một bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp. Theo thông tin chị cung cấp, đây là lỗ thông liên nhĩ trung cấp, đường kính 2 mm. Theo xếp loại thì đây là lỗ thông liên thất kích thước trung bình, điều đó có thể giải thích tại sao đến tuổi này chị mới khởi phát triệu chứng. Kèm theo đó, thai kỳ sẽ dẫn đến tình trạng tăng nhu cầu oxy và thay đổi nội tiết tố, làm khởi phát triệu chứng.

Với triệu chứng suy tim của chị cho đến thời điểm này, chị nên tới khám tại các Trung tâm Tim mạch để được siêu âm tim, đánh giá áp lực động mạch phổi cũng như chức năng của các buồng tim, từ đó sẽ định hướng điều trị thích hợp nhất, như phẫu thuật hay thông tim đóng lỗ thông. Chúc chị cùng gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc.

Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, chị có thể gửi câu hỏi về cho chương trình hoặc gọi lên tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ tư vấn và đặt lịch. Trân trọng.

Bệnh tim mạch
 
 


Tôi có bé trai hai tuổi, được chẩn đoán hẹp chủ và hội chứng William. Bác sĩ cho tôi hỏi hội chứng William là gì? Tôi cần chăm sóc con thế nào?

Phương Mai, 35 tuổi, Bình Định

BS.CKI Vũ Năng Phúc

Chào chị,

Hội chứng William là một hội chứng về di truyền, có thể kèm theo rất nhiều bất thường phối hợp khác. Nguyên nhân là tăng các elastin nội mô làm cho dày thành lớp trung mạc và gây ra hẹp trên van động mạch chủ cũng như hẹp trên mạch vành. Đây là một trong những bệnh rất nguy hiểm, cần phát hiện và chăm sóc theo dõi thật tốt. Một số trường hợp cần phẫu thuật mở rộng động mạch chủ.

Với tình trạng của cháu, chị nên cho cháu tới khám tại các Trung tâm Tim mạch để được thăm khám kỹ, từ đó sẽ định hướng điều trị thích hợp nhất. Chúc cháu cùng gia đình anh chị khỏe mạnh, hạnh phúc.

Bệnh tim mạch
 
 

Tôi đã đi khám nhiều nơi nhưng kết quả về tim bình thường. Hiện tại tôi có một số biểu hiện sau:
- Ngồi lâu đứng dậy bị chóng mặt.
- Sức bền kém, từ hồi sinh viên tôi có chơi thể thao (cầu lông) thường xuyên, nhưng sức bền của tôi kém hơn các bạn cùng lứa. Vật tay tôi có thể thắng nhưng ...

Pham Minh Kiem, 33 tuổi, Times city, Hà Nội

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Bạn có tình trạng ngồi lâu đứng gậy bị chóng mặt có thể là tụt huyết áp tư thế đứng. Do cơ thể và hệ tim mạch thích nghi chậm với thay đổi tư thế. Bạn nên ngồi xuống và đứng lên từ từ để tránh thay đổi tư thế đột ngột thì sẽ không còn hiện tượng này nữa.

Bạn hay bị hồi hộp trống ngực, nhịp tim đập rất nhanh, tình trạng này có thể gặp khi gắng sức thì đa số bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn thấy xuất hiện hồi hộp trống ngực khi nghỉ ngơi rất có thể là cơn rối loạn nhịp tim nhanh. Khi đó bạn cần đến gặp bác sĩ để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm các hormon tuyến giáp, làm điện tim, siêu âm tim, đeo máy theo dõi nhịp tim 24 giờ để có thể chẩn đoán chính xác và có tư vấn điều trị tốt nhất. Cảm ơn bạn.

Cháu bị đau thắt ở ngực trái, đi khám lâm sàng thì bác sĩ kết luận là nhịp xoang nhanh. Bác sĩ kê thuốc về uống thì cơn đau lên và kèm đau đầu. Cháu có khám lại và nhập viện điều trị, bác sĩ bảo bị rối loạn tuần hoàn não, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và hội chứng cổ tim. Vậy ...

Nguyễn Thị Luy, 33 tuổi, Yên Khánh, Ninh Bình

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Hội chứng cổ - tim là bệnh lý cột sống cổ gây ra triệu chứng đau vùng tim hoặc sau xương ức, trong cơn đau bệnh nhân có thể có cảm giác hồi hộp trống ngực, nhịp tim nhanh. Thuật ngữ này hiện nay ít được sử dụng và rất có thể nhầm lẫn với triệu chứng của một cơn đau thắt ngực.

Cơn đau thắt ngực nguyên nhân chính là do động mạch vành cơ tim gây nên gồm các triệu chứng như đau thắt vùng tim sau xương ức, một số trường hợp lan lên cổ, vai và cánh tay hai bên kèm theo vã mồ hôi, có thể đỡ khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch vành.

Để phân biệt triệu chứng của hai bệnh này cần phải được thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm. Tuy nhiên, triệu chứng của cơn đau thắt ngực có thể đe dọa tính mạng nhiều hơn. Bạn có thể đến bệnh viện để được bác sĩ khám và tư vấn cụ thể hơn. Trân trọng.

Cháu bị tình trạng tim đập nhanh, gây khó thở, thở hụt hơi, chóng mặt khi đi bộ hoặc chạy nhẹ. Cháu đi khám điện tim và siêu âm tim thì bình thường. Tiền sử của em bị rối loạn lo âu, stress, rối loạn thần kinh thực vật, trầm cảm. Vậy cháu hỏi, có nên dùng thuốc để điều trị nhịp tim chậm ...

Nguyen Cuong, 30 tuổi, Hà Nội

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Các triệu chứng của bạn như tim đập nhanh, khó thở, hụt hơi... có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Bạn đã được đi khám loại trừ bệnh tim mạch và đã có tiền sử rối loạn lo âu thì đây cũng có thể là một lý do gây ra các triệu chứng của bạn. Các triệu chứng này sẽ tự hết khi bạn được điều trị kiểm soát tốt tình trạng rối loạn lo âu và stress mà không cần dùng thuốc làm chậm nhịp tim. Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn có nhiều sức khỏe.

Tôi bị block nhánh phải toàn phần thì phải làm gì? Mong bác sĩ tư vấn.

Hoàng Văn Kiệm, 63 tuổi, Nghĩa Hưng, Nam Định

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Block nhánh phải là là một rối loạn dẫn truyền xung động điện trong tâm thất. Block nhánh phải có thể xuất hiện ở những người khỏe mạnh và khi đó được coi là lành tính không cần điều trị gì.

Tuy nhiên, block nhánh phải cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tim cấu trúc khác như thông liên thất, thông liên nhĩ hoặc do hậu quả của một số bệnh khác gây ra như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thuyên tắc động mạch phổi. Khi đó sẽ cần phải điều trị các nguyên nhân gây ra block nhánh phải. Bạn có thể đến thăm khám để bác sĩ đánh giá kỹ và có những tư vấn sâu hơn nữa dành cho bạn. Xin cảm ơn. Trân trọng.

Tôi bị nhịp tim chậm 58, ngực có cảm giác đau nhẹ. Xin hỏi, đây có phải là triệu chứng của bệnh tim hay không? Bệnh có thể điều trị bằng cách nào?

Nguyễn Hồng Thanh, 51 tuổi, Ngọc hồi, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng

ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao

Chào chị,

Nhịp tim bình thường của người trưởng thành lúc nghỉ khoảng 60-100 lần một phút. Nếu nhịp tim của chị 58 lần một phút khi đang làm việc hoặc gắng sức kèm triệu chứng đau nhẹ ở ngực thì nên đi khám sức khỏe tổng quát và khám thêm tim mạch.

Thông qua việc hỏi các triệu chứng, bệnh sử và thăm khám kỹ, bác sĩ mới có thể xác định được tình trạng sức khỏe của chị là bình thường hoặc có vấn đề gì. Những triệu chứng của chị mô tả ở trên còn cần kết hợp thêm nhiều thông tin khác mới biết được có bệnh lý tim mạch hay không.

Trong trường hợp nếu phát hiện bệnh lý về tim mạch, chị nên điều trị theo chuyên khoa để được tư vấn về tình trạng bệnh rõ ràng và điều trị phù hợp nhất. Chúc chị nhiều sức khỏe.

Tôi gần đây hay bị đau tim, nhất là khi nằm xuống thấy cơn đau xuất hiện nhiều hơn và người hay mệt. Tôi từng đi siêu âm tim ở bệnh viện và bác sĩ bảo không sao. Nhưng tôi vẫn hay xuất hiện những vấn đề trên, bác sĩ tư vấn giúp tôi nên khám ở đâu để biết bệnh. Cảm ơn bác sĩ.

nguyenthilieu011, 45 tuổi, Hải Phòng

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Những thông tin bạn cung cấp chưa đủ để chúng tôi có thể trả lời chính xác bạn có mắc bệnh tim mạch hay không, nhất là triệu chứng đau ngực không điển hình như mô tả của bạn. Về trình tự chẩn đoán, chúng tôi cần các thông tin về các yếu tố nguy cơ tim mạch của người bệnh, tính chất cơn đau ngực của bạn, từ đó phân tầng nguy cơ giúp lựa chọn các thăm dò chức năng tim mạch hiệu quả nhất với từng trường hợp.

Qua tổng hợp các thông tin, chúng tôi mới có thể kết luận bạn có bị bệnh mạch vành không. Bạn có thể đến đăng ký khám trực tiếp tại phòng khám Tim mạch Bệnh viện Tâm Anh được khám và tư vấn chính xác bệnh cho bạn.

Để thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, bạn có thể tham khảo Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM (số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) hoặc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội (số 108 Phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).

Để đặt lịch khám và tư vấn, bạn có thể gọi lên tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội 1800 6858, tại TP HCM 0287 102 6789 để được hỗ trợ. Trân trọng!

Thỉnh thoảng tôi có cơn đau tại ngực trái khi hít sâu, nhưng chỉ sau một lúc thì khỏi. Bác sĩ cho tôi hỏi đây có thể là triệu chứng của bệnh tim mạch hay không? Cần điều trị bệnh như thế nào?

Trần Duy Nghĩa, 40 tuổi, Đại Phạm, Hạ Hoà, Phú Thọ

BS Nguyễn Đức Hưng

Chào bạn,

Đau ngực trái khi hít sâu không được cho là đau ngực điển hình của bệnh tim mạch. Nguyên nhân gây đau ngực khi hít sâu thường nghĩ đến là do thành ngực, chủ yếu do khi hít thở lồng ngực phải giãn nở theo sự giãn nở của phổi. Khi có các tổn thương cấu trúc nào đó trên thành ngực có thể gây ra triệu chứng đau khi hít sâu.

Thông tin của bạn khá mơ hồ và chưa đủ để bác sĩ có thể chẩn đoán xác định, bạn nên khám Nội khoa tổng quát nếu triệu chứng vẫn còn, tăng lên hoặc kèm theo các triệu chứng khác. Cảm ơn bạn.

Thỉnh thoảng, tôi đau nhẹ ở phần ngực bên trái, những khi công việc mệt quá tôi đau nhẹ và hơi khó thở. Tôi đi khám ở bệnh viện, không phát hiện ra bệnh gì vì thỉnh thoảng mới đau. Có lần tôi rất đau vào bệnh viện tim để kiểm tra nhưng cũng không phát hiện ra nguyên nhân. Nhờ các bác sĩ tư ...

Nguyễn Minh Huyên, 46 tuổi, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến

Chào bạn,

Đau ngực gây ra do rất nhiều nguyên nhân tùy thuộc vào vị trí. Một số trường hợp đau ngực do căn nguyên thành ngực như da, cơ ngực hoặc đau xương khớp, có thể cơn đau ngực căn nguyên tại tim, phổi hoặc bệnh lý dạ dày - thực quản...

Tùy thuộc vị trí đau mà tính chất cơn đau khác nhau (đau chói, tức nặng, cảm giác bỏng rát, thắt nghẹn,...). Cơn đau ngực do tim thường có tính chất đau thắt nghẹn sau xương ức, đau lan lên cổ cằm và cánh tay hai bên. Trong cơn đau bệnh nhân thường kèm theo khó thở và vã mồ hôi, đỡ đau khi nghỉ ngơi hoặc dùng các thuốc giãn mạch vành.

Đối với trường hợp của bạn, do bạn chưa cung cấp đầy đủ thông tin nên chúng tôi chưa thể khẳng định nguyên nhân cơn đau ngực. Tuy nhiên, nếu bạn gặp cơn đau ngực tương tự mô tả như cơn đau thắt ngực như trên hãy đến bệnh viện để bác sĩ có thể thăm khám trực tiếp và chẩn đoán cụ thể cho bạn.