Chồng tôi 49 tuổi, có bệnh huyết áp cao ổn định, uống thuốc đều 1/2 viên trong 3 năm nay. Anh đã từng một lần bị sốt xuất huyết cách đây hơn 10 năm, khi đó bị vỡ tiểu cầu 1/2 cánh tay. Anh có gen lặn bệnh thiếu máu huyết tán Thalasemia. Sức khỏe hiện bình thường vẫn đi làm văn phòng. Vậy chồng ...
Chào chị,
Theo thông tin chị cung cấp, chồng chị thuộc nhóm đối tượng có bệnh lý nền cần được khám sàng lọc kỹ theo hướng dẫn của Bộ y tế tại các bệnh viện hay cơ sở y tế có đủ năng lực cấp cứu ban đầu. Khi khám, chồng chị cần cung cấp các hồ sơ liên quan đến bệnh để bác sĩ khám sàng lọc có thể đánh giá và chỉ định tiêm chủng an toàn. Ngoài ra, sau khi tiêm chủng, chồng chị cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về theo dõi phản ứng sau tiêm, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, không nên tập thể dục với cường độ mạnh như đá bóng, chạy độ, cử tạ... Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Trân trọng!
Câu hỏi cho bác sĩ Khanh. em bị viêm mũi dị ứng nặng và cũng có dị ứng một số kháng sinh, cụ thể là hay bị sưng mắt khi uống thuốc cảm. Vậy trường hợp của em có cấn test dị ứng trước khi tiêm ngừa vaccine Covid-19 không?
Chào chị,
Thông thường, một người bị dị ứng kinh niên mới đi xét nghiệm dị ứng thành phần, còn những người bình thường không cần xét nghiệm, đặc biệt trong tiêm chủng không cần thiết làm xét nghiệm vì nó không có giá trị.
Vì dù có làm xét nghiệm, cũng không chắc các xét nghiệm đó chính xác hoàn toàn với các thành phần trong vaccine. Khi thực hiện các xét nghiệm ở ngoài, người ta chỉ xét nghiệm các dị ứng thông thường như trứng, bụi nhà,... còn thành phần vaccine không chế được các chế phẩm vaccine để làm xét nghiệm phát hiện có dị ứng hay không?
Do vậy, điều quan trọng nếu có dị ứng nhẹ vẫn nên chích vaccine tại nơi chủng ngừa được trang bị đầy đủ dụng cụ giải quyết dị ứng đó. Các bác sĩ sẽ xử lý được hết nếu có chuyện không may xảy ra. Còn dị ứng nặng có thể cần phải chích trong bệnh viện. Mọi người không nên lăn tăn rằng mình có cần xét nghiệm dị ứng trước khi chích ngừa.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Trân trọng!
Tôi mới bị dị ứng cách đây 2 tuần, do càng ngày càng nặng nên tôi đã được kê đơn thuốc uống. Tôi còn 7 ngày nữa mới thuốc hết, sau đó tôi đi tiêm vaccine Covid-19 được không?
Với trường hợp của anh/chị khi nào ngưng thuốc, điều trị dị ứng ổn định mới có thể tiêm vaccine Covid-19. Anh/chị nên đăng ký tiêm tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Tôi đã thay van sinh học động mạch chủ đến nay là 19 tháng, hiện đã không dùng thuốc theo chỉ định. Các chỉ số xét nghiệm đều trong ngưỡng cho phép, huyết áp bình thường. Vậy cho tôi hỏi tôi có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 được không và nên tiêm loại nào?
Trường hợp bệnh mãn tính mà đã điều trị ổn định trong vòng 3 tháng, hiện bạn sức khỏe tốt, không uống thuốc gì, các chỉ số sinh tồn như mạch, nhiệt độ, huyết áp, các chỉ số xét nghiệm tốt trong ngưỡng cho phép thì anh/chị hoàn toàn có thể tiêm được vaccine Covid-19.
Tôi bị tiểu đường type, bị nhồi máu cơ tim đã đặt 6 stent và phẫu bắc cầu 4 vị trí các nhánh động mạch vành. Tôi hiện uống thuốc tim mạch, tiểu đường hàng ngày. Tôi bị dị ứng thuốc trong lúc can thiệp đặt stent thì có tiêm vaccine Covid-19 được không?
Chào bác,
Đối với trường hợp của bác, nếu các bệnh lý đã được điều trị ổn định, bác vẫn có thể tiêm chủng vaccine Covid-19. Tuy nhiên, bác đã 63 tuổi và có nhiều bệnh lý nền nên bác thuộc nhóm cần cẩn trọng khi tiêm chủng, cần tiêm tại bệnh viện. Trước khi tiêm bác cần cung cấp thông tin tiền sử điều trị và các thuốc đang dùng cho bác sĩ khám sàng lọc biết để chỉ định tiêm an toàn. Ngoài ra, bác có tiền sử dị ứng, bác cần cung cấp các triệu chứng dị ứng và thuốc điều trị để bác sĩ xác định được mức độ dị ứng, nếu dị ứng mức độ nặng (phản vệ từ độ 2 trở lên) là chống chỉ định của vaccine Covid-19.
Kính chúc bác nhiều sức khỏe. Trân trọng!
Tôi muốn tiêm vaccine Covid-19 cho con gái tôi chuẩn bị đi du học thì liên hệ với cơ sở nào?
Hiện tại Chính phủ và Bộ Y tế vẫn đang triển khai tiêm cho các đối tượng được ưu tiên. Vì vậy nếu anh/chị thuộc diện được tiêm theo chính sách thì có thể đăng ký tại nơi mình sinh sống hoặc nơi mình công tác. Ngoài ra nếu chưa thuộc nhóm đối tương ưu tiên theo NĐ 21-CP thì anh/chị vui lòng chờ hoặc đăng ký nhu cầu của mình qua hệ thống tổng đài VNVC, ngay khi có thể được đáp ứng và cho phép của Bộ Y tế về cơ chế tiêm dịch vụ chúng tôi sẽ thông báo và mời khách hàng đến tiêm.
Cháu sức khoẻ bình thường, không bệnh nền. Trước đó, tháng 7/2020 cháu ăn tôm càng xanh, ăn cả đầu tôm, nơi có nhiều cholesterol nhất thì tối đó bị nổi mẩn khắp người. Khi cảm thấy khó thở cháu đến bệnh viện chích thuốc và bệnh viện cho về. Cháu dùng một viên dị ứng ngày hôm sau là khỏi. Vậy cháu có đủ ...
Chào bạn,
Theo như lời bạn kể thì bạn có tiền căn dị ứng thức ăn có nổi mề đay kèm khó thở (phản ứng phản vệ độ 2) phải nhập viện để chích thuốc, uống thuốc theo dõi mới hết, những trường hợp này theo hướng dẫn của Bộ Y tế bạn thuộc đối tượng chống chỉ định với vaccine Covid-19. Tuy không thể tiêm vaccine Covid-19 nhưng bạn vẫn có thể phòng bệnh hiệu quả bằng các biện pháp khác như thông điệp 5K của Chính phủ và Bộ Y tế.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Hiện em có bệnh mạn tính từ nhỏ là dị ứng cơ địa: thời tiết như bụi, nóng, gạch hải sản, hoặc những nơi ô nhiễm, bệnh trong người. Em hay bị nổi mẩn đỏ như rôm sảy có lúc nhẹ thi uống thuốc hết, nếu nặng thì gây sốt, khó thở. Vào thời tiết gió bụi thì dị ứng nổi hết cả người khoảng ...
Chào Anh/Chị,
Anh/Chị cần nêu rõ tình trạng của Anh/Chị khi bị dị ứng: nếu trường hợp của Anh/Chị bị dị ứng nặng có khó thở phải nhập viện điều trị cấp cứu thì theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì Anh/Chị thuộc nhóm chống chỉ định tiêm chủng vaccine Covid-19. Còn nếu tình trạng dị ứng của Anh/Chị nhẹ hơn như chỉ gặp các triệu chứng như mẩn ngứa, mề đay và không phải nhập viện vì các triệu chứng khó thở hay tụt huyết áp hay nôn ói thì Anh/Chị vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19.
Tuy nhiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế Anh/Chị thuộc nhóm đối tượng thận trọng khi tiêm vaccine Covid-19, và phải tiêm chủng vaccine Covid-19 tại bệnh viện. Ngoài ra Anh/Chị phải cung cấp đầy đủ các triệu chứng khi mắc phải cho bác sĩ khám sàng lọc để bác sĩ khám cho chỉ định và dặn dò theo dõi cho phù hợp.
Cảm ơn câu hỏi của Anh/Chị. Trân trọng!
Vaccine AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ có an toàn không so với sản xuất tại Anh hoặc Hàn Quốc. Nếu mũi đầu tiêm vaccine AstraZeneca sản xuất bởi Hàn Quốc mũi sau tiêm sản xuất tại Ấn Độ thì có làm sao không?
Vaccine AstraZeneca sản xuất bất kỳ ở quốc gia nào đều có tác dụng và độ an toàn như nhau. Nếu trường hợp bạn tiêm mũi một của Hàn quốc sản xuất thì mũi 2 bạn vẫn tiêm được vaccine tại Ấn độ sản xuất.
Em 33 tuổi, đang điều trị hen suyễn bậc 3 tại bệnh viện được 2 tháng rồi. Em có dùng thuốc dạng hít 2 lần trong ngày. Vậy em có tiêm vaccine Covid-19 được hay không?
Chào chị,
Chị nên điều trị ổn định trong vòng 3 tháng, sau 3 tháng điều trị tái khám lại tham vấn tiên lượng điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Nếu sức khỏe ổn định bình thường, chị mới nên tiêm phòng vaccine Covid-19.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Chúc chị sức khỏe!
Lúc trẻ, tôi bị dị ứng phấn hoa khi đi du học, khi về nước thì hết. Từ 5 năm nay, hàng năm tôi đều chích ngừa cảm cúm vì khi bị cảm thường kéo dài, đôi lúc giống như suyễn. Từ khi tiêm ngừa cúm, đỡ được 90%. Xin hỏi tôi có được tiêm ngừa Covid-19 không?
Trường hợp của anh/chị chưa mô tả rõ triệu chứng dị ứng phấn hoa và ở mức độ như thế nào, nếu là dị ứng thể nhẹ và hiện tại anh, chị vẫn tiêm được vaccine cúm thì vẫn có thể tiêm được vaccine Covid-19 bình thường.
Tôi cao huyết áp, mở máu, đang dùng thuốc, huyết áp ổn định ở mức 110/70. Xin hỏi với tình trạng tôi nếu tiêm vaccine có gây biến chứng đông máu không? Tôi muốn chờ được tiêm vaccine Pfizer cho yên tâm. Mong bác sĩ chỉ dẫn.
Chào Anh/Chị,
Hiện tại, theo thông tin Anh/Chị cung cấp, tình trạng bệnh của Anh/Chị đã ổn định và Anh/Chị sử dụng thuốc chống đông. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Anh/Chị cần tiêm chủng trong bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực cấp cứu ban đầu.
Với tình trạng của Anh/Chị không làm tăng nguy cơ huyết khối do vaccine, nhưng có thể khiến máu khó đông và bầm máu nơi vết tiêm, Anh/Chị cần thông báo các thông tin này cho bác sĩ và điều dưỡng khi tiêm chủng để điều dưỡng áp dụng kỹ thuật tiêm an toàn cho Anh/Chị. Tuy nhiên, nguy cơ huyết khối có thể gặp với bất cứ ai nên sau tiêm, Anh/Chị cần theo dõi sát các phản ứng sau tiêm theo hướng dẫn của bác sĩ để kịp thời phản hiện các dấu hiệu bất thường và đến ngay bệnh viện để được xử trí sớm. Ngoài ra, nguy cơ đông máu có thể gây ra bởi các vaccine Covid-19 khác, không chỉ vaccine của AstraZeneca. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nên chủng ngừa càng sớm càng tốt với bất kỳ loại vaccine nào có sẵn tại địa phương.
Kính chúc Anh/Chị sức khỏe. Trân trọng!
Đầu tháng 5, cháu bị nổi mề đay không biết vì hải sản hay vì trà giải độc. Cháu có đi khám da liễu, bác sĩ nói không quan tâm bị dị ứng vì gì, chỉ biết gan nó tích tụ chất độc đến lúc đầy quá thì nó thải ra, chứ mấy chục năm nay đã ăn hải sản và không bị gì thì ...
Chào bạn,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì trường hợp của bạn là bị dị ứng mề đay là đối tượng cẩn trọng khi tiêm vaccine Astrazeneca, nên cần được khám sàng lọc và tiêm tại cơ sở bệnh viện hoặc cơ sở tiêm chủng có đủ năng lực cấp cứu hồi sức ban đầu. Sau tiêm bạn cần theo dõi chặt chẽ các phản ứng phụ của vaccine tại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất từ 7-28 ngày tiếp theo để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường như phản vệ hay huyết khối (mặc dù rất hiếm) nếu có triệu chứng bất thường như tím tái, khó thở, tụt huyết áp, đau quặn bung, tiêu chảy, buồn nôn/nôn... cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Em hiện tại bị dị ứng nổi mề đay từ nhỏ. Đến khoảng 18-20 tuổi thì hết. Nhưng đến 21 tuổi đến nay thì bị lại và diễn biến nặng hơn. Em đã khám nhiều chỗ nhưng không bớt được. Hiện tại hàng ngày em phải uống thuốc để chống dị ứng. Vậy xin hỏi trường hợp của em có thể tiêm vaccine Covid-19 được ...
Chào anh,
Theo như trường hợp dị ứng mà anh mô tả, anh không thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, anh thuộc nhóm cần thận trọng nên tiêm tại khối bệnh viện hoặc cơ sở có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Chúc anh sức khỏe!
Huyết áp tôi 140/90 đang dùng thuốc thì có được tiêm ngừa vaccine Covid-19 không?
Chào anh/chị,
Thông tin anh/chị cung cấp chưa đủ để kết luận bệnh của anh/chị đã thật sự ổn định hay chưa. Tình trạng ổn định ở đây nghĩa là bệnh lý đã ổn định trong một thời gian (thường là khoảng 3 tháng) chứ không phải là ổn định tạm thời chỉ trong ngày tiêm chủng vaccine Covid-19.
Theo quyết định 2995/BYT mới nhất, nếu huyết áp của anh/chị đang ở mức 140/90mmHg, không có bệnh nền kèm theo và sức khỏe hiện tại đủ điều kiện tiêm chủng, anh/chị vẫn tiêm được vaccine phòng bệnh Covid-19.
Chúc anh/chị sức khỏe. Trân trọng!
Tôi đang điều trị lâu dài thuốc tuần hoàn não và uống bổ sung thuốc hoạt huyết dưỡng não. Tôi có thể song song điều trị và tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca cùng lúc được không? Nếu giả sử buộc phải ngừng điều trị thuốc tuần hoàn não trong khi tiêm vaccine thì sau khi tiêm xong bao lâu tôi có thể tiếp tục điều trị ...
Chào anh,
Nếu các bệnh lý mãn tính đã ổn định trong vòng 3 tháng trước khi tiêm chủng (có nghĩa là bệnh không cần thay đổi điều trị đáng kể hoặc nhập viện vì bệnh lý nặng hơn), các chỉ số xét nghiệm duy trì ở mức độ ổn, anh hoàn toàn có thể tiêm được vaccine phòng Covid-19. Đồng thời, các thuốc mà anh đang sử dụng không cần phải tạm ngưng trước và sau tiêm.
Nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, anh có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Cảm ơn anh.
Vaccine Covid-19 đang được triển khai được nhập từ nguồn cung của quốc gia nào? Ngoài sàng lọc trước tiêm ra thì người dân có được lựa chọn hãng dược và tên vaccine mình muốn tiêm không? Vaccine có thật sự làm miễn dịch cộng đồng không? Tại sao nhân viên y tế là người được ưu tiên tiêm mà vẫn nhiễm bệnh?
Chào bạn,
Kén chọn hoặc trì hoãn tiêm vaccine là bỏ qua cơ hội phòng ngừa Covid-19, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện tiêm chủng an toàn và hiệu quả, người dân không nên trì hoãn hoặc chờ đợi loại vaccine nào cụ thể, cần sẵn sàng thực hiện tiêm chủng ngay khi có cơ hội để sớm bảo vệ chính mình, gia đình và tạo miễn dịch cộng đồng.
Không loại vaccine nào có khả năng bảo vệ khỏi tác nhân gây bệnh 100%, đối với vaccine Covid-19 của AstraZeneca nên tiêm đủ 2 mũi càng sớm càng tốt, nguy cơ lây lan mầm bệnh sẽ giảm nếu tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng đạt 70% đến 85%. Do vậy, dù đã được tiêm đủ 2 liều nhưng vẫn có nguy cơ tái nhiễm, cần nâng cao công tác phòng dịch theo thông điệp 5K.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!
Tôi năm nay 44 tuổi, bị viêm gan siêu vi B mạn tính, sỏi mật, thoái hóa khớp. Hiện tôi dị ứng thuốc giảm đau, kháng viêm phải đi cấp cứu. Tôi xin hỏi có tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được không? Xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Đối với các bệnh lý mạn tính, nếu đã điều trị ổn định, đã được kiểm soát thì có thể chích ngừa vaccine Covid-19.
Còn đối với tiền sử dị ứng của bạn, đã từng đi cấp cứu nhưng bạn không nói rõ triệu chứng và chẩn đoán của bác sĩ về mức độ dị ứng. Nếu bạn bị dị ứng nặng (phản vệ độ 2) với các triệu chứng khó thở, thở rít, đau quặn bụng, tụt huyết áp, nôn ói, ngất.. phải nhập viện điều trị cấp cứu thì bạn thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm chủng vắc xin Covid. Nếu các mức độ nhẹ hơn (chỉ ở da niêm mạc, ngứa... đôi khi có phù mắt, môi thì tương ứng với phản vệ độ 1), bạn có thể được tiêm vaccine Covid-19 nhưng cần tiêm trong bệnh viện và theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của phản vệ.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Em muốn tiêm vaccine Covid-19 của Mỹ thì tiêm ở đâu thưa bác sĩ?
Chào Anh/Chị,
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hơn 90.000 liều vaccine Covid-19 Pfizer/BioNTech đã về đến sân bay Nội Bài vào sáng ngày 7/7/2021, đây là lô vaccine đầu tiên của hãng này về Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ chưa có cơ chế triển khai tiêm chủng loại vaccine này.
Theo thông tin từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), 2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 Moderna đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Chính phủ chưa có cơ chế triển khai tiêm chủng loại vaccine này. Anh/Chị vui lòng chờ thêm thông tin từ Chính Phủ và Bộ Y tế.
Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành tiêm chủng vắc xin AstraZeneca (Vương quốc Anh) cho các đối tượng, địa bàn ưu tiên theo hướng dẫn chỉ đạo của Chính Phủ và Bộ Y tế. Hệ thống tiêm chủng VNVC tự hào là đơn vị duy nhất được Bộ Y tế chỉ định sát cánh cùng các cơ sở y tế Nhà nước thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên theo quy định.
Để theo dõi về tình hình vaccine Covid-19 và tiêm vaccine Covid-19, Anh/Chị vui lòng theo dõi website vnvc.vn hoặc fanpage trungtamtiemchungvnvc để biết thêm chi tiết. Cảm ơn chị, chúc Anh/Chị nhiều sức khỏe.
Tôi năm nay 31 tuổi, hay bị dị ứng với thuốc kháng viêm, bạch tuộc thì có được tiêm vaccine Covid-19 không ạ?
Chào bạn,
Theo những thông tin mà bạn mô tả, chúng tôi cần bạn cung cấp thêm thông tin về tình trạng, triệu chứng, mức độ dị ứng với thuốc kháng viêm Diclofenac và bạch tuộc như thế nào. Bạn được chỉ định tiêm chủng ngay hoặc chuyển tiêm ở bệnh viện hoặc chống chỉ định tiêm tùy theo mức độ dị ứng của bạn trước đó. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những đối tượng có tiền sử phản vệ nặng (độ II trở lên) sẽ chống chỉ định tiêm ngừa vaccine phòng bệnh Covid-19. còn nếu phản vệ nhẹ (chỉ có biểu hiện da niêm mạc) sẽ cần thận trọng khi cho chỉ định tiêm ngừa vắaccine phòng bệnh Covid-19. Vì vậy bạn nên đến khám tiêm tại bệnh viện hoặc co sở Y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Ngoài ra bạn phải cung cấp đầy đủ các triệu chứng gặp phải khi dị ứng để bác sĩ cân nhắc cho chỉ định tiêm chủng hoặc hoãn tiêm.
Cám ơn câu hỏi của bạn. Trân trọng!