Theo thống kê tháng 4 của Trung tâm tiêm chủng VNVC tại thành phố Vinh (Nghệ An), trung bình mỗi ngày 134 liều vaccine viêm màng não được sử dụng, cao gấp 6 lần so với hồi tháng 3. Đỉnh điểm, có ngày Trung tâm tiêm tới 676 liều, cao gấp 10 lần cao điểm tháng 3.
Có những gia đình đi theo nhóm từ 5 đến 20 người. Không chỉ người địa phương, nhiều người từ các vùng lân cận như thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành hoặc từ tỉnh Hà Tĩnh cũng đến tiêm... Lượng khách gọi về tổng đài để được tư vấn tăng 3 đến 4 lần, ông Đặng Tuấn Dũng - Giám đốc Trung tâm tiêm chủng VNVC thành phố Vinh cho biết. Trước tình hình bệnh viêm màng não đang có những diễn biến phức tạp và nhu cầu vaccine tăng cao, VNVC thành phố Vinh cho biết đã có phương án dự phòng để đảm bảo nguồn cung.
Nhu cầu vaccine tăng vọt sau khi trên địa bàn cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ghi nhận nhiều ca viêm não do virus đường ruột gây ra với triệu chứng điển hình như đau đầu, buồn nôn, sốt.
Dịch viêm màng não thường bùng phát vào giai đoạn hè - thu, từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, từ tháng 4 năm nay đã cho thấy có sự gia tăng đột biến các ca bệnh.
Tại Nghệ An, có thời điểm Khoa Nhiệt đới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có cả trăm bệnh nhân là các bé điều trị viêm màng não. Hà Tĩnh ghi nhận 133 ca bệnh viêm não tính đến cuối tháng 4, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ những năm trước đây. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư qua xét nghiệm dịch tủy của các bệnh nhân đã xác định chủng virus đường ruột Echovirus-4 là nguyên nhân gây bệnh viêm màng não cho nhiều người tại Hà Tĩnh, đây là nguyên nhân ít gặp hơn so với viêm màng não do phế cầu khuẩn, virus sởi, cúm... nhưng mức độ nguy hiểm lại cao hơn nhiều lần.
Không chỉ tại Nghệ An và Hà Tĩnh, trên phạm vi cả nước cũng ghi nhận sự gia tăng của các ca bệnh. BVĐK Tâm Anh TPHCM cũng vừa tiếp nhận nhiều ca viêm màng não nguy hiểm.
Bệnh nhi Quốc Vinh, 7 tuần tuổi nhập viện khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM, trong tình trạng sốt cao bú kém, thỉnh thoảng khóc thét. Dù các dấu hiệu khá dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thường gặp khác nhưng các bác sĩ đã có nghi ngờ viêm màng não do vi khuẩn, do bé chưa đủ ngày tuổi để tiêm vaccine và có nhiều dấu hiệu gợi ý về viêm màng não. Kết quả chọc tuỷ khẳng định bé bị viêm màng não. Sau hơn 1 tuần được điều trị tích cực, bé có biểu hiện đáp ứng thuốc, bú đều và ngủ điều độ hơn nhưng vẫn cần được theo dõi lâu dài.
Cùng với sự gia tăng các ca bệnh là số lượng người dân đi tiêm phòng. Ghi nhận của VNVC cho thấy trên toàn hệ thống với hơn 50 trung tâm, thống kê tháng 4 nhu cầu vaccine viêm màng não tăng hơn 300% so với tháng 3 và so với cùng kỳ năm ngoái.
Viêm màng não do vi khuẩn đặc biệt nguy hiểm
"Viêm màng não là một bệnh rất nguy hiểm, nhất là khi xảy ra ở trẻ em do triệu chứng không rõ ràng, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng. Các trường hợp được chẩn đoán và điều trị muộn có thể để lại các di chứng", Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa - trưởng Khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết.
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa khuyến cáo, nhiều ca bệnh viêm màng não nhập viện điều trị đã ở tình trạng nặng do nhầm lẫn triệu chứng bệnh với cảm cúm thông thường, khi có biểu hiện sốt cao kèm theo co giật, mê sảng thì mới nhập viện. Lúc này bệnh đã ở giai đoạn nặng và lỡ mất "thời gian vàng" điều trị. Với trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi, hệ miễn dịch và hàng rào bảo vệ của màng não còn non nớt và chưa hoàn thiện. Trẻ lại chưa đủ ngày tuổi tiêm chủng vaccine, nên nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm màng não, thường gặp là do siêu vi và vi trùng. Viêm màng não do virus thường ít nghiêm trọng và chỉ cần điều trị hỗ trợ. Viêm màng não vi khuẩn có thể rất nghiêm trọng dễ diễn tiến nặng và để lại nhiều di chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 80% nguyên nhân viêm màng não do vi trùng là do não mô cầu (Neisseria meningitidis), phế cầu (Streptococcus pneumoniae) và Hib (Haemophilus influenzae týp B).
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cho biết: "Thời tiết nắng nóng, thất thường khi chuyển mùa chính là điều kiện sinh sôi các tác nhân gây bệnh. Vi khuẩn hay siêu vi xâm nhập sau khi đi vào cơ thể sẽ vào máu, tấn công lớp màng mỏng bao bọc xung quanh não và tủy sống ở trẻ gây ra tình trạng viêm màng não".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý, bệnh viêm màng não có thể tấn công mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên 14 đến 20 tuổi, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy giảm.
Vaccine là một phương tiện hữu hiệu để phòng bệnh. Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm phòng viêm màng não do Hib. Tuy nhiên các loại vaccine phòng ngừa tác nhân gây viêm màng não khác như phế cầu, não mô cầu khuẩn, viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị, rubella,.... chưa được chú trọng đúng mức.
Bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: "4 nguyên tắc bảo vệ trẻ trước bệnh viêm màng não và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mùa hè, đó là: ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, chích ngừa đầy đủ. Vaccine được xem là 'tấm khiên' bảo vệ trẻ".
Tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, tiêm chủng được xem là biện pháp chủ động, hiệu quả, tiết kiệm, đơn giản nhưng có vai trò vô cùng quan trọng giúp giảm số ca bệnh mắc mới. Vaccine không chỉ phòng bệnh mà còn giúp tránh các di chứng sau khi mắc bệnh.
Bảo Trân
Nhằm giúp độc giả có thêm kiến thức về bệnh viêm màng não, VNVC tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Bệnh viêm màng não và các bệnh truyền nhiễm mùa hè - triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa" vào 20h ngày 4/5/2021 với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về Y tế dự phòng, Truyền nhiễm và Nhi khoa: Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM; Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM; Bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC. Chương trình tư vấn trực tuyến trên fanpage Trungtamtiemchungvnvc, Benhvientamanh, TrungtamDinhduongYhocVandongNutrihome. Độc giả có thể đặt câu hỏi đến các chuyên gia trên các fanpage và tại đây. |