Tôi bị cao huyết áp 140/90 mmHg và vợ tôi bị sốc với kháng sinh thì có tiêm vaccine Covid-19 được không bác sĩ? Xin cảm ơn ạ!
Trong trường hợp Anh bị tăng huyết áp thì Anh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị huyết áp. Nếu tình trạng huyết áp gần đây (3 tháng) ổn định và lúc khám ổn định (≤140/90mmHg) thì vẫn tiêm được vaccine Covid-19. Còn nếu huyết áp của Anh > 140/90mmHg thì Anh cần thận trọng và tiêm chủng trong bệnh viện hoặc cơ sở có đủ năng lực cấp cứu ban đầu.
Đối với trường hợp của vợ Anh có tiền sử sốc với kháng sinh (tức là có phản vệ độ 2) thì vợ Anh thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cảm ơn câu hỏi của Anh. Trân trọng!
Vợ tôi mới tiêm vaccine Covid-19 một tuần thì biết mang thai 2 tuần. Liệu điều này có ảnh hưởng gì đến em bé không?
Chào anh
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam về công tác khám sàng lọc và tiêm ngừa vaccine Covid-19, phụ nữ mang thai thuộc đối tượng trì hoãn tiêm ngừa vaccine Covid-19 chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, chứ không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm ngừa.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC cho thấy, phụ nữ có thai có thể tiêm vaccine Covid-19 vì nhóm đối tượng này có nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn khi mắc bệnh, so với phụ nữ không mang thai.
Dựa trên cơ chế hoạt động của vaccine khi được tiêm vào cơ thể, các chuyên gia tin rằng vaccine khó có thể gây hại cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, các dữ liệu hiện có về tính an toàn của vaccine Covid-19 đối với phụ nữ mang thai vẫn còn khá hạn chế. Do đó với trường hợp của vợ anh, phát hiện mang thai sau khi tiêm vaccine, nên duy trì thai kỳ và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ sản khoa, thông báo với bác sĩ bản thân đã tiêm vaccine Covid-19 trong thời gian thai kỳ.
Chúc vợ anh có một thai kỳ khỏe mạnh và bình an!
Tôi có tiền sử hạn canxi máu và basedow (đã điều trị khỏi, dừng uống thuốc nhiều năm) có thể tiêm vaccine Covid-19 không? Nếu tiêm được tôi phải lưu ý điều gì? Xin cảm ơn bác sĩ!
Chào chị,
Với tình trạng hạ canxi huyết và basedow nhưng đã điều trị và hiện không dùng thuốc, duy trì tình trạng ổn định từ 3 tháng trở lên đủ điều kiện tiêm phòng vaccine Covid-19. Tuy nhiên, nếu tình trạng của chị có bất cứ vấn đề bất thường nào, cần phải thông báo ngay cho bác sĩ khám sàng lọc để được tư vấn cụ thể hơn. Sau khi tiêm vaccine Covid-19, chị cần lưu ý các phản ứng sau tiêm, đặc biệt là các phản ứng nặng sau tiêm như: nổi mề đay, phù niêm, khó thở, thở rít, đau quặn bụng, ngất và một số phản ứng bất thường khác. Khi gặp phải những phản ứng này, chị nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cảm ơn câu hỏi của chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!
Tôi bị viêm cột sống dính khớp, thoát vị đĩa đệm 3 năm nay và uống thuốc mỗi ngày. Mong bác sĩ cho biết tôi có được tiêm vaccine Covid-19 không? Xin cảm ơn bác sĩ!
Chào chị,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, về khám sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19, các bệnh mãn tính đã được điều trị ổn định như tình trạng bệnh viêm cột sống dính khớp vẫn có thể tiêm ngừa vaccine Covid-19.
Cảm ơn câu hỏi của chị.
Tôi bị K giáp, đang dùng hormone hàng ngày có tiêm được vaccine ngừa Covid-19 không ạ? Xin cảm ơn!
Chào Anh/Chị,
Năm nay Anh/Chị 69 tuổi, bị K giáp, đang dùng hoocmon hàng ngày, trường hợp của Anh/Chị nếu tình trạng bệnh K giáp ổn định, không còn tiến triển và không phải giai đoạn cuối, Anh/Chị vẫn được tiêm chủng vaccine Covid-19. Tuy nhiên, Anh/Chị đã 69 tuổi kèm bệnh nền vì vậy Anh/Chị thuộc nhóm thận trọng khi tiêm vaccine Covid- 19. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Anh/Chị nên được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu ngoài ra Anh/Chị phải cung cấp đầy đủ các hồ sơ khám bệnh cho bác sĩ khám sàng lọc để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe và chỉ định tiêm chủng an toàn.
Chúc Anh/Chị sức khỏe. Trân trọng!
Cháu đang điều trị cường giáp và uống thuốc hàng ngày. Cháu có được tính là người có bệnh nền và có thể tiêm vaccine Covid-19 được không ạ?
Chào chị,
Cường giáp là một bệnh lý liên quan đến chuyển hóa cơ bản của cơ thể. Qua chia sẻ của chị, bác sĩ chưa rõ hiện chị đang điều trị cường giáp cấp tính, hay điều trị đợt cấp của mãn tính. Nếu chị đang điều trị cường giáp cấp tính, chị nên hoãn tiêm. Nếu bệnh đang được điều trị và duy trì tình trạng ổn định từ 3 tháng trở lên, chị đủ điều kiện để tiêm phòng vaccine Covid-19. Khi đến địa điểm tiêm phòng, chị nên thông báo cụ thể tình trạng sức khỏe của bản thân với bác sĩ khám sàng lọc để được tư vấn cụ thể hơn.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Trân trọng!
Tôi và vợ đang muốn có con thì việc tiêm vaccine Covid-19 có ảnh hưởng gì đến khả năng có con không?
Chào Anh/Chị,
Cho đến hiện tại, các nghiên cứu cũng như các báo cáo cho thấy vaccine Covid-19 không có tác động có hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Do vậy, vợ chồng Anh/Chị hãy yên tâm. Ngoài việc tiêm chủng, chúng ta vẫn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn phòng bệnh như thông điệp 5K của Chính phủ và Bộ Y tế.
Chúc Anh/Chị và gia đinh nhiều sức khỏe. Trân trọng!
Tôi bị dị ứng khi ăn tôm và một số hải sản, có thể tiêm vaccine Covid-19 được không ạ?
Chào bạn,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 thì khi dị ứng với tôm và một số hải sản thì có thể tiêm ngừa vaccine AstraZeneca, tuy nhiên trường hợp của bạn là trường hợp cần thận trọng trong tiêm chủng cần được tiêm tại bệnh viện hoặc cơ sở tiêm chủng có đầy đủ khả năng cấp cứu ban đầu. Sau tiêm bạn cần theo dõi ít nhất 30 phút tại chỗ và về nhà cần theo dõi thêm từ 7-28 ngày nếu có triệu chứng bất thường như tím tái, khó thở, tụt huyết áp, đau quặn bung, tiêu chảy, buồn nôn/nôn... cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám và xử trí sớm.
Cảm ơn câu hỏi của bạn, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!
Tôi bị viêm xoang mũi dị ứng, thường lúc bị hay hắt hơi, sổ mũi phải uống thuốc viêm xoang, khoảng 7-10 ngày mới khỏi. Xin hỏi như vậy tôi có tiêm vaccine Covid-19 được không?
Chào bạn,
Bạn bị viêm mũi dị ứng nhưng nếu điều trị ổn đinh hoàn toàn có thể tiêm ngừa vaccine Covid-19. Bác sĩ khám sàng lọc sẽ trực tiếp khám và đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của anh/chị qua các chỉ số như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và các cơ quan khác theo đúng các tiêu chuẩn mà Bộ Y tế hướng dẫn. Nếu không có dấu hiệu nào bất thường, các chỉ số sinh tồn đều trong giới hạn cho phép, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm chủng. Sau tiêm bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc theo dõi các phản ứng sau tiêm.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Tôi bị hen suyễn có được chích ngừa vaccine Covid-19 không bác sĩ? Xin cảm ơn!
Chào anh/chị,
Bệnh hen suyễn không thuộc chống chỉ định của tiêm ngừa vaccine Covid-19. Bác sĩ khám sàng lọc sẽ trực tiếp khám và đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của anh/chị qua các chỉ số như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và các cơ quan khác theo đúng các tiêu chuẩn mà Bộ Y tế hướng dẫn. Nếu không có dấu hiệu nào bất thường, các chỉ số sinh tồn đều trong giới hạn cho phép, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm chủng. Sau tiêm anh/chị cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc theo dõi các phản ứng sau tiêm.
Chúc anh/chị sức khỏe. Trân trọng!
Vợ tôi đang cho con 7 tháng tuổi bú thì có tiêm được vaccine Covid-19 không? Cảm ơn các chuyên gia!
Chào chị,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ nữ đang cho con bú sẽ hoãn tiêm chủng vaccine Covid-19 trong thời gian này, chờ những hướng dẫn tiếp theo. Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào chị có thể gửi câu hỏi về cho chương trình. Cảm ơn chị.
Tôi bị lệch vách ngăn mũi nên thường xuyên bị hắt xì khi bụi bay vào cổ họng. Tôi thường uống giúp giảm sưng tấy bên trong để hết hắt xì. Tôi có tiêm vaccine Covid-19 được không? Xin cảm ơn.
Chào Anh/Chị,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì Anh/Chị có thể được tiêm ngừa vaccine Covid-19 nếu bệnh nền của Anh/Chị đã ổn định. Anh/Chị nên đem theo giấy tờ kết quả khám bệnh, đơn thuốc và trao đổi cụ thể hơn với bác sĩ về tình trạng sức khoẻ của mình khi khám sàng lọc trước tiêm ngừa để bác sĩ có thể tư vấn cho bạn rõ hơn. Sau khi tiêm, Anh/Chị cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về theo dõi các phản ứng sau tiêm để kịp thời phát hiện và xử trí nếu có dấu hiệu bất thường xảy ra.
Chúc Anh/Chị sức khỏe. Trân trọng!
Tôi 38 tuổi, đang uống thuốc điều trị viêm gan B và cho bé 7 tháng bú sữa mẹ. Tôi có tiêm vaccine Covid-19 được không? Mong bác sĩ tư vấn giúp ạ.
Chào bạn,
Theo Quyết định 2995 của Bộ Y tế ngày 18/06/2021, phụ nữ mang thai và cho con bú sữa mẹ sẽ tạm hoãn tiêm trong thời gian này. Trong giai đoạn này, bạn cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh hiệu quả khác như thông điệp 5K của Chính phủ và Bộ Y tế.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Em bị khó thở khi chích thuốc tê làm phẫu thuật và hay bị dị ứng da do tiếp xúc với phấn hoa. Em có thể được chích vaccine Covid-19 của Astrazenca không? Sau khi chích, bao lâu mới được phép có em bé? Cảm ơn bác sĩ nhiều!
Chào bạn,
Nếu trường hợp của bạn khó thở khi tiêm thuốc tê tức bạn đã có dấu hiệu phản ứng dị ứng mức độ nặng (phản vệ độ 2) vì vậy theo hướng dẫn của Bộ Y tế bạn thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Còn việc sau tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca/Pfizer/Moderna không phải vaccine sống giảm động lực nên không có khả năng nhân lên trong cơ thể con người vì vậy hiện nay không có khuyến cáo về khoảng thời gian cần phải trì hoãn mang thai sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, theo bác sĩ, ngoài việc theo dõi các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra thì để vắc xin đạt hiệu quả tốt nhất, có đủ thời gian sinh miễn dịch, bạn nên hoàn thành 2 mũi vaccine Covid-19 ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Tôi bị bệnh suy giảm tiểu cầu vô căn từ năm 2007 đến nay, đang uống thuốc mỗi ngày. Xin hỏi bác sĩ tôi có tiêm được vaccine Covid-19 không ạ? Tôi xin chân thành cảm ơn ạ.
Chào bạn,
Việc bạn bị suy giảm tiểu cầu vô căn thì bạn thuộc nhóm đối tượng tượng thận trọng khi tiêm vaccine Covid-19. Ngoài ra bạn đang uống thuốc Medexa nếu trường hợp bạn dùng liều cao từ 2mg/kg/ngày với liều dài ngày (≥ 7 ngày) thì bạn sẽ hoãn tiêm 14 ngày sau khi ngưng sử dụng. Vì vậy, trước đó bạn nên khám sàng lọc kỹ tại bệnh viện và cung cấp đầy đủ các hồ sơ bệnh án và các xét nghiệm về huyết động học lần nhất để bác sĩ cân nhắc cho chỉ định tiêm chủng vaccine Covid-19 phù hợp.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Cháu đang điều trị cường giáp và uống thuốc hàng ngày. Cháu có được tính là có bệnh nền và có thể tiêm vaccine Covid-19 được không ạ?
Chào bạn,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về khám sàng lọc tiêm chửng vaccine Covid-19 thì đối với trường hợp cường giáp của bạn đang dùng thuốc hàng ngày nếu tình trạng bệnh đã ổn định và khi khám sàng lọc tình trạng sức khỏe tốt, các chỉ số mạch, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở,... trong giới hạn bình thường thì vẫn được chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Còn nếu bạn đang trong đợt điều trị tấn công hoặc đang trong đợt điều trị phóng xạ Iod hoặc có điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao (tương đương hoặc hơn 2mg prednisolon/kg/ngày trong ít nhất 7 ngày) thì bạn sẽ phải hoãn tiêm sau 14 ngày và xin thêm ý kiến của bác sĩ điều trị.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Tôi bị huyết áp khoảng 2 năm nay, có đi khám và uống thuốc đều. Huyết áp của tôi khoảng 130 có khi thấp hơn (120), mạch khoảng 80 và có khi thấp hơn (74). Bệnh nền của tôi có tiêm được vaccine Covid-19 được không? Tôi cần và tránh những điều gì? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.
Chào anh/chị,
Với tình trạng sức khỏe hiện tại mà anh/chị mô tả thì bệnh đang trong giai đoạn ổn định có thể tiêm được vaccine Covid-19. Bác sĩ khám sàng lọc sẽ đánh giá trước khi tiêm như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở của anh/chị nếu các chỉ số trong giới hạn bình thường và các bộ phận khác không có dấu hiệu bất thường sẽ chỉ định tiêm. Sau tiêm anh/chị cần theo dõi sát các phản ứng sau tiêm có thể gặp theo hướng dẫn của bác sĩ, thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, hợp lý, hạn chế vận động mạnh như chơi các môn thể thao cường độ mạnh như bóng đá, chạy bộ , leo núi... để đảm bảo sức khỏe sau tiêm tốt nhất.
Chúc anh/chị sức khỏe.
Các nghiên cứu cho thấy vitamin D có thể giúp gia tăng sức mạnh của hệ miễn dịch chống Covid-19. Uống thêm vitamin D bằng thuốc có giúp chống Covid-19 tốt hơn không và liều dùng thích hợp là bao nhiêu? Cảm ơn bác sĩ!
Chào bạn,
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu vitamin D làm suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp nói chung. Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy mối liên quan và khả năng hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 của vitamin D trong cơ thể. Có 6 cách giúp tăng lượng vitamin D cho cơ thể: tắm nắng (có thoa kem chống nắng) và tập thể dục ngoài trời, ăn đồ biển và cá có mỡ, ăn nấm, ăn lòng đỏ trứng, sử dụng thức uống có vitamin D (như sữa), uống vitamin D bổ sung (nên nhận tư vấn của bác sĩ). Tuy nhiên, việc uống vitamin D quá liều cũng sẽ không tốt cho sức khỏe. Nếu bạn muốn uống bổ sung vitamin D bằng thuốc, bạn cần phải gặp bác sỹ để được hướng dẫn chi tiết nhé. Điều quan trọng là chúng ta cần tuân thủ đúng các hướng dẫn phòng bệnh của Chính phủ và Bộ Y tế như thông điệp 5K.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Em đang cho con bú, con em được 5 tháng. Em đã tiêm vaccine được 3 ngày và không dám cho con bú vì thuộc diện đối tượng tạm hoãn. Xin hỏi con em hơn 5 tháng sau tiêm có thể cho bú được không do em lo lắng sẽ ảnh hưởng đến bé. Xin cảm ơn các chuyên gia tư vấn.
Chào bạn,
Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng nghiên cứu vaccine Covid-19 có tiết qua sữa mẹ hay không và thực tế chưa ghi nhận có mối quan ngại nào về tính an toàn của vaccine Covid-19 cho nhóm người này. Trong trường hợp của bạn đã tiêm vaccine Covid-19 mà phải nuôi bé bằng sữa mẹ thì vẫn tiếp tục cho bé bú sữa mẹ.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Tôi đã từng bị bệnh basedow. Hôm 15/6/2021, tôi có đi khám tại bệnh viện, các kết quả xét nghiệm và kết luận của bác sĩ là tôi bị bình giáp và chỉ còn rối loạn mỡ máu. Hiện bác sĩ cho tôi uống thuốc. Tôi có thể tiêm vaccine Covid-19 được không? Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi.
Chào Anh/Chị,
Trong trường hợp của Anh/Chị nếu trình trạng bệnh Basedow đã ổn (xét nghiệm kết quả bình giáp), chỉ còn rối loạn mỡ máu, nếu sức khỏe của Anh/Chị khi khám sàng lọc cho các chỉ số về huyết áp, mạch, nhịp tim... trong giới hạn bình thường và tình trạng sức khỏe tốt thì Anh/Chị vẫn được chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Sau khi tiêm chủng, Anh/Chị cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về theo dõi các phản ứng sau tiêm để kịp thời xử trí nếu có bất thường xảy ra.
Chúc Anh/Chị sức khỏe. Trân trọng!