Hôm trước, tôi đi khám sàng lọc để tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, lúc khám sàng lọc, huyết áp của tôi đo 140 và mạch 114. Ở nhà, tôi đo huyết áp chỉ khoảng dưới 120 và mạch dưới 90. Tôi tìm hiểu thì biết có khả năng tôi bị hội chứng áo choàng trắng. Tôi đã ra về không tiêm. Rất mong chuyên gia ...
Chào bạn,
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn vẫn có thể quay trở lại để được khám sàng lọc và tiêm chủng. Tuy nhiên, có thể bạn đã gặp hội chứng áo choàng trắng, vì vậy, bạn cần lưu ý ổn định tâm lý như buổi tối trước hôm tiêm chủng, bạn cần nghỉ ngơi và đi ngủ sớm, uống đủ nước, không dùng chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia. Hôm tiêm chủng, bạn nên đi sớm hơn 1 chút, để có thể nghỉ ngơi trước khi đo huyết áp, bạn có thể mang theo máy đo huyết áp của bạn và xin ý kiến của bác sĩ (nếu cần). Bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng sức khỏe của bạn và quyết định tiêm chủng nếu bạn đủ điều kiện.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Tôi bị dị ứng với thuốc kháng sinh có tiêm vaccine AstraZeneca được không?
Chào bạn,
Theo thông tin mà bạn cung cấp, bác sĩ chưa rõ mức độ dị ứng của bạn. Bởi theo hướng dẫn Bộ Y tế sẽ chống chỉ định tiêm chủng với người có tiền sử phản ứng phản vệ độ II do bất kì dị nguyên nào, và nếu mức độ dị ứng nhẹ (chỉ có các triệu chứng da niêm, ngứa...không bị khó thở, tụt huyết áp, đau quặn bụng, nôn...không phải nhập viện cấp cứu hay sử dụng thuốc Adrenalin để cấp cứu) thì bạn có thể tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cở sở có đủ điều kiện hồi sức ban đầu. Đối với trường hợp dị ứng của bạn thì bạn nên đến khám sàng lọc tại bệnh viện hoặc có sở y tế có khả năng hồi sức ban đầu để được bác sĩ khám sàng lọc xem xét tiền sử dị ứng, mức độ dị ứng cũng như đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại để có quyết định cho chỉ định tiêm chủng hay chống chỉ định tiêm chủng.
Chúc bạn sức khỏe. Trân trọng!
Em từng bị sốc thuốc gây tê khi sinh mổ lần đầu năm 2008 và hai lần sau em đều gây mê khi sinh mổ. Em có thể tiêm vaccine Covid-19 không ạ? Nếu được thì em có thể tiêm loại nào để hạn chế tác dụng phụ nhất ạ?
Thứ nhất, Chị có tiền sử sốc thuốc gây mê trong quá trình sinh sản. Theo Thông tư 51 của Bộ Y tế, sốc đó là tình trạng phản ứng phản vệ độ 2 trở lên. Do vây, chị không thể tiêm phòng vaccine Covid-19 hiện nay.
Thứ hai, thuốc gây tê hoặc gây mê đều có thành phần ethanol, đây là thành phần chính trong vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Do vậy, đối với vaccine Covid-19 của AstraZeneca thì chị không thể tiêm chủng được.
Ngoài ra, Bộ Y tế hiện tại đang cấp phép thêm 4 loại vaccine Covid-19 ngoài vaccine của AstraZeneca gồm: Pfizer/BioNTech, Moderna, Sinopharma hay Sputnik V của Nga. Trong đó, vaccine AstraZeneca đang được tiến hành tiêm chủng cho các đối tượng, địa bàn ưu tiên theo hướng dẫn chỉ đạo của Chính Phủ và Bộ Y tế. Hiện nay, các loại vaccine này đang chờ hướng dẫn và cân nhắc của Bộ Y tế và nhà sản xuất cân nhắc tiêm phòng cho đối tượng cụ thể như chị.
Em đang cho con bú, con em năm nay 4 tuổi rồi, vậy em có được tiêm vaccine Covid-19 không?
Chào Chị,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ tạm hoãn tiêm chủng với phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ. Với trường hợp của Chị vẫn có thể tiêm ngừa vaccine vì con Chị năm nay đã 4 tuổi, bú mẹ đã thành thói quen khó bỏ. Bú mẹ là tốt, giúp tình cảm mẹ và bé gắn bó hơn, nhưng bé đã lớn, đã đến lúc Chị cho bé ngưng bú. Khi Chị cho bé ngưng bú thì có thể tiến hành tiêm chủng vaccine Covid-19.
Chúc Chị và gia đình nhiều sức khỏe. Trân trọng!
Tôi đã cắt toàn bộ tuyến giáp từ 2017, phải uống thuốc hàng ngày. Hai năm nay tôi bị rối loạn tuyến giáp, rối loạn chức năng chuyển hoá, đến nay các chỉ số tuyến giáp đã ổn định nhưng vẫn điều trị mỡ máu cao. Vậy tôi có tiêm được vaccine Covid-19 không?
Thứ nhất, bệnh lý tuyến giáp của chị đã được phẫu thuật, điều trị ổn định. Thứ hai, chị đang có rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Cả 2 vấn đề trên đều không ảnh hưởng đến tính sinh miễn dịch của vaccine phòng Covid-19. Đối với trường hợp của chị, theo quy định mới của Bố Y tế số 2995 ngafy18/06/2021 thì chị có thể thăm khám, tiêm phòng tại bệnh viện và các cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Tôi và gia đình muốn tiêm mũi vaccine Covid-19 Pfizer hoặc mũi tiêm Moderna thì có thể đăng ký tiêm ở đâu và mất bao nhiều tiền?
Chào Anh/Chị,
Hiện nay vaccine phòng Covid-19 của Pfizer và Modena của Mỹ chưa được nhập về Việt Nam và cũng chưa có cơ chế tiêm dịch vụ đối với những vắc xin này. Anh/Chị vui lòng chờ thêm thông tin từ Chính Phủ và Bộ Y tế.
Cảm ơn câu hỏi của Anh/Chị, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, Anh/Chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!
Tôi bị cao huyếp áp, rối loạn giấc ngủ, đặt một stent mạch vành được 7 tháng. Hiện, tôi đang uống thuốc bệnh viện, có thể tiêm vaccine Covid-19 không? Tôi nặng 53 kg.
Chào anh,
Với tình trạng bệnh lý như anh mô tả và có kết luận của bác sĩ chuyên khoa rằng sức khỏe của anh ổn định thì vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19 được. Tuy nhiên theo quyết định số 2995/ QĐ-BYT ngày 18/06/2021 do Bộ Y tế ban hành, anh đã 65 tuổi kèm theo bệnh lý nền mãn tính đã điều trị ổn định, nên thực hiện tiêm chủng tại khối bệnh viện. Lưu ý, khi đi tiêm nên mang theo sổ khám bệnh, có đang kê thuốc đang sử dụng, cung cấp đầy đủ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng của bản thân cho bác sĩ khám sàng lọc để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm hay phải tạm hoãn.
Năm nay chồng tui đã 58 tuổi, mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính hơn 10 năm nay. Tôi đang điều trị ở Bệnh viện thành phố Thủ Đức và dùng thuốc mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ. Vậy chồng tui có tiêm ngừa vaccine Covid-19 được không?
Chào Chị,
Những người bị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính là người có nguy cơ bệnh nghiêm trọng hơn khi mắc Covid-19, vì vậy những bệnh nhân này cần tiêm vaccine. Nếu bệnh của chồng Chị đã ổn định, không phải trong giai đoạn cấp (ổn định ở đây được hiểu là ít nhất 3 tháng qua bệnh nhân không bị nhập viện cấp cứu và thay đổi thuốc do bệnh nặng hơn) thì vẫn có thể được tiêm chủng vaccine Covid-19. Chồng chị đã 58 tuổi và có bệnh nền nên cần cẩn trọng khi tiêm chủng và nên tiêm ở bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực cấp cứu ban đầu. Khi khám, chồng Chị hãy cung cấp các hồ sơ có liên quan đến bệnh cũng như các thuốc đang điều trị để bác sỹ khám, đánh giá sức khỏe và chỉ định tiêm chủng nếu chồng Chị đủ điều kiện.
Kính chúc Chị và gia đình nhiều sức khỏe. Trân trọng!
Tôi có bệnh nền hen suyễn, huyết áp thấp, thường bị hạ huyết áp. Bên cạnh đó là cơ địa dị ứng, đôi khi ăn bò, bột mỳ, hải sản... sẽ nổi mề đay khoảng 45 phút rồi lặn, cũng có lần dị ứng nặng đau nhức phải uống thuốc, sau đó lại sốc thuốc phải đi bệnh viện. Tôi rất sợ nếu tiêm vaccine ...
Chào Anh/Chị,
Theo thông tin mà Anh/Chị cung cấp thì Anh/Chị có tiền sử dị ứng nặng (phản vệ độ II) với thuốc phải nhập viện điều trị, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Anh/Chị thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định tiêm ngừa vaccine Covid-19. Tuy nhiên, Anh/Chị vẫn có thể phòng bệnh hiệu quả bằng các biện pháp khác như thông điệp 5K của Chính phủ.
Chúc Anh/Chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!
Em có bệnh động kinh có tiêm vaccine được không? Em hiện đang uống thuốc điều trị.
Chào Anh/Chị,
Hiện tại Anh/Chị đang điều trị động kinh, nếu bệnh của Anh/Chị đã ổn định, Anh/Chị vẫn được tiêm chủng vaccine Covid-19. Trước khi tiêm, khám sàng lọc, Anh/Chị cần khai báo tình trạng bệnh lý hiện tại, các thuốc điều trị... với cán bộ y tế để được kiểm tra sàng lọc trước khi có chỉ định tiêm chủng.
Chúc Anh/Chị sức khỏe. Trân trọng!
Tôi bị huyết áp cao và tim mạch đang dùng thuốc hàng ngày. Ngoài ra, tôi bị dị ứng thời tiết, khi ăn xong bữa thường có dịch mũi. Vậy sắp tới tiêm vacccine Covid-19 thì tôi có tiêm được không và nên tiêm loại nào?
Chào Anh/Chị,
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì người đang điều trị bệnh nền đã ổn định có thể tiêm ngừa vaccine Covid-19. Ngoài ra, Anh/Chị có tiền sử dị ứng cần cẩn trọng khi tiêm chủng và cần được tiêm tại bệnh viện hoặc cơ sở tiêm chủng có đủ khả năng cấp cứu ban đầu. Trước khi tiêm, Anh/Chị cần cung cấp đầy đủ thông tin điều trị bệnh cho bác sĩ khám sàng lọc biết để đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại Anh/Chị và chỉ định tiêm chủng nếu đủ điều hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Anh/Chị có thể tiêm bất cứ loại vaccine Covid-19 nào hiện đang có ở địa phương.
Kính chúc Anh/Chị sức khỏe. Trân trọng!
Tôi đang cho con bú, bé đã 16 tháng nhưng tôi vẫn chưa cho cai sữa mẹ. Tôi bán hàng tạp hóa, hàng ngày tiếp xúc khá nhiều người. Tôi muốn tiêm vaccine Covid-19 có được không ạ?
Chào chị,
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, quyết định 2995 QĐBT ban hành ngày 18/6/2021, phụ nữ mang thai và đang cho con bú nằm trong đối tượng hoãn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Do đó, Chị nên hoãn tiêm vaccine, chờ chỉ đạo tiếp theo của Bộ Y tế.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Trân trọng!
Tôi 63 tuổi, đã đặt 2 stent mạch vành cách đây 2 tháng và đang uống các loại thuốc điều trị chống đột quỵ, giảm mỡ máu, thuốc trị cao huyết áp, thuốc dạ dày. Tôi có thể chích vaccine ngừa Covid-19 được không?
Chào Anh/Chị,
Anh/Chị đã đặt 2 stent mạch vành cách đây 2 tháng và đang uống các loại thuốc điều trị chống đột quỵ, giảm mỡ máu, thuốc trị cao huyết áp, Aspirin 81mg và thuốc dạ dày. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người có bệnh lý tim mạch nếu trong giai đoạn ổn định thì vẫn được tiêm vaccine Covid-19. Trong trường hợp của Anh/Chị đã đặt 2 stent mạch vành cách đây 02 tháng và đang dùng thuốc kháng đông nên Anh/Chị cần thận trọng khi tiêm vaccine Covid-19, Anh/Chị nên khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện. Khi khám, Anh/Chị phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ và hồ sơ liên quan đến tiền sử bệnh lý của Anh/Chị cho bác sĩ để bác sĩ khám sàng lọc kỹ hơn và cân nhắc khi cho chỉ định.
Kính chúc Anh/Chị sức khỏe. Trân trọng!
Tôi đã tiêm vaccine AstraZeneca mũi một ngày 22/6. Tuy nhiên, tôi lại đang dự định mang thai trong 3 tháng tới. Trường hợp của tôi có cấm hay hạn chế mang thai không? Nếu có thì trong thời gian ít nhất bao lâu sau ngày tiêm là tốt nhất? Tôi rất lo lắng và băn khoăn. Mong được bác sĩ giải đáp.
Chào chị,
Theo thông tin kê toa của nhà sản xuất và Bộ Y tế, vaccine Covid-19 AstraZeneca có lịch tiêm 2 mũi cách nhau từ 4 đến 12 tuần. Để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất, chị nên được chủng ngừa đầy đủ 2 mũi, sau đó, chị hãy thực hiện có hoạch mang thai của mình.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Trân trọng!
Tôi có con trai 10 tuổi. Cháu bị dị ứng hải sản. Tôi muốn tiêm vaccine cho con trai có phù hợp lứa tuổi không ạ?
Em là nữ, 35 tuổi. Năm vừa rồi, em bị khó thở nhập viện khám, kết quả bị rối loại nhịp tim không đặc hiệu. Trước đó, năm 2019, em có khám sức khoẻ định kỳ thì kết quả thiếu máu cơ tim. Ngoài ra, em không bệnh gì khác thì có tiêm vaccine Covid-19 được không?
Chào chị,
Theo những bệnh lý mà chị đang mô tả, chị cần hoãn tiêm cho tới khi điều trị các bệnh lý này ổn định.
Chúc chị sức khỏe. Trân trọng!
Em làm cho trung tâm y tế tư nhân. Vừa rồi có được hỗ trợ tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Nhưng khoảng 9 năm trước em có tiêm uốn ván, lúc thử huyết thanh có biểu hiện hạ huyết áp, nhịp tim chậm và sắp ngất. Lúc đó, bác sĩ cũng không có nói bị phản ứng sau tiêm huyết thanh hay không nhưng sau ...
Mình muốn tiêm vaccine của Mỹ thì tiêm ở đâu được?
Khi nào trung tâm VNVC chích ngừa Covid-19 dạng dịch vụ với thuộc Pfizer và thủ tục đăng ký thế nào? Tôi bị bệnh tim, tiểu đường, đặt stent nên không chích được AstraZeneca.
Chào anh,
Tình trạng bệnh tim, tiểu đường có đặt stent của anh không thuộc trường hợp chống chỉ định của vaccine Covid 19 AstraZeneca, anh vẫn có thể khám sàng lọc và tiêm chủng vaccine tại bệnh viện. Hiện tại, VNVC đang đề xuất với Chính phủ và Bộ Y tế về việc mở rộng tiêm vaccine cho những đối tượng tiêm chủng dịch vụ, anh vui lòng chờ hoặc đăng ký nhu cầu của mình qua hệ thống tổng đài VNVC. Ngay khi có thể được đáp ứng và cho phép của Bộ Y tế về cơ chế tiêm dịch vụ, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho khách hàng.
Cảm ơn câu hỏi của anh. Trân trọng!
Khi nào công dân thông thường và doanh nghiệp không thuộc nhóm tuyến đầu như chúng tôi được tiêm chủng (miễn phí hoặc có phí) vậy VNVC?
Chào anh,
Hiện tại, Bộ Y tế chỉ mới có vaccine Covid-19 cho tuyến đầu chống dịch và các địa phương có nguy cơ dịch cao, chưa có thông tin tiêm dịch vụ vaccine Covid-19 cho toàn dân. Anh liên hệ với tại địa phương của mình, khi nào có vaccine sẽ thông báo đến anh.
Chúc anh sức khỏe. Trân trọng!