Li dự định sống bằng 10.000 tệ (34 triệu đồng) mỗi tháng cho đến năm 30 tuổi, thay vì theo đuổi công việc lương cao hơn để mua nhà và lập gia đình. Anh có thể làm thêm giờ tại công ty để được thăng chức, tăng lương nhưng không lựa chọn vì "không quá tin tưởng vào nền kinh tế".
Không chỉ tại Trung Quốc, ngày càng nhiều người trẻ tuổi từ khắp thế giới tỏ ra mệt mỏi và chán cảnh vật lộn với hàng loạt vấn đề kinh tế nổi lên xuyên suốt dịch Covid-19.
Tại Mỹ, hàng triệu người đang hướng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, một phần vì những chuyển dịch mà Covid-19 gây ra cho kinh tế trong nước. Morgan Healey, 22 tuổi, ở New York đã tốt nghiệp khoa học thần kinh tại Đại học Brown năm ngoái. Ban đầu, cô định làm trong lĩnh vực dược hoặc học lên cao hơn, nhưng cuối cùng lại bay đến Pokhara, Nepal để làm nhân viên cấp cứu trong ba tháng. Đảo Bali của Indonesia là điểm dừng chân tiếp theo của Healey. Dù vậy, cô chưa có dự định nào sau đó.
Theo một nghiên cứu của hãng tư vấn Sumus năm 2022, trước khi đại dịch xảy ra, người Mỹ đã dần chuyển từ các việc làm truyền thống sang việc làm trực tuyến bớt căng thẳng hơn. Chỉ tính riêng năm 2021, hơn 47 triệu người Mỹ đã tự nguyện thôi việc trong "làn sóng bỏ việc chưa từng có", tạp chí Harvard Business Review ước tính trong báo cáo năm ngoái. Một số mất việc làm trước đó và dùng thời gian ở nhà để đánh giá lại tương lai của mình.
Mary Gallagher, giáo sư của Đại học Michigan (Mỹ), nhận xét, dù có đôi chút khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, vẫn có sự tương đồng giữa giới trẻ hai nước trong "nằm yên kệ đời" và "bỏ việc âm thầm". Ngày càng nhiều người rút khỏi lực lượng lao động hoàn toàn. Giáo sư cho rằng, điều này xuất phát từ sự bi quan chung của người trẻ - những người cảm thấy triển vọng kinh tế không lạc quan, thế giới đầy rẫy chiến tranh và xung đột, biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên.
Ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát Covid-19 đến kinh tế khiến người trẻ khó tìm được việc tốt tại Trung Quốc. Theo Barclay Bram, chuyên gia tại Trung tâm phân tích Trung Quốc của Viện chính sách xã hội châu Á, họ có cảm giác xã hội không công bằng và không đáng phải nỗ lực hết sức để có cuộc đời thành công, trừ khi có biến cố xảy ra. Ngoài ra, Trung Quốc không còn trải qua tăng trưởng nhanh chóng như trước, vì vậy, giới trẻ ngày nay phải tìm cách điều chỉnh lại kỳ vọng của họ và tìm ra ý nghĩa trong thực tại mới.
Trong khảo sát tháng 5/2021 của mạng xã hội Weibo, 67.000 người tham gia cho biết họ "mệt mỏi" và muốn "nằm yên", chỉ có 11.000 người nói muốn "tiến lên".
Chen Zhi Wu, giáo sư chủ nhiệm khoa Tài chính tại Đại học Hong Kong, bình luận: "Chỉ là họ không còn hứng thú trong việc nỗ lực để tiến lên hoặc tăng lương. Họ cảm thấy tuyệt vọng và nằm yên là một cách trốn tránh".
Pluto Mo, một người Bắc Kinh trong độ tuổi 20, đã sống tại nhiều thành phố khác nhau khi làm trợ lý nhiếp ảnh gia và nhân viên lễ tân khách sạn, đại lý du lịch. "Tôi sẽ không để những ham muốn như mua nhà, xe, lập gia đình chiếm đoạt cuộc sống của mình", cô chia sẻ. Cô thuê nhà giữa hồ nước và dãy núi quanh năm tuyết phủ, chi phí ăn uống khoảng 3.000 tệ mỗi tháng và chỉ để dành 20.000 tệ dự phòng khẩn cấp.
"Sau khi ngủ dậy, tôi sẽ mở cửa, đi dạo, mua bánh mỳ rồi quay về nhà. Ban ngày, mọi người trò chuyện, uống cà phê, đến tối, chúng tôi cùng ca hát, nghỉ ngơi rồi ngủ. Dù không giầu có, cuộc sống của tôi khá trọn vẹn", cô miêu tả cuộc sống của mình.
Khoảng 11,58 triệu tân cử nhân sẽ gia nhập thị trường việc làm Trung Quốc mùa hè năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 là hơn 18%. Không còn nhiều việc làm như trước, điều này cũng tương tự với Mỹ, khi ngành công nghệ không còn là "đất hứa" với các sinh viên vừa tốt nghiệp.
Theo cáo cáo của Harvard Business Review, người Mỹ đang từ bỏ công việc vì thu nhập và điều kiện làm việc. Một số muốn tập trung hơn cho gia đình, nghỉ hưu sớm hoặc phiêu lưu. "Gap year" (khoảng thời gian tạm dừng sau quá trình học tập, làm việc) trở nên phổ biến hơn tại Mỹ, theo Holly Bull, Chủ tịch Trung tâm các chương trình tạm thời.
Nghiên cứu của Sumus chỉ ra, giới trẻ Mỹ tìm kiếm những công việc "không điển hình" trong các ngành công nghiệp mới nổi – như kinh tế chia sẻ - nơi mọi người làm việc, cung cấp dịch vụ, hàng hóa theo yêu cầu qua nền tảng kỹ thuật số như ứng dụng, website vì nó "phù hợp với ưu tiên của họ".
Trung tâm các chương trình tạm thời nhận được 520 hồ sơ trong ba năm qua. Người Mỹ, đặc biệt từ 18 đến 22 tuổi, đã đi du lịch dài hơn và nhận các chương trình làm việc tạm thời trong ngắn hạn trong thời kỳ đầu dịch Covid-19 để trốn tránh thị trường việc làm ảm đạm. Số khác chọn "gap year" để nhìn nhận lại cuộc sống. Theo Bull, mức độ bất an trong giới trẻ Mỹ hiện nay cao hơn trước đây.
Về lâu dài, "nằm yên kệ sự đời" không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng của Trung Quốc, mà còn làm giảm tỷ lệ sinh vốn đã ở mức thấp, đe dọa hệ thống an sinh xã hội. Dù vậy, không phải người trẻ nào cũng đi theo xu hướng này.
Nicholas Ho, 38 tuổi, quay lại dạy toán và tiếng Anh tại Quảng Châu từ năm ngoái dù ban đầu muốn du lịch nước ngoài. Anh cần phải trả tiền thuê nhà, hóa đơn điều trị ung thư cho bố và chăm sóc ba chú chó. "Tôi đã có đủ tiền và cần phải làm việc vì tôi làm cho một trung tâm gia sư, bọn trẻ đến và tôi phải dạy học", Ho nói.
Anya Moore, 18 tuổi, được trường Cao đẳng Wellesley cho phép hoãn học kỳ đầu sang năm 2024. Cô dự định đến Ecuador và tham dự Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc tại Dubai vào cuối năm nay.
"Đôi khi, tôi thấy vô vọng và nghĩ nếu tạo ra tác động nào đó sẽ giúp bản thân vượt qua cảm giác đó", cô chia sẻ. Moore hy vọng "gap year" sẽ được đền đáp thông qua giáo dục không chính quy.
Huy Phương (Theo SMCP)