Ngày 19/11/2013 cháy quán bar Zone 9 Trần Thái Tông, 6 người tử vong. Ngày 1/11/2016 cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) 13 người chết. Ngày 29/7/2017 cháy xưởng kẹo ở Hoài Đức, 8 người thiệt mạng. Thời gian và địa điểm của cả 3 vụ hoả hoạn cách nhau không quá xa. Điều đáng nói là nguồn gốc của ngọn lửa sinh ra ba đám cháy này đều là xỉ hàn.
Cháy lớn dãy karaoke, nhà hàng khu vực Cầu Giấy
Hoả hoạn, cháy nổ vẫn được coi là tai nạn. Nó có thể xảy ra bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Tất nhiên đó là điều không ai mong muốn. Trên thực tế thì ngay ở cả các nước phát triển, các quốc gia tiên tiến cũng có thể xảy ra tình trạng này, thậm chí còn để lại thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Ngày 14/6 toà chung cư Grenfell ở London cũng đã bị bao trùm bởi ngọn lửa, theo thống kê thì có ít nhất 30 người chết trong vụ hoả hoạn này. Điều khác biệt là ở các quốc gia này, họ biết rút kinh nghiệm từ các vụ hoả hoạn để tránh các trường hợp tương tự có thể xảy ra.
Người dân của họ đặc biệt quan tâm và tuân thủ rất nghiêm túc về phòng chống cháy nổ. Chính vì thế mà những tai nạn này ở nước họ rất hy hữu, không xảy ra thường xuyên như ở Việt Nam chúng ta. Có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta chưa quan tâm và đang coi nhẹ vấn đề về phòng chống cháy nổ. Theo quan điểm của tôi thì điều đó chưa hoàn toàn đúng.
Cháy xưởng sản xuất bánh kẹo ở Hà Nội, 8 người chết
Về phía các nhà quản lý, chúng ta đã có cả văn bản luật phóng cháy và chữa cháy đã được Quốc hội thông qua. Ngày 31/7/2014 Chính phủ ban hành nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy. Các buổi tập huấn, diễn tập phòng cháy và chữa cháy cũng thường xuyên được tổ chức.
Về phía người dân, mỗi khi có tập huấn hay diễn tập về phòng cháy và chữa cháy thì họ tham gia nhiệt tình, tương đối đầy đủ với tinh thần học tập. Những điều đó cho thấy rằng, quan điểm chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề phòng cháy và chữa cháy là chưa đúng.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là tại sao có sự quan tâm mà vẫn xảy ra các vụ hoả hoạn? Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ xoay quanh ba vụ cháy có thiệt hại nặng nề nhất về người với một góc nhìn khác về nguyên nhân của ba vụ cháy nói riêng và nhiều vụ cháy khác nữa nói chung.
Ngày còn học phổ thông tôi rất đồng tình và tâm đắc với quan điểm của một thầy giáo. Ông nói với chúng tôi rằng "khi tôi khiển trách và nhắc nhở một ai đó trong lớp thì đồng nghĩa với việc các thành viên khác trong lớp cũng đã được một lần nhắc nhở, lần sau có vi phạm thì đừng bao giờ nói rằng em mới vi phạm lần đầu và chưa bị nhắc nhở lần nào".
(Xem thêm: Sai lầm trong thiết kế, thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy)
Ông luôn muốn chúng tôi hiểu rằng hãy rút kinh nghiệm từ những cái sai của người khác. Gần như tất cả mọi người trong chúng ta đều luôn ở trong tâm thế "điều đó sẽ không xảy ra với mình", suy nghĩ chủ quan dẫn đến các hành vi cẩu thả đến chết người.
Sau vụ cháy Zone 9 ngày 19/11/2013, bài học rút ra cho tất cả các thợ hàn là phải đảm bảo an toàn trong quá trình lao động. Mọi thứ cần được che chắn cẩn thận và đảm bảo rằng khi xỉ hàn bắn vào sẽ không gây ra cháy nổ.
Tôi tin chắc rằng, trong một khoảng thời gian dài thì mọi người vẫn luôn lấy đó làm bài học để cảnh giác. Và tôi cũng tin rằng người thợ hàn làm việc tại quán karaoke 68 Trần Nhân Tông ngày 1/11/2016 cũng biết điều này. Anh ta chắc hẳn cũng đã từng biết đến vụ cháy Zone 9 và có đôi lúc anh ta cũng luôn nhắc nhở mình phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Điều duy nhất mà anh ta không làm được đó là vượt qua được cái lối suy nghĩ "điều đó sẽ không xảy ra ở đây và xảy ra với mình" và hậu quả là ngọn lửa đã bùng lên, 13 người thiệt mạng. Sau vụ này thì rầm rộ hơn, Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra và cho đóng cửa hàng loạt cửa hàng, các cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn cháy nổ.
(Xem thêm: Cảnh sát chữa cháy giải cứu thanh niên mắc kẹt trong gốc cây Hà Nội)
Tuy nhiên trong suy nghĩ của tôi, cho dù các nhà chức trách có làm gì đi nữa, nhưng nếu không thay đổi được lối suy nghĩ, tư duy và làm việc cẩu thả của con người thì vẫn sẽ còn những vụ cháy nghiêm trọng khác xảy ra.
Cho đến hôm nay, khi nhận được thông tin cháy xưởng kẹo ở Hoài Đức khiến 8 người chết thì tôi lại chột dạ: Phải chăng lại là xỉ hàn? Và đúng như vậy, tuy chưa có kết luận cuối cùng, nhưng theo thông tin nắm được thì khi xảy ra sự việc chủ cơ sở đang cho sửa lại xưởng, nguyên nhân ban đầu được xác định là do xỉ hàn bắn vào các vật dễ bắt lửa gây ra vụ cháy. Và một lần nữa ngọn lửa được đốt lên từ cái suy nghĩ nông cạn và chủ quan.
Ngày nhỏ và cho tới bây giờ tôi vẫn thích nhìn hình ảnh những tàn xỉ hàn bay ra. Những hạt xỉ đỏ rực toé ra đẹp như pháo hoa đêm 30 Tết. Nhưng giờ đây, với sự cẩu thả trong suy nghĩ và hành động của những người thợ hàn nó đã trở thành sự ám ảnh trong tôi.
Nó không còn đẹp như tôi từng thấy nữa mà bây giờ mỗi khi nhìn thấy nó bắn ra là tôi lại liên tưởng đến những cái chết oan uổng đến thương tâm. Chúng ta khoan vội trách các nhà chức trách chưa làm hết trách nhiệm, bởi họ sẽ không thể lúc nào cũng đến và rỉ tai bạn rằng cuộc sống của bạn đang bị đe doạ bởi những đám cháy.
Thay vì trông chờ vào họ, tôi và các bạn hãy tự bảo vệ mình và bảo vệ những người xung quanh bằng cách hãy thay đổi cách suy nghĩ của chính bản thân mình. Bạn suy nghĩ thế nào thì sẽ cho ra những hành vi tương ứng.
Nếu cho rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra với mình thì bạn sẽ có những hành vi phù hợp để hạn chế những rủi ro đó. Phần lớn các tai nạn đều đến từ sự bất cẩn. Hãy học tập từ những sai lầm của người khác. Đừng biến xỉ hàn thành một hình ảnh đầy ám ảnh và chết chóc.
>> Xem thêm: Người Sài Gòn giúp nam thanh niên cứu xe máy bất ngờ bốc cháy
Video được xem nhiều: 3 cha con đi ngược chiều suýt tông vào đầu ôtô
Chia sẻ video, bài viết của bạn tại đây.