Đồi Capitol "thất thủ" hôm 6/1 khi đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump biểu tình bạo loạn và làm gián đoạn phiên họp xác nhận kết quả bầu cử đã làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh có thể tồi tệ hơn hai tuần cuối nhiệm kỳ của Trump.
Nếu Trump tiếp tục các động thái đáng ngại nhằm ở lại Nhà Trắng, giới quan sát cho rằng có một cách để các quan chức hàng đầu trong chính quyền tước quyền lực của ông: kích hoạt Điều 4 Tu chính án thứ 25 trong Hiến pháp Mỹ. Truyền thông Mỹ ngày 6/1 đưa tin các quan chức trong chính quyền Trump đã bắt đầu cân nhắc phương án này.
Theo Tu chính án thứ 25, nếu phó tổng thống và đa số bộ trưởng trong nội các Mỹ thống nhất rằng tổng thống "không thể đảm trách quyền hạn và trách nhiệm", phó tổng thống sẽ lên nắm quyền.
Tu chính án được thông qua năm 1967 này chưa từng được kích hoạt để tước quyền của một tổng thống Mỹ. Trước Trump, các cuộc thảo luận về nó chủ yếu được nêu ra khi một tổng thống gặp vấn đề về sức khỏe. Nhưng với cách điều hành đất nước thất thường của Trump, điều khoản này thường xuyên được nhắc tới trong suốt 4 năm qua. Năm 2017, Rod Rosenstein, thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ khi đó, từng đề xuất kích hoạt Điều 4 sau khi Trump sa thải giám đốc FBI James Comey.
Sau khi cuộc bạo loạn nhấn chìm Đồi Capitol ngày 6/1, ý tưởng này một lần nữa được đưa ra. Thống đốc Vermont Phil Scott, thành viên Cộng hòa, đăng bài trên Twitter rằng Trump nên từ chức hoặc bị nội các cách chức. Jay Timmons, từng là nhà hoạt động của đảng Cộng hòa và hiện là người đứng đầu nhóm vận động hành lang Hiệp hội Các nhà sản xuất Quốc gia (NAM), cũng kêu gọi Phó tổng thống Mike Pence "nghiêm túc xem xét" kích hoạt Tu chính án 25.
Ngoài ra, một số thành viên quốc hội đề xuất phương án xem xét bãi nhiệm lần hai để khiến Trump phải rời Nhà Trắng trước 20/1 và không thể đảm nhận chức vụ liên bang nào trong tương lai. Nhưng một số quy định của quốc hội về cách thức xem xét bãi nhiệm có thể làm chậm tiến trình này. Nếu lưỡng viện đạt được đồng thuận, họ có thể thay đổi hoặc bỏ qua các quy tắc đó. Nhưng Điều 4 của Tu chính án 25 có thể là giải pháp nhanh hơn, nếu đa số thành viên nội các của Trump nhất trí.
Điều 4 trao quyền cho một số quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ có thể đánh giá tổng thống "không thể đảm trách quyền hạn và trách nhiệm". Người đầu tiên có thể làm điều này là Phó tổng thống Mike Pence. Để có thể kích hoạt điều khoản này, Pence cần có đa số bộ trưởng trong nội các đồng ý "ngồi chung thuyền" với ông.
Nội các Mỹ hiện có 15 bộ trưởng, gồm: Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Chris Miller, quyền Bộ tưởng Tư pháp Jeffrey Rosen, Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue, Bộ trưởng Nội vụ David Bernhardt, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Lao động Eugene Scalia, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar, Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị Ben Carson, Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos, Bộ trưởng Năng lượng Dan Brouilette, Bộ trưởng Cựu chiến binh Robert Wilkie và quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf.
Để kích hoạt Điều 4 Tu chính án 25, Phó tổng thống Pence cần ít nhất 8 trong 15 bộ trưởng cùng ký vào văn bản tuyên bố Trump không đủ khả năng đảm trách chức vụ tổng thống. Tuy nhiên, quy định không nêu rõ những người giữ vị trí quyền bộ trưởng có được tham gia vào việc kích hoạt Tu chính án hay không.
Sau khi họ gửi tuyên bố chung này tới Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch Thượng viện Chuck Grassley, Trump sẽ bị tước quyền lực và Pence lập tức trở thành quyền tổng thống. Trump vẫn giữ chức danh tổng thống, nhưng ông không còn thẩm quyền pháp lý để đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Trường hợp Trump bị tước quyền lực, Điều 4 Tu chính án thứ 25 cũng chuẩn bị cho ông một con đường để có thể lấy lại quyền lực.
Đầu tiên, Trump phải gửi tuyên bố bằng văn bản của chính ông tới Pelosi và Grassley để bác bỏ việc ông không còn khả năng đảm trách chức vụ tổng thống. Sau đó, Phó tổng thống Pence và nội các có 4 ngày để tái khẳng định tuyên bố trước đó của họ. Trong trường hợp tranh cãi này, quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu quyết định.
Quốc hội sau đó có 21 ngày để cân nhắc. Nếu trong khoảng thời gian đó, 2/3 thành viên lưỡng viện bỏ phiếu ủng hộ tuyên bố của Phó tổng thống, Trump vẫn bị tước quyền. Ngược lại, ông sẽ được khôi phục toàn bộ quyền lực.
Tuy nhiên, Trump chỉ còn 14 ngày tại nhiệm trước khi chính thức bàn giao Nhà Trắng cho Joe Biden vào ngày 20/1 tới. Điều này đồng nghĩa trong trường hợp kích hoạt Tu chính án và xảy ra tranh cãi, quốc hội Mỹ hoàn toàn không phải làm gì trong thời hạn 21 ngày xem xét.
Do đó, giới quan sát nhận định việc kích hoạt Điều 4 Tu chính án thứ 25 có thể là cách nhanh nhất tước quyền của Trump trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, nếu Pence và ít nhất 8 bộ trưởng nội các muốn chọn phương án này để ngăn những điều tồi tệ hơn có thể xảy ra. Tuy nhiên, Pence và các bộ trưởng trong nội các đến nay chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào về phương án này.
Thanh Tâm (Theo Vox)