"Ngày 6/1/2021 sẽ được ghi nhớ là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử Mỹ", Dan Balz, nhà báo của Washington Post, viết. Thay vì một ngày tượng trưng cho sự chuyển giao quyền lực hòa bình, 6/1 sẽ được ghi nhớ là ngày một đám đông xâm chiếm Đồi Capitol, đập vỡ cửa phòng họp Hạ viện, tạo ra khung cảnh hỗn loạn như chiến trận, để phản đối chiến thắng của Joe Biden.
Đây không phải là "chuyển giao quyền lực một cách hòa bình" theo truyền thống của Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Pat Toomey của Pennsylvania nói. "Đây hoàn toàn là một nỗi ô nhục".
"Chính trị đã trở thành yếu tố chia rẽ ở đất nước này và cuộc bạo loạn phản ánh điều đó", Will James, nhà phát triển bất động sản 56 tuổi ủng hộ đảng Cộng hòa ở Georgia, nói. Ông đã không bỏ phiếu cho Trump nhưng ủng hộ các ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Thượng viện. Ông bị sốc trước cuộc bạo loạn nhưng cảm thấy nó thực chất là đỉnh điểm của những vấn đề đã âm ỉ từ lâu.
"Chúng ta đã đánh mất ý thức về mục tiêu chung của quốc gia. Mọi người đều tức giận về đất nước. Tôi không nghĩ chúng ta từng lâm vào tình cảnh này trước đây. Và tôi không biết làm thế nào một nước cộng hòa có thể tồn tại lâu dài với những chia rẽ sâu sắc đó".
Balz viết rằng ngày 6/1 là đỉnh điểm "đáng sợ và có thể đoán trước được" sau hai tháng Trump cáo buộc rằng cuộc bầu cử đã "bị đánh cắp". "Khi những người biểu tình xông vào Đồi Capitol, không thể kết luận điều gì khác ngoài việc có mối liên hệ giữa những lời lẽ nguy hiểm và kích động của các lãnh đạo chính trị và cách những người tin tưởng họ phản ứng", ông bình luận.
Trump đã kêu gọi người ủng hộ tập hợp vào ngày 6/1 để thể hiện sự ủng hộ đối với ông. Một giờ trước khi phiên họp của Quốc hội bắt đầu, Tổng thống phát biểu trong cuộc mít tinh bên ngoài Nhà Trắng, kêu gọi người ủng hộ tuần hành đến Đồi Capitol. Ông lặp lại cáo buộc rằng cuộc bầu cử "bị đánh cắp" và khẳng định "chúng ta không bao giờ từ bỏ, chúng ta không bao giờ nhận thua".
Ed Pilkington, nhà bình luận của Guardian, nhận định "chủ nghĩa Trump" đã dẫn đến hỗn loạn ở Đồi Capitol. Ông chỉ ra trong năm 2020, Tổng thống đã nhiều lần khuyến khích các cuộc biểu tình mang vũ trang trên đường phố Mỹ.
Hồi tháng 4, ông kêu gọi người biểu tình "giải phóng Michigan" khi Thống đốc thuộc đảng Dân chủ Gretchen Whitmer ra lệnh yêu cầu người dân ở nhà để giảm lây lan nCoV. Những người ủng hộ đã đáp lại lời kêu gọi đó một cách nghiêm túc. Những kẻ bạo loạn mang phù hiệu Trump và súng trường bán tự động đã xông vào tòa nghị viện bang ở Lansing. Giờ đây, khung cảnh khi đó giống như một cuộc diễn tập cho tình trạng hỗn loạn ở thủ đô Washington.
Khi được hỏi tại cuộc tranh luận đầu tiên với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden tối 29/9 rằng liệu ông có phản đối các nhóm dân quân và nhóm theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng không, thay vì đưa ra quan điểm rõ ràng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi nhóm cánh hữu Proud Boys hãy "án binh chờ đợi".
Proud Boys là một nhóm cực hữu ủng hộ Tổng thống Trump, nhưng gây tranh cãi bởi tư tưởng cực đoan và có nhiều quan điểm lệch lạc. Ngày 6/1, thành viên của các nhóm cực hữu, bao gồm Proud Boys, đã tham gia vào đám đông náo loạn ở Washington. Các thành viên của các nhóm cực đoan da trắng nhỏ hơn và các nhóm tân phát xít cũng được phát hiện trong đám đông.
"Trump đã sử dụng quyền lực của của mình không phải để xoa dịu sự tức giận và thù địch mà để làm tăng thêm nó. Không đáng ngạc nhiên khi trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông, nó bùng nổ thành cuộc hỗn loạn phản đối kết quả bầu cử ngày 6/1", Balz viết.
Vài giờ sau khi đám đông xông vào Đồi Capitol, Trump đăng một video nói rằng: "Hãy về nhà đi, chúng tôi yêu các bạn, các bạn rất đặc biệt". Nhưng ông cũng sử dụng video để lặp lại những tuyên bố của mình về cuộc bỏ phiếu "gian lận" mà ông đã thua.
"Như thể đây là một quốc gia khác, những nơi thường xuyên xảy ra đảo chính", Bev Jackson, một lãnh đạo đảng Dân chủ ở Georgia, nói. "Tôi nghĩ mọi người đã lo sợ một khoảnh khắc như thế này sẽ đến. Thật sự rất buồn và rất bi thảm nhưng tôi nghĩ mọi người đã chuẩn bị tinh thần cho điều này".
Vụ bạo loạn làm dấy lên câu hỏi: Những nước khác sẽ cảm thấy thế nào khi nhìn vào Mỹ, nơi từ lâu đã định vị mình là một nền dân chủ đáng tự hào. "Tôi có cảm giác như đang xem một bộ phim Mỹ vậy. Tôi chỉ hy vọng nó không kết thúc bằng một cuộc nội chiến", Laurie Pezeron, sống ở ngoại ô Paris, nói.
Phương Vũ (Theo Washington Post/Guardian/AP)