Phó tổng thống Pence chủ trì một phiên họp quan trọng nhất sự nghiệp, ở đó, ông được cho là sẽ phải đi ngược lại mong muốn của Tổng thống.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cùng đội ngũ của mình đã họp hàng giờ với các nghị sĩ tại Thượng viện. Họ nghiên cứu về những lần các phó tổng thống khác chủ trì phiên họp xác nhận kết quả bầu cử của quốc hội.
Và họ bắt đầu dự đoán về cơn thịnh nộ của Tổng thống Donald Trump, có khả năng xuất hiện dưới dạng những dòng tweet giận dữ, sau khi các phiếu đại cử tri được chứng nhận vào ngày 6/1.
Vai trò của Phó tổng thống Pence, người chủ trì phiên họp với tư cách Chủ tịch Thượng viện, phần lớn chỉ mang tính nghi thức. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại khăng khăng cho rằng ông có thẩm quyền thay đổi kết quả bầu cử.
"Tôi kỳ vọng Mike Pence sẽ làm những điều cần thiết vì chúng ta. Tôi hy vọng Phó tổng thống tuyệt vời của chúng ta sẽ làm điều đó", Trump nói với đám đông ủng hộ ở bang Georgia hôm 4/1. "Tất nhiên nếu ông ấy không làm, tôi sẽ không thích ông ấy lắm. Không, Mike là người tuyệt vời. Ông ấy là một người đàn ông tuyệt vời, thông minh và là người tôi rất yêu mến".
Trong một dòng tweet tối 5/1, Trump thậm chí còn khẳng định Phó tổng thống có quyền "loại bỏ những đại cử tri được bầu một cách gian lận".
Tuy nhiên không chuyên gia pháp lý nào đồng tình với Trump. Cựu thẩm phán tòa phúc thẩm J. Michael Luttig, người thân cận với các cố vấn của Trump và Pence, hôm 5/1 đã bác bỏ tuyên bố từ Tổng thống.
"Trách nhiệm và quyền hạn duy nhất của Phó tổng thống theo Hiến pháp là kiểm đếm trung thực các lá phiếu đại cử tri", Luttig viết. "Hiến pháp không trao quyền cho Phó tổng thống thay đổi, dù bằng bất cứ cách nào, những lá phiếu đã được bỏ".
Ngoài gặp mặt các nghị sĩ tại Thượng viện, Pence và đội ngũ của ông còn tham vấn các chuyên gia khác, đồng thời nghiên cứu Đạo luật về Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887 và Hiến pháp.
Như cách ông vẫn làm trước những thời khắc quan trọng, Pence đã gặp Trump để thảo luận về kế hoạch cho ngày 6/1, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề. Ông cùng những người khác cố gắng giải thích cho Tổng thống rằng vai trò của Phó tổng thống hoàn toàn chỉ mang tính nghi thức, đọc to số phiếu đại cử tri ở từng bang và chủ trì bất kỳ cuộc tranh luận nào, và rằng ông không có quyền thực hiện những hành động mang tính quyết định.
Trong bữa trưa hàng tuần vào ngày 5/1, Pence đã nói rõ ràng với Trump rằng ông không tin mình có thẩm quyền ngăn Quốc hội chứng nhận chiến thắng dành cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, theo một quan chức Nhà Trắng. Song Trump cuối ngày đã ra một thông báo phủ nhận về cuộc trao đổi trên, như báo New York Times đưa tin đầu tiên, khẳng định "Phó tổng thống và tôi hoàn toàn nhất trí về việc Phó tổng thống có quyền hành động".
Một số cố vấn đã đề xuất rằng Pence khi chủ trì phiên họp chung của Quốc hội sắp tới có thể đưa ra những bình luận về việc có bất thường xảy ra trong quá trình bầu cử song vẫn xác nhận kết quả. Hành động này nhằm cho thấy ông vẫn đấu tranh và ủng hộ Tổng thống.
"Một trong những rủi ro của Pence khi chấp nhận và đồng tình với mọi thứ Trump đã làm là đến một thời điểm nào đó, Trump sẽ yêu cầu ông vượt khỏi ranh giới của mình", nhà sử học Michael Beschloss nhận xét. "Đây chính xác là những gì đang diễn ra, bởi nếu Pence không làm như Trump muốn vào ngày 6/1, Trump sẽ căm ghét và khiến cuộc sống của ông ấy khốn khổ".
Pence từ lâu luôn thể hiện một lòng trung thành tuyệt đối với Trump, nhờ đó được Tổng thống tin tưởng. Tuy nhiên, cũng vì thế nhiệm vụ lần này của ông trở nên thách thức hơn bao giờ hết.
Hiện tại, các đồng minh của Tổng thống Trump có một cảm nhận chung đối với Pence là thương cảm, một đảng viên Cộng hòa thường xuyên liên lạc với Nhà Trắng cho hay.
Đội ngũ của Phó tổng thống Pence đang lo ngại về cách Tổng thống Trump sẽ phản ứng khi Pence xác nhận Biden và phó tướng Kamala D. Harris là người chiến thắng. Tuy nhiên, họ hy vọng rằng bất kỳ mối rạn nứt nào trong quan hệ giữa hai người sẽ không phải là vĩnh viễn.
Sự chú ý của Trump dồn vào Pence sau khi Thống đốc Arizona Doug Ducey, một đảng viên Cộng hòa thân thiết với Phó tổng thống, tháng trước chứng nhận số phiếu đại cử tri tại bang mình cho Biden.
Ông chủ Nhà Trắng còn bị kích động bởi một đoạn quảng cáo từ Lincoln Project, nhóm phản đối Trump, mô tả Pence đang ngày càng xa rời Tổng thống sau khi ông thua cuộc bầu cử, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.
Gần đây nhất, Trump đã bất ngờ khi truyền thông đưa tin rằng thể theo yêu cầu từ Pence, Bộ Tư pháp Mỹ đã phản đối một đơn kiện do những người ủng hộ Trump đệ trình nhằm tìm cách trao cho Phó tổng thống nhiều quyền hạn hơn trong quá trình xác nhận kết quả bầu cử. Thẩm phán liên bang ở Texas đã bác bỏ đơn kiện.
Với Trump, điều này giống như "Phó tổng thống đang muốn chống lại điều mà ông ấy ủng hộ", một cố vấn của Trump cho hay.
Theo hai quan chức chính quyền, Trump giận dữ bởi ông cho rằng Pence nên làm nhiều hơn để thúc đẩy những cáo buộc về gian lận bầu cử thay vì bỏ cuộc quá sớm.
Ngoài việc cố tránh cơn thịnh nộ từ Trump, Pence, người được dự đoán sẽ tranh cử vào năm 2024, cũng có những cân nhắc chính trị của riêng mình. Phó tổng thống Mỹ và vợ đang tìm nhà ở ngoại ô Washington và ông đã thảo luận về việc viết một cuốn sách.
Trong những tuần cuối cùng của chính quyền Trump, Pence có thể giúp bản thân chuẩn bị cho một tương lai hậu Nhà Trắng bằng cách thực hiện tốt những nhiệm vụ còn lại của mình, từ thúc đẩy thông qua các sắc lệnh hành pháp cho đến điều phối nỗ lực chống Covid-19 trước khi trao lại cho chính quyền Biden.
Dù vậy, Pence được cho là vẫn sẽ trung thành với tôn chỉ quen thuộc và thoải mái nhất của mình, đặt Tổng thống lên trước bản thân ông.
"Phó tổng thống Pence đã trung thành với đất nước, Hiến pháp và Tổng thống suốt 4 năm qua", Kellyanne Conway, cựu quan chức cấp cao Nhà Trắng có mối quan hệ thân thiết với cả Trump và Pence, nhận xét. "Bất kỳ ai nghĩ rằng Pence có những tính toán chính trị riêng với vai trò xác nhận kết quả bầu cử của ông ấy vào ngày 1/6 đều không hiểu rõ về ông ấy".