(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
"Trường kỳ chống Covid-19" có lẽ là câu nói đúng nhất từ khi dịch khởi phát cho đến giờ. Từ đầu dịch, qua kinh nghiệm Trung Quốc, chúng ta cứ nghĩ dịch sẽ đánh nhanh rút nhanh mà thôi, chúng ta chịu đau kinh tế 2-3 tháng phong tỏa cách ly là xong.
Nhưng 2-3 tháng sau đó, dịch chẳng những không qua đi mà còn náo loạn châu Âu và càn quét châu Mỹ khiến cho kinh tế chúng ta vốn có độ mở khá với thị trường lục địa già và tân thế giới, cũng phải lao đao.
Khi đại dịch đang càn quét "làn sóng thứ hai", chúng ta hy vọng vào vaccine được ra mắt trước bầu cử Mỹ như một "cứu cánh", nhưng rồi chúng ta cũng phải nhận thức về an toàn của nó khi nó được thử nghiệm quá nhanh.
Về mặt kinh tế, việc sớm có vacccine sẽ giúp cho tổng cầu của thị trường phương Tây nhanh phục hồi, vì vậy những ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể phục hồi sớm nhất.
>> Bức tranh kinh tế trong Covid-19: Những lo lắng và mong chờ
Nhưng bóng ma Covid-19 vẫn sẽ chưa chịu buông tha các ngành dịch vụ của chúng ta trong năm nay. Tôi dự đoán tổng cầu dịch vụ của thị trường nội địa cuối năm sẽ không quay đầu chữ U như khi kết thúc đợt dịch thứ nhất. Dường như, kinh nghiệm đại dịch quay lại lần thứ hai đã khiến cho tâm lý người tiêu dùng sau này sẽ rụt rè và e sợ hơn khi chi tiêu.
Trong khi các chính sách tài khóa của Chính phủ như đầu tư công có độ trễ để tác động lên GDP, hoặc chính sách thuế khó có hiệu quả cao trong một thị trường còn có thói quen hai sổ kế toán như Việt Nam. Có lẽ chúng ta nên chấp nhận "trường kỳ chống Covid" với mục tiêu chiến thắng virus là cuối năm 2021.
Chấp nhận như vậy giúp chúng ta, không còn cách nào khác, phải thúc đẩy sử dụng hiệu quả chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu toàn dụng lao động vào cuối năm 2020. Tôi cho rằng chúng ta nên sử dụng chính sách tiền tệ để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn sử dụng tỷ lệ lao động cao, trước tiên.
Điều vướng mắc một cổ hai tròng mà các ngân hàng thương mại đang phải chịu khiến họ khó lòng bơm tín dụng ra thị trường là (1) tỷ lệ dự trữ bắt buộc, và (2) nợ xấu trong một thị trường có thói quen hai sổ kế toán, và thời kỳ dịch bệnh bất an.
>> Hụt hơi vì gồng mình hậu Covid 19
Để cứu kinh tế lúc này, trong khi chờ đợi các tổ chức cho vay ngang hàng phủ sóng rộng khắp, Ngân hàng Nhà nước nên nới lỏng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mở rộng diện tín chấp qua đó ngân hàng thương mại có thể mạnh dạn cấp tín dụng tín chấp cho tất cả dự án khả thi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Qua đó, ngân hàng giúp họ có dòng tiền để tự tin tiếp tục kinh doanh, thuê mướn lao động, xúc tiến cạnh tranh nhằm kích thích tổng cầu tăng trưởng, trong khi nếu phải thế chấp thì những điều trên là một nhiệm vụ bất khả thi.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại nên được phép "ân xá" điểm tín dụng của tổ chức, cá nhân từ chấm điểm 5 năm liền kề như trước đây, xuống còn 2 năm thôi. Đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta triệt tiêu chế độ hai sổ kế toán, qua đó, biện pháp "cấp tín dụng tín chấp" trong lúc này nên được xem như là "cấp quân nhu" trong thời chiến.
>> 'Lơ là trường hợp nhiễm nCoV không triệu chứng sẽ trả giá đắt'
Nếu doanh nghiệp nào sử dụng "quân nhu" sai mục đích, thâm lạm và gian dối kế toán, thì doanh nghiệp đó phải bị chế tài thật nặng để răn đe. tiến tới hình thức tín chấp là chủ đạo trong cấp tín dụng như các nước phát triển.
Làm được những giải pháp đó, chiến thắng đại dịch Covid-19 xong, chúng ta cũng chiến thắng luôn đại dịch "sổ sách kế toán không minh bạch" của các doanh nghiệp đã hoành hành kinh tế nước ta cả mấy chục năm trời, khi nhiều doanh nghiệp thua lỗ tô hồng sổ sách để vay thêm, trong khi doanh nghiệp có lời thì làm xấu sổ sách để trốn thuế.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Lê Khắc Bá Tùng