Vài tháng sau khi dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội để chống dịch Covid-19, xã hội đã hoạt động bình thường trở lại nhưng nhiều độc giả chia sẻ rằng một số hoạt động kinh doanh, sản xuất đang gặp "bất thường":
Bây giờ các xưởng sản xuất nhỏ chỉ biết hoạt động cầm cự để duy trì qua ngày thôi. Xưởng nhà tôi trước công nhân hơn 20 người giờ phải cho nghỉ một nửa, một nửa ở lại thì làm xoay tua ngày làm ngày nghỉ. Chủ cũng đã xoay xở hết cách rồi nên đành phải chấp nhận vậy. Mong kinh tế sớm ổn định lại. Nếu tình hình này thì chắc các xưởng sản xuất nhỏ phải đóng cửa.
Tôi làm trong khu chế xuất. Trước Covid, các hoạt động sản xuất kinh doanh tấp nập, bảng rao tuyển người treo khắp nơi, các công ty sáng đèn từ sáng sớm đến tối khuya.
Bây giờ, các công ty như chết lâm sàng, bữa làm bữa nghỉ, hoạt động kinh doanh vắng lặng, thưa thớt. Nếu dịch Covid-19 này kéo dài thì người lao động không chết vì dịch mà "chết" vì đói.
Độc giả caothanhhien220582 chia sẻ công ty gia đình không còn đặt mục tiêu lợi nhuận mà cố gắng cầm cự để trả lương công nhân và duy trì hoạt động:
Ba mẹ tôi có công ty gia công trong lĩnh vực may mặc, công nhân cũng lên đến hơn 100 người. Trước khi có Covid-19, công ty nhận được nhiều đơn hàng, việc làm không hết. Ba mẹ tôi xây thêm xưởng mới, mua thêm máy móc và thuê thêm nhân công để kịp thời đáp ứng các đơn hàng theo yêu cầu. Mọi việc tiếp tục thuận buồm xuôi gió nên công ty vay ngân hàng một khoản tiền không nhỏ để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Covid-19 xuất hiện không báo trước, mọi sự đảo lộn. Các đơn hàng bị cắt giảm, ba mẹ tôi vừa phải căng mình lo đủ việc cho công nhân, vừa gồng mình chống dịch.
Nhưng rồi mấy tháng cầm cự không nổi vì không còn việc. Máy móc mua mới thêm nhiều và khoản vay ngân hàng trước mắt. Công ty đành phải cắt giảm nhân sự rồi cho công nhân luân phiên đi làm cầm cự. Bây giờ mục tiêu của công ty không còn là lợi nhuận mà chỉ cố gắng có công việc để trả lương cho công nhân và duy trì hoạt động công ty, không lỗ và đóng cửa là may mắn lắm rồi.
Độc giả Tieunho nêu ảnh hưởng khi các doanh nghiệp hết hơi:
Khi Covid-19 chưa có thuốc trị thì tình hình này sẽ còn tệ hơn nữa. Nhiều công ty cũng đang tạm đóng cửa một phần hoặc toàn phần, hoặc chỉ giữ lại ít nhân viên chủ yếu để còn sống lại sau dịch.
Sau Covid-19, tất cả công ty cũng như mọi người bắt đầu có cái nhìn sâu về tầm nhìn, để nếu chuyện này xảy ra lần nữa thì cũng còn có cái để sống sót. Công ty gia đình đóng cửa thì chỉ khoảng 20 đến 50 người mất việc. Nhưng nếu những công ty lớn đóng cửa, cả ngàn cho chục ngàn người sẽ không còn kế sinh nhai. Nhiều công nhân, tiền lương đi làm chỉ để đủ sống chứ không thể dư nhiều mà tích lũy nếu có biến cố xảy ra thêm lần nữa.
Một số độc giả đề xuất:
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn hay đón những "ông đại bàng" là tạo ra cú hích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chọn bồ thóc nhanh, kịp thời cho những doanh nghiệp bồ câu, chim sẻ trong nước ăn cũng là việc làm rất thiết thực nhằm lót đường, rải thảm cho đại bàng hạ cánh.
Duy LePhuc
Việt Nam phòng chống Covid-19 rất tốt nhưng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và người lao động bị ảnh hưởng vì dịch chưa hiệu quả. Rất nhiều người dân đã mất việc và sẽ mất việc vì doanh nghiệp phá sản. Cần một giải pháp tức thì để hỗ trợ.
Thay vì cứ lay hoay tìm cách đưa tiền hỗ trợ tới người dân, có nên chăng tìm ra phương pháp miễn giảm hoàn toàn học phí, viện phí đi kèm với đảm bảo đồng lương cho đội ngũ giáo viên, y bác sĩ, nhân viên của trường học và bệnh viện công.
>>Quan điểm của bạn thế nào, chia sẻ bài viết tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp