(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Trong thời gian cách ly toàn xã hội, người dân cả nước chấp hành và dường như ai ai trong chúng ta cũng đang sống chậm lại và ... ngẫm.
Về tài chính, vấn đề nóng không kém diễn biến tình hình dịch bệnh đó là kinh tế của mọi người. Tôi xin chỉ nói về những người đang đi thuê và chạy ăn hàng ngày. Còn những người có nhà cửa, có khoản để dành... tôi xin không nói và bàn đến. Khi thu nhập không có hoặc bị cắt giảm, thì người thuê có muôn điều phải lo. Lo xoay sở tiền để trả tiền thuê nhà, tiền nhân viên, tiền điện nước...
Trăm thứ tới ngày tới kỳ phải thanh toán mà đầu vào đóng cửa đầu ra mở rộng theo đúng nghĩa nở hậu thì thật quả là áp lực lớn. Chủ cho thuê không giảm thì vẫn phải chịu. Chủ cho thuê giảm thì giảm phần nào mừng phần đó. Chủ cho thuê mà tăng thì ... cắn răn suy tính tiếp cho tương lai. Đó chỉ là phần ảnh hường trực tiếp tới gia đình cá nhân.
Các tổ chức cho vay không hiểu vì lý do gì mà chưa hỗ trợ người vay trong lúc đại dịch này? Chính các tổ chức cho vay cũng tác động không nhỏ tới những chủ cho thuê kia. Có những chủ thuê phải đi vay để xây phòng trọ, mặt bằng cho thuê. Và những chủ thuê ấy hàng tháng vẫn phải trả tiền lãi ngân hàng thì việc họ không miễn giảm cũng là điều hiển nhiên. Có những người thuê cũng dựa vào tình hình dịch bệnh mà làm cái cớ để ép chủ nhà phải giảm, miễn tiền nhà. Những người này cũng thật quá đáng.
>>Người nhiễm nCoV không triệu chứng và phương án dập dịch
Về nhu yếu phẩm, trong thời kỳ đại dịch, lệnh cách ly cũng đã được ban ra, việc hạn chế đi lại, kinh doanh cũng ảnh hưởng quá lớn tới mọi người. Để chấp hành người dân chấp nhận thiệt hại kinh tế và hạn chế đi lại. Nhưng hàng ngày vẫn cần phải ăn uống. Giá thịt heo nghe nói là sẽ cố gắng bình ổn, ghìm cương. Nhưng đó là giá heo hơi, đầu nguồn. Còn giá chính thức tới tay người dân thì khác. Không muốn nói là để tự do.
Trước đây trong siêu thị thấy giá thịt trong nước hay nhập khẩu cũng rẻ hơn chút so với bên ngoài. Thì mới đây, trong siêu thị mà lúc nào cũng có dòng chữ "bình ổn giá", giá thịt heo có chiều đi lên. Ngoài chợ cũng chẳng kém. Có thắc mắc thì "về mà hỏi tivi", "về mà mua trên tivi". Vậy việc bình ổn, kiểm soát giá thịt heo hơi có tác dụng gì ? Nếu các doanh nghiệp cố đẩy giá thịt heo lên cao, nhà chức trách nói sẽ tăng nhập khẩu để giảm giá. Nhưng giá thịt nhập khẩu cũng đã tăng. Đừng nhìn vào giá heo hơi bao nhiêu, giá nhập khẩu bao nhiêu mà hãy nhìn vào giá đến tay người tiêu dùng bao nhiêu.
Thị trường tự do nhưng không phải là lúc này khi mà dịch bệnh hoành hành cần sự bình ổn. Chưa kể các mặt hàng khác cũng rục rịch nhích giá lên dần.
>>Lối chơi của Việt Nam và Đức trong 'trận bóng' Covid-19
Và tiếp theo là Điện. Dự kiến sẽ giảm 10% từ bậc 1 tới bậc 4. Mặc dù mức giảm được cho là quá thấp tuy nhiên nếu nhân cho cả nước thì tổng số tiền phải giảm sẽ rất nhiều. Nhưng điều tôi thắc mắc ở đây là: Khi điện lực giảm như vậy thì bao nhiêu hộ gia đình sẽ thật sự được hỗ trợ ? Lúc này cần xem lại định nghĩa hộ gia đình là như thế nào nữa. Chứ với tôi thì đối tượng nghèo, đi ở trọ có lẽ sẽ không nhận được. Vì khi thuê phòng trọ họ cũng xem như là mua điện lại từ chủ cho thuê. Mà chủ cho thuê là người làm việc trực tiếp với điện lực.
Nếu EVN có giảm thì cũng là giảm cho chủ nhà. Còn chủ nhà có giảm cho người thuê hay không thì còn tuỳ.
Nước: Thôi không bàn tới.
Mạng internet cũng có động thái tăng dung lượng nhưng không tăng giá cước. Rồi cả tặng miễn phí một tuần một phim có phí. Dù cho phim đó hay dở ra sao nhưng có tặng là mừng rồi. Nhưng... tăng dung lượng lên nhưng tôi cảm thấy tốc độ truy cập không có gì thay đổi thì phải. Có lẽ là do cáp đứt. Đứt ngay trong thời điểm này. Và cả mạng viễn thông cũng đang có phương án, chính sách hỗ trợ nhưng hiện vẫn còn đang chờ có danh sách các đối tượng được hỗ trợ.
Tài nguyên thiên nhiên, việc hạn chế đi lại, hạn chế kinh doanh sản xuất.... đều do kẻ địch nhỏ bé nhưng quyền lực có tên Corona kia gây ra. Mọi thứ bị đình trệ. Kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng. Đời sống con người chật vật. Tuy nhiên, chính sự hoành hành của nó cũng làm cho chúng ta thấy rằng: không khí dần tốt hơn, dễ chịu hơn. Khí thải giảm đáng kể. Tầng ozon đang được phục hồi (tôi đang nói về việc tích cực thôi nhé. Còn việc băng tan ở Nam cực liên quan tới ozon xin không bàn tới vì không thuộc phạm vi bài này).
>> 'Tăng cách ly xã hội vì Covid-19 đã vào giai đoạn 3'
Con người thời nào cũng vậy, nơi nào cũng vậy, đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Nhưng trước đây, đa phần đều nghe qua lời nói hoặc không để ý. Nhưng nay, trong đại dịch này chúng ta dường như thấy và có cảm nhận, suy nghĩ nhiều hơn về con người. Quốc gia này tố quốc gia kia. Lãnh đạo này chỉ trích lãnh đạo kia. Ôi đủ thứ tràn ngập. Và ở nhiều nơi, tình người được lan toả trong hoạn nạn. Anh không khá giả nhưng có tiếng nói kêu gọi. Vận động được ít san sẻ cho người nghèo khó. Anh khá giả và tiếng nói lớn hơn. Anh vận động được khoản đóng góp to hơn giúp bà con nhiều hơn.
Các anh chiến sĩ, các chị chiến binh ngày đêm ra sức ngăn chặn kẻ địch vô hình. Bất chấp hiểm nguy lao mình vào chiến địch. Công việc nặng nhọc những không từ nan. Đây, nơi ở khang trang thoáng mát, đồ ăn đảm bảo dinh dưỡng họ nhường cho người dân. Đây, nơi ở khó khăn thiếu thốn, lương thực nghèo nàn họ chấp nhận nhận lấy.
Ấy vậy mà lại có nhiều người như muốn làm cha thiên hạ. Bất chấp lệnh cấm vẫn tìm cách vi phạm. Từ việc tuồn đồ vào trong khu cách ly. Trốn khỏi khu cách ly chỉ để ...đi dự sinh nhật bạn. Đi lang thang ngoài đường cho đỡ buồn. Cho tới cả tấn công những người đang làm nhiệm vụ chỉ vì...bị nhắc nhở đeo khẩu trang.
Một con sâu làm rầu nồi canh. Trước đây, chúng ta thường nói rằng những thành phần tệ hại ấy chỉ là "số nhỏ" không cần bận tâm. Nhưng nay, có thể chính những con "số nhỏ" ấy có thể huỷ đi cả thành quả của cả tập thể, cộng đồng. Chúng ta cũng nên cần tìm và diệt cái "số nhỏ" ấy đi.
>> Hai lối chống dịch của Trung - Hàn và bài học cho Việt Nam
Và rồi ý thức. Kêu gọi, vận động nhưng còn nhiều người không chấp hành. Ra đường không nón bảo hiểm, không khẩu trang. Thích thì phun nọt bọt phì phèo. Ho, hắt hơi vô tư và còn hướng thẳng vào người khác. Ở nhà thì, đàn ông tụ tập ăn nhậu. Phụ nữ thì tụm năm tụm bảy tám chuyện. Con nít thì xúm nhau chạy từ đầu xóm cuối xóm. Tất cả đều không mang khẩu trang hoặc giữ khoảng cách an toàn. Ai mang khẩu trang thì gần như bị xóm kì thị vì nhiều lí do.
Rồi nào là phục vụ văn nghệ cho thôn xóm miễn phí. Từ "đắp mộ cuộc tình" tình gì cũng đắp, "vùng lá me bay" bay hoài không hết lá, "ngựa ô thương nhớ" nhớ qua nên đi cướp ngựa hoài, cùng nhiều bài tự chế lời kèm theo là âm thanh lớn hết công suất. Cho tới phục vụ võ thuật miễn phí từ các cuộc "chén chú chén anh". Ôi! Sao chưa thấy mạnh tay xử lý các thành phần này nhỉ?
Các văn bản ban hành từ lâu rồi chứ không riêng bây giờ, các văn bản ban hành thường gây khó dễ rất nhiều cho người dân trong vấn đề hiểu và thực hiện. Tôi không phải nói để chê trách. Nhưng thật sự có rất nhiều người khi đọc một văn bản pháp luật họ rất là rối. Nhất là trong thời điểm nhạy cảm của dịch bệnh này, họ đọc mà không hiểu sẽ khiến họ thêm hoang mang. Và họ phải tìm hiểu qua người khác, các mạng xã hội... và từ đó các tin giả lại có đất sống. Như mới đây có vụ phạt 3 người ngồi trong cabin xe tải vì vi phạm khoảng cách an toàn. Mặc dù sau đó vụ việc đã được giải quyết. Và rồi việc hiểu nhầm lẫn công văn khiến cho việc thực hiện ở Mê Linh là lỗ hổng lớn rất nguy hiểm. Và chính từ việc các văn bản có nhiều điểm khiến cho người đọc có thể hiểu theo một hướng khác tạo tiền đề cho nhiều thành phần lách luật.
>> Vì sao phương Tây bảo thủ, chần chừ đeo khẩu trang
Việc chống dịch như chống giặc. Nhưng người dân cũng cần phải an tâm thì mới có thể chung lòng thực hiện. Trành việc túng quẫn cùng đường rồi sinh ra các tệ nạn xã hội khác khiến cho xã hội thêm bất an hơn. Nhanh chóng giảm áp lực tài chính cho người dân từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Vì dịch bệnh nên ai cũng bị ảnh hưởng chứ không riêng đối tượng nào. Khi mà bên cho vay chưa hỗ trợ mà cứ tới ngày tới kỳ truy thu nợ cho bằng được sẽ tạo nên tình trạng xấu.
Tìm cách bình ổn giá cả các mặt hàng. Các nhu yếu phẩm còn tăng giá là còn cả vấn đề bài toán chi tiêu. Đàn ông trường thành thì còn có thể tối đa giảm chi tiêu được nhưng với người già, trẻ em, phụ nữ thì có những cái không thể giảm chi tiêu. Điện, nước, Internet, viễn thông nhanh chóng có hình thức hỗ trợ tốt nhất có thể cho các đối tượng. Nhưng các đối tượng thuê phòng trọ kéo lại điện, nước từ chủ trọ thì có lẽ họ sẽ khó được hỗ trợ. Cơ quan thuế cũng mong xem xét hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp trong lúc này. Và việc Chính Phủ hỗ trợ tài chính cho người dân. Mong rằng có văn bản, thông báo rõ ràng giúp cho người dân dễ hiểu.
Hiện tại người dân còn rất lo lắng trong vấn đề làm sao để nhận được gói hỗ trợ. Thủ tục như thế nào. Bản thân thuộc đối tượng nào. Tới đâu làm thủ tục hoặc nhận... Các lệnh ban hành từ cơ quan phòng chống dịch được thực hiện như thế nào, hiểu như thế nào là đúng? Hạn chế đi lại? Cách ly toàn xã hội? Vì hiện tại dường như mỗi nơi hiểu và thực hiện mỗi kiểu khác nhau. Thấy người vi phạm thì báo với ai ? Giả sử báo lên chính quyền ở địa phương thì cần có những gì? Nếu chính quyền địa phương đó bao che thì cần làm gì tiếp theo?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Nguyễn Như Thông