Nghị viện châu Âu (EP) ngày 19/5 thông qua nghị quyết đóng băng "bất cứ việc xem xét hay thảo luận phê chuẩn nào đối với Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
EP cũng yêu cầu tăng cường Quy định Giám sát Đầu tư Nước ngoài của EU, các đạo luật về trợ cấp nước ngoài cùng những biện pháp khác nhắm thẳng vào Trung Quốc. Cơ quan này kêu gọi EU "tăng cường phối hợp với Mỹ trong khuôn khổ Đối thoại Xuyên Đại Tây Dương về vấn đề Trung Quốc".
Đây được coi là một đòn giáng với Trung Quốc, bởi chỉ 6 tháng trước, Bắc Kinh vẫn tự tin đã giành được thắng lợi chiến lược trong tham vọng mở rộng ảnh hưởng sang Đại Tây Dương.
Diễn biến ở nghị trường châu Âu khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh thêm lo ngại về tình cảnh đối ngoại của họ, bởi giờ đây, không chỉ quan hệ với Mỹ khó cải thiện, quan hệ giữa Trung Quốc và EU cũng đang đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga Âu Á (CREAS) ở Brussels, cho rằng Trung Quốc chỉ có thể tự trách mình "tự bắn vào chân" trong hoàn cảnh này.
Trung Quốc - EU hoàn tất đàm phán CAI vào cuối năm 2020, được xem là điểm sáng ngoại giao hiếm hoi giữa Bắc Kinh và các chính phủ phương Tây sau một năm quan hệ Mỹ - Trung đầy sóng gió. Nỗ lực thuyết phục châu Âu suốt 7 năm cuối cùng đã đơm hoa kết trái. Bắc Kinh ca ngợi thỏa thuận là thắng lợi to lớn trên trường quốc tế, mang ý nghĩa chiến lược vượt khỏi lợi ích kinh tế đơn thuần.
Đó là thời điểm quan hệ EU - Mỹ không còn "cơm lành canh ngọt", sau nhiệm kỳ đầy hỗn loạn của Donald Trump, người theo đuổi chủ nghĩa biệt lập và chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Bắc Kinh đã tính toán kỹ lưỡng thỏa thuận, đào sâu thêm rạn nứt giữa hai đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Tính toán của họ dường như đã thành công với việc EU hồi tháng 12 năm ngoái đạt được thỏa thuận chính trị với Trung Quốc về CAI, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của các công ty châu Âu.
Nhưng đó là câu chuyện của nửa năm trước. Khi cường quốc châu Á còn chưa kịp mở tiệc mừng, nghị quyết ngày 19/5 của EP đẩy thỏa thuận đứng trước tương lai mù mịt.
Trung Quốc đã nỗ lực đến phút cuối để cứu vãn thỏa thuận. Ngày 17/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường điện đàm với người đồng cấp Italy Mario Draghi, nhấn mạnh "cả hai nên chung tay đảm bảo thỏa thuận đầu tư Trung Quốc - EU được ký kết và có hiệu lực sớm".
Italy là thành viên duy nhất trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 đồng ý tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) Trung Quốc. Họ cũng đang giữ ghế chủ tịch luân phiên nhóm những nền kinh tế mới nổi G20 và sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 10.
Bắc Kinh kỳ vọng có thể trì hoãn việc "đóng băng" CAI đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome, nhưng nỗ lực của họ đã đổ sông đổ bể. Căng thẳng EU - Trung Quốc về vấn đề nhân quyền leo thang đến điểm không còn hướng giải quyết dễ dàng nào.
Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU vào năm 2020. CAI hứa hẹn xóa bỏ nhiều rào cản đầu tư, giúp công ty châu Âu tiến vào sân chơi Trung Quốc thuận lợi hơn và mang về lợi ích cho cả hai phía. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khối 27 nước châu Âu không thể gác lại quan ngại nhân quyền để bước tiếp cùng Bắc Kinh.
Hồi tháng 3, EU áp hàng loạt lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Đây cũng là loạt trừng phạt đầu tiên của khối này nhắm vào Trung Quốc sau năm 1989.
Để đáp trả, Bắc Kinh áp lệnh trừng phạt với 10 cá nhân tại châu Âu, trong đó có một thành viên quốc hội Litva, cấm những người này đến đại lục lẫn hai đặc khu Hong Kong và Macau. Nhưng đòn "ăn miếng trả miếng" của Trung Quốc lại phản tác dụng, khi nước này nhận thêm một "đòn giáng" trên mặt trận ngoại giao với châu Âu vào tuần trước.
Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis ngày 22/5 thông báo nước này rời khung hợp tác "17+1" giữa Trung Quốc với 17 quốc gia Trung và Đông Âu. Mô hình này vốn là một thành tố quan trọng trong BRI và chiến lược gia tăng phạm vi ảnh hưởng tại châu Âu của Trung Quốc, tạo thế "tiền hô hậu ủng" cho Bắc Kinh tác động lên chính sách của EU theo hướng có lợi.
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại kiểu "nước lớn" mà Trung Quốc theo đuổi lại là nguồn cơn Litva quyết định rời nhóm "17+1". Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho rằng nhóm hợp tác này "gây chia rẽ" theo quan điểm của EU, đồng thời kêu gọi các thành viên EU rời khỏi nhóm 17+1 để theo đuổi "cách tiếp cận và liên lạc 27+1 với Trung Quốc có tính hiệu quả hơn nhiều".
Trung Quốc dỡ bỏ gói trừng phạt trả đũa là một trong những yêu cầu phía EP đặt ra để nối lại phê chuẩn CAI. Sau màn đối đầu ngoại giao tháng 3, Litva đi xa hơn với ý định mở văn phòng đại diện kinh tế ở Đài Loan. Nếu kế hoạch trở thành hiện thực, đó sẽ là bước lùi đáng kể cho chiến lược cô lập Đài Loan mà Trung Quốc đẩy mạnh nhiều năm qua, đặc biệt khi Mỹ cũng có những bước củng cố cam kết an ninh và hợp tác với hòn đảo.
Litva dường như đã tính toán lại chiến lược, nhận thấy họ sẽ ứng phó với Bắc Kinh hiệu quả hơn với tư cách là một thành viên EU thay vì để tiếng nói bị lẫn trong nhóm 17 nước hợp tác kinh doanh và đầu tư với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mối quan hệ Nga - Trung ngày một khăng khít làm dấy lên lo ngại an ninh địa chính trị cho Litva. Đây là nỗi lo chung của nhóm ba nước Baltic và những quốc gia giáp ranh Nga. Litva nhiều khả năng sẽ khởi đầu phản ứng dây chuyền, kéo theo hai láng giềng vùng Baltic là Estonia và Latvia cùng một số thành viên khác rút khỏi nhóm "17+1".
Những diễn biến tại châu Âu xảy đến giữa lúc cục diện quan hệ quốc tế dần bất lợi hơn cho Bắc Kinh. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người từng ủng hộ CAI vào năm 2020, đang tiến gần đến chặng cuối nhiệm kỳ. Quốc hội Đức sẽ trải qua thay đổi lớn ở cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9, trong đó đảng Xanh với lập trường chống CAI đang có triển vọng tham gia chính phủ liên minh.
Tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quan hệ Australia - Trung Quốc căng thẳng sau nhiều tranh cãi an ninh và kinh tế. Bắc Kinh ngày 6/5 tuyên bố tạm ngưng vô thời hạn mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc - Australia. Động thái nhằm trả đũa việc chính phủ Australia hủy hai thỏa thuận hợp tác BRI ở bang Victoria với lý do an ninh quốc gia.
Quan hệ Mỹ - Trung ít hy vọng khởi sắc dưới thời Tổng thống Joe Biden. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo then chốt của đảng Dân chủ, còn kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh.
Khi Biden lên nắm quyền, Mỹ không chỉ cải thiện quan hệ với châu Âu mà còn củng cố các cặp và nhóm quan hệ chiến lược quanh Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, mô hình Đối thoại An ninh Bộ Tứ với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Tổng thống Biden còn dự kiến họp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào giữa tháng 6. Sự kiện được kỳ vọng tìm ra dư địa hợp tác giữa hai cường quốc bất chấp nhiều khác biệt lợi ích.
Trước xu hướng bất lợi như vậy, Bắc Kinh vẫn kiên định với kiểu "ngoại giao chiến lang" nhiều tranh cãi. Trong bài xã luận ngày 23/5, sau khi Litva rời nhóm "17 + 1", Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng quốc gia vùng Baltic này "chỉ là nước nhỏ với dân số chưa bằng một quận đô thị cấp một ở Trung Quốc" nhưng lại hành xử "không đúng phép tắc của nước nhỏ".
Global Times thậm chí còn đe dọa rằng "nước nhỏ hung hăng, biến mình thành công cụ cạnh tranh cường quốc, sẽ tự chuốc lấy rắc rối".
Trong khi đó, Mỹ và EU bắt đầu phối hợp chặt chẽ hơn để đưa ra lập trường với Trung Quốc, như cuộc gặp hôm 5/5 giữa Cao ủy EU Joseph Borrell với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hay cuộc đàm phán đầu tiên giữa quan chức cấp cao hai bên về hình thức đối thoại Mỹ - EU mới để thảo luận về chính sách với Bắc Kinh hôm 26/5.
Giới quan sát cho rằng nếu Bắc Kinh quyết không thay đổi tâm thế, tình trạng bế tắc quan hệ có khả năng trở thành "bình thường mới" trong quan hệ với phương Tây. "Rốt cuộc, với việc CAI bị đóng băng, Trung Quốc như thể nhấc một tảng đá nặng để rồi lại thả nó xuống chân mình, theo cách nói của Mao Trạch Đông", chuyên gia Fallon nhận định.
Trung Nhân (Theo Nikkei Asia)