Australia hôm 21/4 tuyên bố hủy thỏa thuận tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của chính quyền bang Victoria vì cho rằng nó không đáp ứng các ưu tiên chính sách đối ngoại quốc gia. Đây là diễn biến mới nhất của mối quan hệ đang "rơi tự do" giữa Australia và Trung Quốc.
Với việc hủy bỏ bản ghi nhớ và thỏa thuận khung ký năm 2018 và 2019, Ngoại trưởng Marise Payne khiến Bắc Kinh tức giận khi nhắm vào một trong những ưu tiên lớn của nước này. Sáng kiến Vành đai và Con đường được giới chuyên gia cho là mạng lưới cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra đòn bẩy tài chính và địa chính trị cho Bắc Kinh.
Mọi con mắt giờ đổ dồn vào Trung Quốc để xem liệu họ sẽ trả đũa Canberra thế nào. Ngay sau khi Australia thông báo hủy thỏa thuận, đại sứ quán Trung Quốc tại Australia nói rằng quyết định của Canberra "vô lý và khiêu khích", "nhất định sẽ gây thêm thiệt hại cho quan hệ song phương", nhấn mạnh nước này "rất không hài lòng và kiên quyết phản đối" động thái này.
Tháng 4 năm ngoái, Australia cùng Mỹ kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng về cách nCoV biến từ bệnh dịch địa phương ở miền trung Trung Quốc thành đại dịch. Động thái này đã dẫn đến những cảnh báo phẫn nộ từ Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp.
Ông Thành nói rằng yêu cầu điều tra có thể dẫn đến việc người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay rượu vang Australia hoặc ngừng đến nước này du lịch. Ông nói thêm rằng việc thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập là "nguy hiểm".
Lời kêu gọi của Canberra khiến được Bắc Kinh coi là một nỗ lực do Mỹ hậu thuẫn nhằm làm mất uy tín của họ. Rạn nứt đã khiến các nhà xuất khẩu của Australia bị lĩnh đòn, khi Trung Quốc áp đặt một loạt lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò, lúa mạch và gỗ.
Vài tuần sau lời cảnh báo của ông Thành, Bắc Kinh đình chỉ nhập khẩu từ 4 nhà cung cấp thịt bò lớn của Australia. Tuy nhiên, không bên nào công khai liên kết căng thẳng thương mại với lời kêu gọi điều tra của Australia, nói rằng nguyên nhân là "các vấn đề kỹ thuật". Nhưng ngay sau đó, Trung Quốc lại công bố thuế chống bán phá giá đối với lúa mạch và các biện pháp nhằm vào rượu vang Australia.
Một vấn đề cũng khiến hai nước căng thẳng là vụ Trung Quốc bắt các công dân Australia gồm nhà văn Yang Jun và nhà báo Cheng Lei. Yang sinh ra ở Trung Quốc, bị bắt vào tháng 1/2020 và phải đối mặt với cáo buộc gián điệp, điều cô bác bỏ. Ngoại trưởng Payne chỉ trích cách Trung Quốc đối xử với Yang là "không thể chấp nhận được".
Cheng, nhà báo giàu kinh nghiệm đã làm việc cho kênh quốc tế CGTN của đài truyền hình trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh, bị giữ ít nhất từ ngày 14/8/2020. Cô chính thức bị bắt vào tháng hai với cáo buộc "cung cấp bí mật quốc gia cho nước ngoài".
Hai nhà báo Australia khác đã vội vã rời khỏi Trung Quốc vào tháng 9/2020 sau khi cảnh sát tìm cách thẩm vấn họ. Trong khi đó, Bắc Kinh cáo buộc Canberra đột kích nhà của các nhà báo Trung Quốc khi điều tra một chiến dịch gây ảnh hưởng bí mật.
Australia nằm trong liên minh tình báo Ngũ nhãn gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ, cáo buộc Trung Quốc vi phạm các cam kết quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý đối với Hong Kong, sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh đối với thành phố này.
5 nước chỉ trích Trung Quốc vì loại các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ khỏi cơ quan lập pháp Hong Kong và nêu lo ngại về ý định của các công ty công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài.
Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội trước nỗ lực xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại họ của phương Tây. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo: "Dù họ có 5 hay 10 mắt, nếu họ dám làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc thì họ nên coi chừng bị chọc mù đấy".
Phương Vũ (Theo AFP)