Khi khoảng 100 ca nCoV mới được phát hiện trong vài ngày cuối tháng trước, Quảng Đông đã nhanh chóng tiến hành xét nghiệm cho hầu hết người dân địa phương.
Dù số ca nhiễm mới tương đối thấp so với các nơi khác trên thế giới, giới chức Quảng Đông cho biết các biện pháp quyết liệt vẫn cần thiết để đảm bảo dịch không lây lan thêm, vì tỉnh này là một cửa ngõ của đất nước và đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên.
Thông điệp được đưa ra rất rõ ràng: tỉnh với 126 triệu dân này sẽ không cho phép dịch có bất kỳ cơ hội nào lây lan, ngay cả khi họ phải xét nghiệm hàng triệu dân và đưa hàng chục nghìn người tới khách sạn cách ly.
Trung Quốc nhiều lần ca ngợi cách tiếp cận không khoan nhượng với Covid-19 của nước này, coi việc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và sàng lọc quy mô lớn là mô hình chống dịch hiệu quả. Cách tiếp cận này đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ của công chúng, dù trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, nó đã gây ra nhiều phiền toái lẫn bức xúc cho người dân.
Nhưng sau hơn một năm kể từ lần đầu tiên đóng cửa biên giới, Trung Quốc đang đối mặt với một tình huống tiến thoái lưỡng nan: tiếp tục đóng cửa với những tổn hại về kinh tế và thương mại quốc tế, hay mở cửa và đối mặt làn sóng phản đối của công chúng về nguy cơ bùng dịch do người nhập cảnh.
Khi bắt đầu đại dịch, cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc đã giúp nước này ghi nhận số ca tử vong thấp và thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh hơn các nước khác. Thành công này một phần lớn nhờ người dân tuân thủ biện pháp kiểm soát, hy sinh cuộc sống cá nhân như hạn chế di chuyển và gián đoạn hoạt động hàng ngày.
Thành công trong việc dập dịch ở Vũ Hán, sau đó là Bắc Kinh, Liêu Ninh và Tân Cương, đã khiến người dân ủng hộ cách tiếp cận của chính phủ. Niềm tin và sự ủng hộ càng tăng lên khi nhiều người Trung Quốc so sánh cách kiểm soát dịch trong nước với chiến lược chống dịch bị coi là "thảm họa" ở nhiều quốc gia phương Tây, đặc biệt ở Mỹ.
Nhưng sự ủng hộ mạnh mẽ với chính sách không khoan nhượng cộng với những hy sinh cá nhân của người dân Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch đồng nghĩa họ khó chấp nhận bất kỳ sai lầm nào của việc từ bỏ cách tiếp cận hiện tại.
"Họ có động lực mạnh mẽ để duy trì thành tựu vốn rất khó đạt được này", Huang Yanzhong, thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế ở Mỹ, nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đã đến lúc chấp nhận mở cửa biên giới và đối mặt với nguy cơ dịch xuất hiện, bởi đây là điều mà nhiều quốc gia khác cũng phải lựa chọn.
"Covid-19 khó có thể bị xóa sổ trên toàn cầu, vì vậy tất cả các nước vẫn sẽ gặp nguy cơ, có thể trong vài năm tới hoặc thậm chí mãi mãi", Christopher Dye, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford, nói. "Dù đóng cửa biên giới quốc gia là điều dễ hiểu trong giai đoạn nghiêm trọng của dịch, tôi không cho rằng bất kỳ quốc gia nào có thể tránh xa được virus này hoàn toàn. Biện pháp này quá tốn kém".
Nicholas Thomas, phó giáo sư chuyên về an ninh y tế tại Đại học Hong Kong, cho rằng chính sách không khoan nhượng chỉ nên được xem như một phương tiện để tạo "thời gian thở" cho một quốc gia để thúc đẩy tiêm chủng cho người dân, chứ không phải là giải pháp dài hạn.
"Hầu hết quốc gia đều có nhu cầu mở cửa biên giới. Bởi nếu không, họ không thể duy trì tăng trưởng kinh tế", ông nói.
Trung Quốc đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà với hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng. 967 triệu liều vaccine đã được sử dụng ở Trung Quốc, với 223 triệu người tiêm chủng đủ mũi, theo Our World in Data.
Một số nền kinh tế lớn, như Liên minh châu Âu (EU) đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại với người nước ngoài đã tiêm chủng. Huang cho rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với áp lực lớn hơn để thay đổi cách tiếp cận hiện tại nếu các lĩnh vực kinh doanh và thương mại ở các nước khác được hưởng lợi từ mở cửa biên giới, đặc biệt là Mỹ.
"Tại sao bạn tự hào về chính sách của mình? Đó là vì thất bại của Mỹ. Nhưng với chiến dịch tiêm chủng thành công, Mỹ có thể kiểm soát virus và quay trở lại cuộc sống bình thường. Nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách không khoan nhượng và đóng cửa biên giới, bạn sẽ thấy sự tương phản giữa hai nơi. Sau đó, mọi người sẽ hoài nghi về chiến lược kiểm soát đại dịch của Trung Quốc", ông nói.
Vaccine Covid-19 hầu hết hiệu quả chống lại nguy cơ xuất hiện triệu chứng nặng và tử vong, chứ không hiệu quả trong việc ngăn bị nhiễm virus ở mức nhẹ. Do đó, ngay cả khi phần lớn dân số của một quốc gia được tiêm chủng, dịch bệnh vẫn có thể xảy ra, theo Mark Jit, giáo sư về dịch tễ học vaccine tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London.
Giới khoa học cho rằng một cách tiếp cận thực tế đối với các nước có tỷ lệ nhiễm thấp là tiêm vaccine để tránh các trường hợp nghiêm trọng và nhập viện, trong khi chấp nhận mức độ lây nhiễm Covid-19 nhất định. Đây là cách mà nhiều nước phương Tây đang áp dụng.
"Các quốc gia có thể đưa ra các chính sách khác nhau dựa trên mức độ rủi ro và khả năng phục hồi kinh tế của họ. Tuy nhiên, về lâu dài, các quốc gia đều phải chấp nhận một mức độ nhất định của Covid-19", Jit nói.
Hiện tại, Trung Quốc không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm nới lỏng chính sách kiểm soát dịch mạnh tay. Cách xử lý đợt bùng phát ở Quảng Đông cho thấy Bắc Kinh vẫn tăng cường các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch.
Phùng Tử Kiện, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, tuần trước phát biểu tại hội nghị ở Thanh Đảo rằng nước này khó có thể mở lại biên giới trước giữa năm sau.
Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học SOAS London, nhận định Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tránh mọi rủi ro có thể xảy ra.
"Áp lực có thể lớn hơn để mở cửa cho Thế vận hội mùa đông vào năm tới. Nhưng ngay cả khi đó, Bắc Kinh có thể vẫn mở cửa biên giới một cách hạn chế, đặc biệt nếu Nhật Bản không thể mở cửa hoàn toàn cho Thế vận hội mùa hè sắp tới", ông nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)