Khi tỉnh ven biển Phúc Kiến, Trung Quốc, thông báo hồi cuối tháng 4 rằng họ sẽ cắt ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với du khách từ Đài Loan, nhà chức trách hy vọng Phúc Kiến có thể trở thành một điển hình trong nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường hậu Covid-19.
Ý tưởng đặt ra là giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống chỉ còn hai ngày. Tuy nhiên, 7 ngày sau, kế hoạch bị bãi bỏ. Sau nhiều tháng ổn định, một ổ dịch Covid-19 tại Đài Loan buộc Phúc Kiến phải ngừng mở cửa đối với hòn đảo. Sự việc làm bật lên những bất ổn và khó khăn đối với từng địa phương nói riêng và cả Trung Quốc nói chung khi cố gắng dỡ bỏ các rào cản biên giới và tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế.
Trung Quốc từ những ngày đầu dịch mới bùng phát đã dựng "vạn lý trường thành" quanh đất nước nhằm kiểm soát lây nhiễm. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được đặt ra đối với bất kỳ ai muốn đến Trung Quốc, trong đó chỉ cho phép nhập cảnh vì công việc, người nhập cảnh phải nhiều lần xét nghiệm âm tính Covid-19 và cách ly bắt buộc từ 14 đến 21 ngày.
Mục đích là nhằm ngăn các ca lây nhiễm nhập khẩu trong lúc chính quyền nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng. Trung Quốc dự kiến hoàn thành mục tiêu giai đoạn đầu, tiêm vaccine cho 40% dân số, tương đương 560 triệu người, vào ngày 30/6. Mục tiêu tiếp theo là đạt 80% vào cuối năm nay.
Phát biểu tại một hội nghị về y tế, Phùng Tử Kiện, cựu phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CCDC), nhấn mạnh Trung Quốc có thể khôi phục trạng thái "bình thường" hay không phụ thuộc vào việc bao nhiêu phần trăm dân số được tiêm chủng. "Mục tiêu hiện tại là giúp toàn dân được bảo vệ bằng vaccine, khi đó chúng ta có thể nghĩ đến việc điều chỉnh chiến lược của mình", ông nói.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết điều này đồng nghĩa những hạn chế biên giới nghiêm ngặt vẫn sẽ được duy trì trong tương lai gần, ngay cả khi Trung Quốc sẽ đăng cai tổ chức Thế vận Hội mùa Đông vào tháng hai năm sau.
"Chúng tôi chưa tính đến việc sớm mở cửa biên giới Trung Quốc khi mà dịch bệnh vẫn hoành hành trên khắp thế giới và việc mở cửa phục vụ Thế vận hội mùa Đông cũng chỉ là có thể", một nhà ngoại giao nước này cho hay. "Mở cửa biên giới không chỉ phụ thuộc việc liệu Trung Quốc có đạt được miễn dịch cộng đồng hay không mà còn phụ thuộc vào tỷ lệ lây nhiễm ở các nước khác. Đây sẽ là một quyết định hai chiều".
Tuy nhiên, theo Nicholas Thomas, chuyên gia về an ninh y tế, phó giáo sư tại Đại học City, Hong Kong, Trung Quốc hiện tại cảm thấy họ không thể bị gạt khỏi thương mại và du lịch quốc tế khi Bắc Mỹ và châu Âu đang bắt nhịp trở lại.
"Nếu vẫn còn những hạn chế kiểm dịch quá mức đối với việc nhập cảnh hoặc quay trở lại Trung Quốc, các doanh nghiệp sẽ tìm đến nơi khác. Liên lạc từ xa ổn thôi nhưng mọi người, nhìn chung, vẫn thích trực tiếp phát triển kinh doanh hơn. Trung Quốc không thể loại mình khỏi quá trình này", Thomas đánh giá.
Một nhà ngoại giao châu Á khác nhận định thời gian cách ly kéo dài khiến các doanh nhân nước ngoài gặp nhiều khó khăn hơn khi thực hiện công việc định kỳ như kiểm tra xem cơ sở sản xuất có tuân thủ các quy chuẩn quốc tế hay không.
Dù vậy, các biện pháp ngăn ngừa đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Khi chính quyền tỉnh Phúc Kiến thông báo kế hoạch thí điểm cho khách đến từ Đài Loan, các nhà bình luận nhanh chóng phản đối nó trên mạng xã hội. "Thật điên rồ khi mạo hiểm hy sinh thành công mà ta phải vượt qua không ít khó khăn mới có được trong kiểm soát dịch bệnh", một người dùng Weibo nói.
Thomas từ Đại học City cho biết chính phủ Trung Quốc có nguy cơ đánh mất sự ủng hộ của công chúng trong nước nếu từ bỏ chiến lược kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt ban đầu.
"Vậy nên, vấn đề mấu chốt đặt ra là giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận đâu là nhu cầu lớn nhất hay đâu là rủi ro lớn nhất: từ virus hay từ nền kinh tế", ông nhấn mạnh.
Một lựa chọn thí điểm là thay đổi dần các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ở những "khu vực bản địa hóa" sau khi đất nước đã tiêm chủng đủ cho 80% dân số.
Song các chuyên gia cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng cao không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro.
Hsu Li Yang, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng ngay cả khi một quốc gia đạt được miễn dịch cộng đồng, không có nghĩa các trường hợp nhiễm mới hay ổ dịch mới sẽ biến mất. Thay vào đó, những cụm dịch này sẽ "tự giới hạn nếu chúng phát triển".
Peter Chin-Hong, giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco, Mỹ, cũng đánh giá không thể xóa bỏ hoàn toàn tất cả các trường hợp lây nhiễm bằng khả năng miễn dịch cộng đồng bởi vẫn tồn tại những ổ chứa virus chưa xác định ở động vật có thể truyền sang người.
Các chuyên gia y tế công cộng đồng tình rằng sẽ an toàn hơn cho Trung Quốc hay những nước khác có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp nếu họ chỉ mở cửa cho những nước có mức độ lây nhiễm thấp tương tự trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng.
"Một quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt có thể mở cửa cho những nước có mức độ lây nhiễm thấp hoặc tương tự nếu họ tự tin về điều đó, nhưng bạn không thể mở cửa cho tất cả thế giới nếu phần lớn dân số chưa được tiêm chủng", Peter Collignon, giáo sư vi sinh vật tại Đại học Quốc gia Australia, nhận xét. "Một số quốc gia giả định sai lầm rằng họ có thể ngăn chặn virus, khiến nó không thể xâm nhập. Tôi không tin bạn làm được điều đó".
Kwok Kin-on, phó giáo sư tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, cho rằng Bắc Kinh nên thận trọng với việc mở cửa biên giới bởi họ cần thêm dữ liệu để biết liệu những vaccine đang sử dụng có thể thực sự ngăn chặn virus lây lan hay không.
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine có thể ngăn ngừa những triệu chứng bệnh nhưng vẫn cần thêm các kết quả thực tế, đặc biệt về hiệu quả chống lại các biến thể, ông cho hay.
"Nếu chúng ta có đủ dữ liệu chứng minh rằng vaccine ngăn được virus lây lan, thậm chí cả với những biến thể, khi đó ta có thể tham vọng hơn về việc mở cửa trở lại", Kwok nói.
Một khả năng khác giúp mở cửa là áp dụng "hộ chiếu vaccine", cho phép người sở hữu xuất và nhập cảnh dễ dàng hơn. Trong Quốc đang đề xuất sử dụng hộ chiếu vaccine được xây dựng trên hệ thống chứng chỉ sức khỏe kỹ thuật số mà nước này đưa ra hồi tháng ba. Các chứng chỉ hoạt động trên nền tảng mạng xã hội WeChat, chứa những thông tin quan trọng như kết quả xét nghiệm Covid-19 hay trạng thái tiêm chủng của người dùng.
Các nhà ngoại giao ca ngợi động thái này sẽ giúp mở cửa du lịch quốc tế song chưa có thông tin chi tiết về việc những chứng chỉ đó có thể được sử dụng rộng rãi hơn như thế nào.
Theo các nguồn tin am hiểu vấn đề, khách du lịch trong tương lai gần vẫn chưa thể rút ngắn thời gian cách ly hay bỏ qua cách ly do tiêu chuẩn về tiêm vaccine ở mỗi quốc gia hiện không thống nhất.
Một nhà ngoại giao từ quốc gia đang thảo luận về việc sử dụng hộ chiếu vaccine với Trung Quốc cho hay họ đang đối diện không ít thách thức, trong đó nổi bật là cách đảm bảo tính xác thực của các chứng chỉ và tìm ra một nền tảng công nghệ chung.
"Sẽ mất khá nhiều thời gian nhưng chúng tôi hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận giúp giải quyết các khó khăn về kỹ thuật khi cả hai nước đều sẵn sàng" sử dụng hộ chiếu vaccine, ông nói.
Tuy nhiên, với tình trạng nguồn cung vaccine không đồng đều, tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu còn chậm và việc xuất hiện thêm các "biến thể dễ lây nhiễm hơn và né được vaccine", thế giới có lẽ sẽ không bao giờ trở lại hoàn toàn bình thường như thời trước đại dịch, Chin-Hong từ Đại học California bình luận.
"Hộ chiếu miễn dịch sẽ là thứ bắt buộc và người dân sẽ luôn phải sẵn sàng trước khả năng đóng cửa biên giới nếu dịch tiếp tục bùng phát", ông nói. "Giống như việc chúng ta phải điều chỉnh lịch trình của mình vì thời tiết, giờ đây, ta cần tham khảo tin tức về Covid-19 tại điểm đến để điều chỉnh chuyến đi cho phù hợp".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)