Ít tháng trước, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Kim Quyền tự tin tuyên bố Bắc Kinh khống chế thành công Covid-19 với thiệt hại kinh tế tối thiểu chứng minh "tính ưu việt của hệ thống chính trị Trung Quốc".
Trong khi làn sóng Covid-19 thứ nhất và thứ hai giáng đòn nặng nề vào uy tín châu Âu lẫn Bắc Mỹ, gây tác động tưởng chừng vô phương cứu vãn, Trung Quốc lại kiểm soát tốt đại dịch nhờ chiến lược phong tỏa nghiêm ngặt.
Bắc Kinh tin rằng nhờ Covid-19, đà tiến của họ đã "nhảy vọt" một thập kỷ và không có gì có thể ngăn cản nổi. Học giả Singapore Kishore Mahbubani thì nhận định đại dịch Covid-19 đánh dấu sự khởi đầu cho "Thế kỷ châu Á".
Theo ông, đại dịch sẽ thúc đẩy hệ thống toàn cầu chuyển dịch sang "lấy Trung Quốc làm trung tâm" và phương Tây yếu thế sẽ phải chấp nhận vị thế mới của mình. Giữa lúc Mỹ và châu Âu chìm trong hỗn loạn kinh tế lẫn chính trị vì dịch bệnh, Mahbubani dự báo xã hội và giá trị phương Tây sẽ sớm "được thay thế bằng sự tôn trọng và ngưỡng mộ ngày một lớn dành cho những giá trị phương Đông".
Nhận định này có vẻ hợp lý hồi năm ngoái, nhưng đến năm nay, cục diện chiến lược đã thay đổi. Sau gần một năm chật vật đối phó với đại dịch, phương Tây dần lấy lại vị thế của mình. Mỹ đang hồi phục với nền tảng tốt hơn Trung Quốc nhờ chương trình tiêm chủng quyết liệt trên toàn quốc. Vaccine châu Âu và Mỹ được xem như "phép màu" thoát đại dịch trên khắp thế giới.
Công thức chống dịch thành công của Trung Quốc và nhiều nước châu Á dần giảm hiệu quả trước các biến chủng nCoV mới nguy hiểm hơn. Nhật Bản loay hoay gỡ nút thắt tiêm ngừa Covid-19, trong khi 9 tỉnh đóng góp gần 50% GDP quốc gia vẫn trong tình trạng khẩn cấp. Trung Quốc đến giữa năm 2021 mới tăng tốc tiêm vaccine cho người dân sau nhiều tháng chậm trễ, còn thành phố Quảng Châu ở miền nam đất nước bắt đầu phong tỏa trở lại vì biến chủng mới.
Trên khắp thế giới, nhiều nước bắt đầu hoài nghi về chất lượng vaccine Trung Quốc bởi những thông tin gây tranh cãi về mức an toàn và hiệu quả. Chile tiêm chủng thần tốc từ rất sớm bằng Sinovac. Câu chuyện tương tự diễn ra ở Hungary với vaccine Sinopharm.
Tuy nhiên, cả hai nước vẫn hứng chịu làn sóng lây nhiễm nCoV mới nghiêm trọng với nhiều ca nhập viện lẫn tử vong do biến chủng nCoV. Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng từ các hãng dược Trung Quốc không đủ sức thuyết phục.
Bắc Kinh còn đang đối diện rủi ro chính trị ngắn hạn vì Covid-19. Những thông tin được truyền thông Mỹ công bố gần đây cho thấy Trung Quốc thiếu minh bạch về nguồn gốc Covid-19 và tìm cách cản trở đội điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp cận phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm trên chính trường quốc tế. Giả thuyết này từng bị xem là thuyết âm mưu vô căn cứ, nhưng giờ đây lại thành điểm nóng chú ý của dư luận quốc tế.
"Nhận định Trung Quốc là bên thắng cuộc không còn đúng nữa. Phương Tây đang trên đà chiến thắng", Ho-Fung Hung, nhà kinh tế học chính trị tại Đại học Johns Hopkins, đánh giá.
Ho-Fung Hung cho rằng Mỹ và Anh đang dần kiểm soát thành công đại dịch nhờ vaccine hiệu quả cao. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chật vật với phong tỏa và chiến lược ngoại giao vaccine không còn phát huy hiệu quả như ban đầu.
George Gao, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, thừa nhận vaccine bất hoạt không đạt mức bảo vệ cao như kỳ vọng, nước này cần kết hợp với công nghệ vaccine mARN của phương Tây mới khống chế được làn sóng lây nhiễm. Với tình hình này, phương Tây có thể mở cửa toàn diện trước Trung Quốc.
Ngoài Covid-19, một trong những động lực được Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng trong nỗ lực bắt kịp và vượt mặt kinh tế Mỹ chính là lực lượng lao động dồi dào của mình. Tuy nhiên, Mark Williams, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, đánh giá năng suất lao động giảm và dân số già sẽ dần kéo lùi tham vọng của giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Nguồn nhân lực Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2017, sau đó bắt đầu co lại. Sau năm 2030, xu hướng giảm quy mô nguồn nhân lực ở Trung Quốc dự kiến tăng thêm 0,5% mỗi năm. Nếu nước này không bắt kịp Mỹ vào giữa thập niên 2030, họ sẽ đánh mất hoàn toàn cơ hội. "Chúng tôi dự báo nền kinh tế Trung Quốc đến năm 2030 mới bằng 87% của Mỹ, cao hơn mức hiện nay là 71%", Williams nói.
Trong khi đó, Mỹ đã phục hồi mức GDP bằng với thời gian trước đại dịch bằng nguồn nhân lực ít hơn khoảng 8 triệu lao động, một trong những bằng chứng cho thấy năng lực sản xuất nhảy vọt của siêu cường thế giới.
Các biện pháp phong tỏa, hạn chế ngăn Covid-19 đã kéo lùi tăng trưởng kinh tế Mỹ năm ngoái, nhưng lại thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt của kinh tế số. Việc buộc người lao động làm việc từ xa đã vô tình tăng tốc phát triển công nghệ số của Mỹ trong một năm bằng 7 năm.
Theo dự báo toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố tuần qua, kinh tế Mỹ trong quý III năm nay sẽ vượt mức trước đại dịch. Siêu cường này sẽ tiếp tục tăng tốc vào đầu thập niên 2020 nhờ hàng loạt gói đầu tư của chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng như chính sách công nghệ quyết liệt nhắm vào Trung Quốc.
Cảm giác chiến thắng ban đầu trước đại dịch đã thúc đẩy Trung Quốc thực thi chiến lược "ngoại giao chiến lang" quyết liệt hơn nhằm củng cố hình ảnh đất nước và bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, sự cứng rắn này càng khiến Trung Quốc hứng chịu nhiều chỉ trích về một loạt vấn đề, từ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đến Hong Kong hay Biển Đông.
Cuộc khảo sát do Pew tiến hành tại 14 nước hồi tháng 10/2020 cho thấy quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đã tăng đến mức kỷ lục. Trong khi đó, Bộ Tứ gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tăng cường mối liên kết ứng phó Trung Quốc, trong khi châu Âu đóng băng thỏa thuận thương mại quy mô lớn với nước này.
"Trung Quốc không thể duy trì động lực phát triển nếu họ cắt mọi liên kết với phương Tây. Họ phải dựa vào phần còn lại của thế giới để tiếp cận công nghệ cao và công nghệ bán dẫn", Ho-Fung Hung lưu ý.
Trung Nhân (Theo Telegraph)