Nhật Bản đang lên kế hoạch viện trợ vaccine Covid-19 cho khắp Đông Nam Á, từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan cho đến Việt Nam. Theo Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, nước này chọn cách độc lập tặng các liều vaccine AstraZeneca mà không thông qua "một tổ chức quốc tế nào" như chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì "các thủ tục phê duyệt thường tốn thời gian".
Nhật đã đạt được thỏa thuận mua khoảng 120 triệu liều vaccine AstraZeneca. Bộ Y tế Nhật Bản tháng trước cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại vaccine này song chưa khuyến nghị sử dụng nó trong nước vì lo ngại về các tác dụng phụ tiềm ẩn như nguy cơ hình thành cục máu đông.
Nhật ngày 16/6 viện trợ một triệu liều vaccine cho Việt Nam. Trước đó, hồi đầu tháng, họ cũng hỗ trợ Đài Loan 1,24 triệu liều vaccine AstraZeneca khi hòn đảo đối mặt với đợt bùng phát đại dịch đầu tiên.
Hồi tháng 5, khi được yêu cầu bình luận về kế hoạch của Nhật Bản viện trợ vaccine cho Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh "kịch liệt phản đối".
Hiromi Murakami, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple, Tokyo, nhận định kế hoạch ủng hộ vaccine cho các quốc gia Đông Nam Á của Nhật vừa nhằm "giúp đỡ bạn bè và láng giếng" vừa "có động lực địa chính trị".
Bà cho hay chính phủ Nhật Bản không tham gia sáng kiến chia sẻ vaccine của WHO bởi "nếu thông qua Covax, họ sẽ không thể chỉ định chuyển vaccine đến đâu". Đây là vấn đề cụ thể trong trường hợp Đài Loan, vốn không nằm trong danh sách ưu tiên nhận vaccine.
"Hỗ trợ trực tiếp khiến hành động giúp đỡ Đài Loan được công nhận rộng rãi hơn và người dân Đài Loan có thể bày tỏ lòng cảm kích đối với sự hào phóng của Nhật Bản", Murakami đánh giá.
Stephen Nagy, giáo sư quan hệ đối ngoại tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo, cho rằng hành động viện trợ vaccine của Nhật Bản không hoàn toàn mang động cơ gây ảnh hưởng bởi theo ông, Đài Loan từng hỗ trợ rất tích cực cho Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần hồi năm 2011 và người dân Nhật Bản "chưa quên điều đó".
Tuy nhiên, "trả ơn" không phải là động lực duy nhất. Nhật Bản dường như vẫn có những mục tiêu khác, mà trong trường hợp Đài Loan là năng lực sản xuất chất bán dẫn cũng như tác động của nó đối với chuỗi cung ứng, Nagy lưu ý.
"Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia khác có thể nhìn thấy Trung Quốc đã gây ảnh hưởng ở mức độ nào khi cung cấp vaccine Sinovac cho Philippines cùng một số nước", Nagy nhận xét. "Những nước (ở Đông Nam Á) này không muốn bị chèn ép giữa Mỹ và Trung Quốc. Và dù vaccine Sinovac có thể giúp họ mở cửa trở lại nền kinh tế sớm hơn rất nhiều, Nhật Bản không coi đó là hành động vị tha của Bắc Kinh và giờ đây Tokyo cũng muốn được nhìn nhận như người bạn đang cung cấp hỗ trợ y tế".
Theo Nagy, các tranh chấp trên Biển Đông đã khiến "tâm lý hoài nghi" đối với Trung Quốc gia tăng đáng kể trong những năm gần đây ở một số quốc gia. Điều này khiến đề nghị hỗ trợ vaccine của Nhật Bản nhiều khả năng sẽ được đón nhận nhiệt thành.
"Ngay sau khi Nhật Bản hoàn thành tiêm chủng cho người dân của mình, chúng ta sẽ thấy họ sẽ mở rộng tầm tiếp cận tới những nước khác trong khu vực", ông cho hay.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)