Thông tin được phát ngôn viên Bộ Y tế xác nhận ngày 9//8. Thử nghiệm tiến hành với hơn 5.000 tình nguyện viên.
Tháng trước, người đồng sáng lập CanSino cho biết công ty đang đàm phán với Nga, Brazil, Chile và Ả Rập để khởi động nghiên cứu giai đoạn ba.
Vaccine này có tên gọi Ad5-nCOV, sử dụng loại virus cảm lạnh vô hại, mang vật chất di truyền của nCoV vào cơ thể. Từ đó, hệ miễn dịch có thể nhận dạng và làm quen với mầm bệnh, kích hoạt phản ứng bảo vệ. Đây là "ứng viên" đầu tiên của Trung Quốc chuyển sang thử nghiệm trên người vào đầu tháng 3. Dù xuất phát điểm sớm, song Ad5-nCOV vẫn đi sau các sản phẩm của nhãn hàng đối thủ.
Tháng trước, các nhà nghiên cứu của CanSino, hợp tác với quân đội Trung Quốc, cho biết vaccine an toàn và có thể tạo ra phản ứng miễn dịch ở hầu hết tình nguyện viên.
Theo hãng thông tấn nhà nước SPA, Ả Rập có kế hoạch thử nghiệm tại các thành phố Riyadh, Dammam và Mecca. Tình nguyện viên sẽ được chia thành hai nhóm, tiêm vaccine và sử dụng giả dược.
Trước đó, tướng Chen Wei, Viện Nghiên cứu Quân y Trung Quốc, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết vẫn chưa thể chắc chắn về khả năng bán ra thị trường của sản phẩm. Song vaccine đạt đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng là hướng phát triển đúng đắn trong công cuộc đẩy lùi Covid-19 của đại lục. Hiện thế giới chưa có bất cứ "ứng viên" nào được phê duyệt chính thức.
Thử nghiệm giai đoạn ba nói chung thường được tiến hành trên hàng nghìn người. Các nhà khoa học sẽ so sánh tỷ lệ nhiễm bệnh giữa nhóm tiêm vaccine và dùng giả dược. Đây là khâu quan trọng, giúp xác định liệu sản phẩm có đủ hiệu quả ngăn ngừa mầm bệnh hay không.
Đến nay, toàn thế giới có 6 loại vaccine tiến vào thử nghiệm giai đoạn ba, thuộc các đơn vị: Moderna, Pfizer, nhóm nghiên cứu Đại học Oxford kết hợp hãng dược AstraZeneca, Sinopharm, SinoVac và Viện nghiên cứu Trẻ em Murdoch. Hồi tháng 5, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết vaccine phải có hiệu quả ít nhất 50% mới được chấp thuận sử dụng đại trà.
Các quan chức y tế thế giới cũng nhiều lần nhấn mạnh tiêm chủng không phải "viên đạn bạc" ngăn ngừa Covid-19. Hôm 7/8, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci cho rằng khả năng các nhà khoa học điều chế được loại vaccine hiệu lực khoảng 98% là rất nhỏ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khẳng định cần phối hợp thực hiện các biện pháp dập dịch toàn diện, thay vì chỉ trông đợi và vaccine.
Thục Linh (Theo Reuters)