Sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga bị phương Tây áp các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ, cắt đứt nhiều mối liên kết của nước này với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc đã giúp Nga giảm thiểu phần nào tác động tiêu cực.
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Moskva hôm 22/2. Wall Street Journal cũng đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Moskva vào tháng 4 hoặc tháng 5.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga từ trước xung đột, đóng góp 16% tổng kim ngạch ngoại thương. Hiện tại, vai trò của Bắc Kinh ngày càng lớn, trong bối cảnh Nga bị đẩy vào suy thoái kinh tế vì các lệnh trừng phạt của phương Tây. Dưới đây là những hoạt động giúp kinh tế Nga – Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau:
Kinh doanh năng lượng
Các lệnh trừng phạt mạnh tay nhất của phương Tây lên Nga gồm cấm vận dầu thô, áp trần giá bán dầu, loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, cũng như đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga tại nước ngoài. Mục đích của các biện pháp này là siết nguồn tài chính Nga cấp cho chiến dịch quân sự.
Giới phân tích đánh giá các lệnh trừng phạt này có tác dụng. Kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái năm 2022. GDP năm ngoái cũng giảm 2,1%, theo số liệu của cơ quan thống kê Nga đầu tuần này.
Tuy nhiên, chính phủ Nga cho biết nguồn thu của họ vẫn tăng lên, chủ yếu nhờ giá năng lượng cao và nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ. Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã lập kỷ lục năm 2022, tăng 30% lên 190 tỷ USD, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc. Giao thương năng lượng tăng rõ rệt kể từ đầu chiến sự
Trung Quốc đã mua 50,6 tỷ USD dầu thô Nga giai đoạn tháng 3-12/2022, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu than cũng tăng 54% lên 10 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu khí đốt, bao gồm cả khí qua đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), tăng 155% lên 9,6 tỷ USD.
Việc này có lợi cho cả hai bên. Với Nga, họ cần khách hàng mới trong bối cảnh nhiên liệu hóa thạch của nước này bị phương Tây xa lánh. Còn với Trung Quốc, mục tiêu hiện tại là vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm Zero Covid. Vì thế, họ cần năng lượng giá rẻ để vận hành ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ.
Hai bên đều có kế hoạch thắt chặt quan hệ hợp tác hơn nữa. Trong đó có thỏa thuận giữa Gazprom và CNPC nhằm cung cấp thêm khí đốt cho Trung Quốc trong 25 năm tới.
"Khi kinh tế Trung Quốc mở cửa năm nay, chúng tôi cho rằng hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong đó có dầu thô và các sản phẩm từ dầu", Anna Kireeva – Giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Moskva nhận xét trên CNN.
Thay thế nguồn cung từ phương Tây
Nga đã chi hàng tỷ USD mua máy móc, thiết bị điện tử, xe hơi, kim loại cơ bản, tàu thuyền và máy bay từ Trung Quốc, theo báo cáo của Quốc hội Mỹ tháng 5/2022. Nga cần hàng hóa thay thế cho những sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu. Còn Trung Quốc có "năng lực sản xuất hơn tất cả nước khác", Kireeva cho biết.
Các thương hiệu xe Trung Quốc, như Havel, Chery và Geely, ghi nhận thị phần tăng vọt, từ 10% lên 38% trong một năm sau khi các thương hiệu phương Tây rời đi, theo hãng nghiên cứu xe hơi Autostat (Nga). Hãng này dự báo thị phần xe Trung Quốc tại đây sẽ còn tiếp tục tăng năm nay.
Trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, các thương hiệu Trung Quốc đóng góp 40% thị phần smartphone Nga cuối năm 2021. Nhưng một năm sau đó, tỷ lệ này đã lên tới 95%, theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint.
Thay thế USD
Khi các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, Moskva cũng chọn giảm sử dụng USD để tìm đến nhân dân tệ Trung Quốc. Các công ty Nga đang ngày càng dùng nhiều nhân dân tệ trong giao thương với Trung Quốc. Các ngân hàng Nga cũng thực hiện nhiều giao dịch bằng nhân dân tệ để tránh bị trừng phạt, Kireeva cho biết.
Truyền thông Nga trích số liệu từ Sàn chứng khoán Moskva cho biết tỷ lệ nhân dân tệ trong thị trường ngoại hối Nga đã tăng từ chưa đầy 1% tháng 1 năm ngoái lên 48% trong tháng 11.
Theo số liệu của SWIFT, tháng 7 năm ngoái, Nga cũng trở thành điểm giao dịch nhân dân tệ tại nước ngoài lớn thứ ba toàn cầu, sau Hong Kong và Anh. Kể từ đó, Nga luôn duy trì trong top 6. Trước đó, họ thậm chí không nằm trong top 15.
Bộ Tài chính Nga cũng tăng gấp đôi tỷ trọng nhân dân tệ mà quỹ đầu tư quốc gia Nga có thể nắm giữ, lên 60%. Hãng thông tấn Tass (Nga) đưa tin Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói rằng họ sẽ chỉ mua nhân dân tệ trong năm 2023 để bổ sung cho quỹ đầu tư quốc gia.
"Trong tất cả ngoại tệ mà Ngân hàng Trung ương Nga dự trữ, chỉ nhân dân tệ là không bị phong tỏa. Trung Quốc vẫn được Nga coi là quốc gia thân thiện", Kireeva cho biết, "Chúng ta có lẽ sẽ tiếp tục chứng kiến quá trình phi đôla hóa trong ngoại thương Nga nói chung. Nga sẽ tăng sử dụng nội tệ trong giao dịch với các nước thân thiện hoặc trung lập với họ".
Khi tăng dự trữ nhân dân tệ, Moskva có thể dùng đồng tiền này để bình ổn ruble và thị trường tài chính. Năm ngoái, ruble Nga mất giá hơn 40% so với euro và USD. Chỉ số chứng khoán chính của nước này cũng giảm hơn một phần ba.
Tháng trước, Bộ Tài chính Nga cũng thông báo sẽ khôi phục việc can thiệp vào thị trường ngoại hối, thông qua bán nhân dân tệ và mua ruble.
Tuy nhiên, mối quan hệ này không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Tháng 9/2022, tờ Kommersant (Nga) đưa tin hãng thanh toán Trung Quốc UnionPay ngừng chấp nhận thẻ phát hành bởi các ngân hàng Nga bị phương Tây trừng phạt. "Các công ty lớn của Trung Quốc đang lo ngại về các lệnh trừng phạt và thận trọng trong việc giao dịch với các thực thể Nga bị trừng phạt hoặc với thị trường Nga nói chung", Kireeva cho biết.
Hà Thu (theo CNN)