"Các nhà khoa học Trung Quốc đã hoàn tất dự án khoan biển sâu, thu được lõi trầm tích dài 231 m từ độ sâu 2.060 m dưới Biển Đông nhờ hệ thống khoan Sea Bull II tự phát triển", hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cho biết, nhưng không thông báo vị trí mũi khoan.
Trung Quốc cho biết hệ thống Sea Bull II nặng 12 tấn, là thiết bị nghiên cứu địa chất dưới biển nặng nhất nước này, được phát triển bởi nhóm của giáo sư Wan Buyan tại Đại học Khoa học Công nghệ Hồ Nam. Sea Bull II có thể hỗ trợ hoạt động thăm dò băng cháy dưới biển của Trung Quốc.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng quanh vụ đội tàu hơn 200 chiếc của Trung Quốc neo đậu tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ hôm 7/3. Giới chức Philippines cáo buộc nhóm tàu này do lực lượng dân quân biển Trung Quốc vận hành.
Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng mới ở khu vực và phản đối động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và người đồng cấp Philippines hôm 31/3 cùng bày tỏ quan ngại về sự kiện này và cam kết "tiếp tục phối hợp chặt chẽ ứng phó với các thách thức ở Biển Đông".
Mỹ gần đây liên tục điều các tàu chiến cỡ lớn tới Biển Đông. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông hôm 4/4 và tiến hành diễn tập với không quân Malaysia hai ngày sau đó. 4 ngày sau, nhóm tác chiến đổ bộ USS Makin Island cũng tiến vào khu vực này.
Trong cuộc họp báo ngày 8/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Vũ Anh (Theo Xinhua)