Thông tin hơn 200 tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông được Philippines công bố hồi tháng trước. Ngay sau đó, ngày 22/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tìm cách bao biện rằng số tàu chỉ "đang trú tránh thời tiết xấu", kêu gọi Philippines "xem xét tình hình một cách hợp lý".
Tuy nhiên, hai tuần sau, hơn 40 tàu Trung Quốc vẫn neo đậu ở bãi đá ngầm này dù trời yên biển lặng, và những thông báo từ Bắc Kinh ngày càng ngắn gọn.
"Tôi không phải kẻ ngốc. Thời tiết gần đây vẫn tốt nên họ không có lý do nào để tiếp tục ở đó cả. Họ phải rời đi", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu hôm 3/4. Giới chức Philippines cáo buộc các tàu này thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh phủ nhận.
Giới chuyên gia nhận định động thái này nằm trong chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc, có nghĩa là sử dụng lực lượng dân quân biển tiến hành các hoạt động khiêu khích dưới ngưỡng xung đột quân sự, nhằm chiếm đoạt vùng biển đảo của nước khác mà không phải dùng tới tàu chiến, súng đạn.
"Những người đi biển chuyên nghiệp sẽ biết Trung Quốc đang nói dối", Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nhận định.
"Không ai để tàu 'trú ẩn' trong vùng bão vài tuần trước một cơn bão. Nếu đó thực sự là tàu đánh bắt thương mại, việc thả neo ở một chỗ như vậy sẽ gây tổn thất hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn USD mỗi ngày", ông nói, thêm rằng mưu đồ "chiếm đoạt biển đảo không cần tiếng súng" này của Trung Quốc là "chiến thuật bất lương".
Theo bình luận viên Andreo Calonzo và Philip Hejimans của Bloomberg, động thái này cho thấy Trung Quốc dường như đang tìm cách thăm dò xem Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa ra hành động gì, sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh, đối tác trong khu vực để kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh.
Hồi năm 2012, Trung Quốc từng tiến hành động thái tương tự tại bãi cạn Scarborough khi triển khai các tàu dân quân biển tới khu vực, dẫn đến 10 tuần đối đầu với hải quân Philippines. Cuối cùng, Manila phải rút tàu chiến khỏi Scarborough, đánh mất quyền kiểm soát bãi cạn này vào tay Bắc Kinh, kết cục mà Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đổ lỗi cho chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama không ngăn được Trung Quốc.
"Đây là một phép thử để xem chính quyền Biden sẵn sàng làm những gì. Cách Mỹ phản ứng sẽ xác định phép thử tiếp theo. Tới nay, mọi việc Washington đã làm đều mang tính nói nhiều hơn là làm", Schuster nhận xét.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Philippines Hermogenes Esperon hôm 31/3 thảo luận về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc, nhất trí rằng hai bên "sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để ứng phó các thách thức trên Biển Đông".
Sullivan khẳng định Mỹ "luôn sát cánh với đồng minh Philippines", đồng thời cáo buộc Trung Quốc "sử dụng dân quân biển để khiêu khích và đe dọa các nước khác". Trong cuộc họp báo tháng trước, Biden cũng tuyên bố chính quyền của ông "sẽ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm tuân thủ các quy tắc" trên Biển Đông và những nơi khác.
Hôm 5/4, USNI News đưa tin nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã vượt eo biển Malacca, tiến vào Biển Đông và đang ở khu vực ngoài khơi Malaysia, sau khi diễn tập cùng hải quân Ấn Độ tuần trước. Đây là lần thứ hai chiến hạm Roosevelt vào Biển Đông trong năm nay, lần đầu là hôm 23/1.
Tuy nhiên, các bình luận viên của Bloomberg chỉ ra một vấn đề lớn đối với Washington là phải xác định mức độ phản ứng phù hợp với Bắc Kinh. Bằng cách triển khai đội tàu dân quân biển mang vỏ bọc "tàu cá dân sự", Trung Quốc có thể "phủi tay" khi có rắc rối xảy ra. Trong khi đó, việc triển khai tàu sân bay hoặc các chiến hạm khác đến gần bãi đá ngầm nơi các tàu Trung Quốc neo đậu có thể khiến Mỹ bị coi là phản ứng thái quá.
Tuy nhiên, nếu không hành động, hình ảnh chính quyền Biden có thể trở nên yếu đuối trước Trung Quốc. Vài năm qua, Mỹ đã tăng cường đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông, bằng cách gia tăng tần suất các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trong khu vực.
Chính quyền Biden đã tái khẳng định sẽ ra tay tương trợ nếu Philippines bị tấn công trên Biển Đông, theo hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước. Tuy nhiên, một rắc rối lớn khác đối với Biden là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã nhiều lần khiến quan hệ đồng minh với Mỹ "sứt mẻ" khi tăng cường chỉ trích Washington, đồng thời thể hiện lập trường nghiêng về Bắc Kinh nhằm đổi lấy lợi ích kinh tế.
Rommel Ong, cựu chuẩn đô đốc Philippines, cho rằng hải quân nước này sẽ bị "trói chân trói tay" dưới thời của Duterte. "Trong bối cảnh thiếu chiến lược đối phó nhất quán, phản ứng của Philippines chỉ có thể dừng lại ở lên tiếng phản đối Trung Quốc về mặt ngoại giao và các tuyên bố trên mạng xã hội", ông nói.
Các quan chức Philippines đã lên tiếng về sự xuất hiện của số lượng lớn tàu Trung Quốc với ngôn từ được đánh giá khá mạnh mẽ, nhưng Duterte tới nay vẫn im lặng, dù phát ngôn viên Harry Roque của ông cho biết quan điểm của Tổng thống Philippines về tình hình vẫn không thay đổi.
"Quan điểm của Tổng thống là chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng đây không phải lý do để dùng đến bạo lực. Ông ấy tin rằng với quan hệ gần gũi giữa chúng tôi và Trung Quốc, chúng tôi có thể giải quyết vấn đề này", Roque nói.
Giới quan sát nhận định nhu cầu bảo đảm nguồn cung vaccine Covid-19 có thể là yếu tố ngăn Duterte đưa ra lập trường cứng rắn hơn, trong bối cảnh khu vực thủ đô Manila một lần nữa bị phong tỏa giữa đợt bùng phát tồi tệ nhất của đại dịch ở Philippines. Hầu hết nguồn vaccine hiện nay của Philippines là từ hãng công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc.
Shahriman Lockman, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia, đánh giá Mỹ lần này sẽ "không quá ngây thơ" sau sai lầm hồi năm 2012 tại bãi cạn Scarborough, vốn "gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của Washington ở Đông Nam Á".
"Người Mỹ đang tham gia vào sự việc một cách thận trọng. Họ chưa rõ liệu sau này có bị đổ lỗi vì khiến tình hình leo thang hay không. Khả năng đó thực sự có thể xảy ra với giới lãnh đạo thất thường ở Manila", Lockman nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg)