"Trung Quốc kiên quyết phản đối động thái này và bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp cần thiết để ứng phó với những tình huống tương tự", ông Đàm Khắc Phi, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 5/2 tuyên bố, đề cập đến việc Mỹ sử dụng tiêm kích F-22 phóng tên lửa bắn hạ khí cầu của nước này.
Loạt quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ "hành động thái quá", tuyên bố "bảo lưu quyền đưa ra các phản ứng cần thiết hơn nữa", nhưng cũng không nói rõ các biện pháp ứng phó là gì.
Giới quan sát cho rằng điều này phản ánh thế khó của Trung Quốc sau vụ Mỹ bắn hạ khí cầu, khi Bắc Kinh muốn ổn định quan hệ với Washington, nhưng cũng không muốn nhượng bộ trong các vấn đề nhạy cảm.
Những tranh cãi liên quan đến "khí cầu do thám" trong tuần qua đã khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng. Nhưng các bình luận viên Ryan Woo và Greg Torode của Reuters nhận định bất cứ động thái nào tiếp theo của Trung Quốc đều sẽ được điều chỉnh để tránh làm tồi tệ thêm mối quan hệ mà cả hai bên đều đang tìm cách cải thiện.
Sau nhiều năm quan hệ Mỹ - Trung nhiều sóng gió dưới thời Donald Trump, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn xây dựng một "rào chắn" để ngăn căng thẳng leo thang dẫn đến xung đột, còn Chủ tịch Tập Cận Bình đang tập trung cho nỗ lực phục hồi kinh tế sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, những gì diễn ra trên vùng biển, vùng trời khu vực Đông Á trong thời gian tới sẽ là chỉ dấu cho thấy căng thẳng song phương sẽ đi tới đâu, bởi cả Trung Quốc cũng như Mỹ và các đồng minh đều đang tăng cường triển khai tàu chiến, máy bay đến khu vực này.
Zhao Tong, chuyên gia của Đại học Princeton ở bang New Jersey của Mỹ, nhận định sau sự cố này, Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục con đường tái xây dựng quan hệ song phương. "Hai bên vẫn có lợi ích chung trong ổn định và quản lý có trách nhiệm mối quan hệ", ông Zhao nhận định.
Chuyên gia Collin Koh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore dự đoán Trung Quốc có thể vẫn phản ứng mạnh mẽ với các đợt tuần tra do thám trong tương lai của quân đội Mỹ, song sẽ tránh đối đầu.
Quân đội Trung Quốc trước đây đã liên tục theo dõi những cuộc tuần tra trên biển, trên không của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là những hoạt động gần eo biển Đài Loan hoặc trên Biển Đông.
"Trung Quốc sẽ hành động kiềm chế với các khí tài do thám có người lái của Mỹ, nhưng sau vụ bắn hạ khí cầu, phản ứng của họ với các thiết bị không người lái sẽ trở nên khó lường hơn, nhất là khi Trung Quốc tin rằng họ có thể ngăn chặn hậu quả vượt tầm kiểm soát", ông Koh cho biết.
Ông Koh chỉ ra rằng Trung Quốc từng thu được một tàu lặn không người lái do tàu nghiên cứu hải dương học của Mỹ triển khai ngoài khơi Philippines vào tháng 12/2016. Hải quân Trung Quốc sau đó trao trả tàu lặn cho hải quân Mỹ.
Dù vậy, Christopher Twomey, chuyên gia an ninh tại Trường nghiên cứu Sau đại học Hải quân Mỹ ở bang California, nhận định mọi phản ứng của Trung Quốc sẽ rất hạn chế.
"Tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ đáp trả một cách vừa phải, với hy vọng sự việc sẽ nhanh chóng lắng dịu để hai bên có thể xúc tiến các chuyến thăm cấp cao trong vài tháng tới", ông Twomey nói.
Zhu Feng, lãnh đạo Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh, nói rằng các quan chức Mỹ nên dừng "thổi phồng" sự kiện để đảm bảo bình thường hóa liên lạc giữa hai nước.
Ông Zhu hy vọng "hai chính phủ có thể sang trang mới càng sớm càng tốt để quan hệ Mỹ - Trung có thể quay lại kênh liên lạc và đối thoại chính thức".
Một số chuyên gia cho biết họ đang theo dõi phản ứng trên truyền thông nhà nước và mạng xã hội Trung Quốc để tìm dấu hiệu về phản ứng cứng rắn hơn của nước này. Tuy nhiên, họ đã không phát hiện làn sóng giận dữ mang tính dân tộc chủ nghĩa nào.
Hầu hết người dùng mạng xã hội Trung Quốc trong những ngày qua chỉ đặt câu hỏi chuyện gì đã xảy ra với khí cầu của họ. Một người còn đùa rằng "Trung Quốc giờ đây đã có thể loại biên các vệ tinh của mình rồi".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)