Cả chính quyền trung ương và đặc khu sẽ cùng thành lập các cơ quan mới ở Hong Kong nhằm giám sát việc thực thi luật an ninh, theo thông tin về dự thảo luật được Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc công bố trên Xinhua hôm nay. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh hé lộ các điều khoản chính thức của dự luật an ninh Hong Kong sắp được thông qua.
Dự luật có 66 điều và 6 chương, gồm các nguyên tắc chung, nghĩa vụ và tổ chức của Hong Kong trong đảm bảo an ninh quốc gia, các hành vi phạm tội và mức phạt, quyền tư pháp với các vụ án an ninh quốc gia, áp dụng luật và các quy trình, các tổ chức của chính quyền trung ương ở Hong Kong để bảo vệ an ninh quốc gia, và các điều khoản bổ sung.
Theo dự luật, cơ quan được Trung Quốc đại lục thành lập có tên là Văn phòng Ủy viên An ninh Quốc gia Trung Quốc đại lục tại Đặc khu Hành chính Hong Kong, chịu trách nhiệm phân tích tình hình an ninh quốc gia ở Hong Kong và đưa ra khuyến nghị về các chiến lược và chính sách quan trọng.
Văn phòng này sẽ "theo dõi, giám sát, hợp tác và hỗ trợ" chính quyền đặc khu trong bảo vệ an ninh quốc gia, thu thập và phân tích thông tin tình báo liên quan đến an ninh quốc gia và xử lý các vụ án liên quan theo luật an ninh.
Cơ quan này và các "cơ quan nhà nước có liên quan" của đại lục cũng sẽ thực thi quyền tư pháp với một số vụ đe dọa an ninh quốc gia.
Trong khi đó, chính quyền Hong Kong sẽ thành lập một "ủy ban bảo vệ an ninh quốc gia" do trưởng đặc khu đứng đầu, với ít nhất 10 ủy viên, trong đó có cảnh sát trưởng và quan chức đứng đầu ngành hải quan.
Ủy ban an ninh này sẽ có một ủy viên là cố vấn chính quyền trung ương, trong khi trưởng đặc khu Hong Kong có quyền chỉ định các thẩm phán từ bộ máy tư pháp hiện nay để chủ trì các phiên tòa.
Dự thảo luật cũng yêu cầu chính quyền Hong Kong hoàn thiện điều luật an ninh đặc khu càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, quyền diễn giải điều luật này sẽ thuộc về Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc và Bắc Kinh bảo lưu quyền phủ quyết trong "một số vụ hiếm hoi nhất định".
Luật an ninh do Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc thông qua một khi được thi hành sẽ có hiệu lực cao hơn bất cứ điều luật nào của Hong Kong mâu thuẫn với nó.
Thông tin được Xinhua công bố vài giờ sau khi Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc kết thúc phiên họp ba ngày về các dự thảo luật mới, trong đó có luật an ninh Hong Kong. Tuy nhiên, toàn văn dự thảo luật an ninh chưa được công bố.
Theo kế hoạch của Bắc Kinh, luật an ninh do Ủy ban Thường vụ quốc hội xây dựng sẽ cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài hoặc bên ngoài để đe dọa an ninh quốc gia. Chính quyền Hong Kong phải thành lập các cơ quan mới để bảo vệ an ninh quốc gia và cho phép các cơ quan an ninh đại lục hoạt động ở thành phố "khi cần thiết".
Các biện pháp trừng phạt trong luật an ninh Hong Kong vẫn được giữ kín, sau khi quốc hội Trung Quốc phê chuẩn nghị quyết xây dựng luật hôm 28/5. Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc hôm 18/6 bắt đầu thảo luận về dự luật, sau khi thông báo một số điều khoản bổ sung.
Hiện chưa rõ luật an ninh Hong Kong sẽ có hiệu lực từ khi nào, nhưng Ip Kwok-him, đại biểu Hong Kong tại quốc hội Trung Quốc, cho rằng một phiên họp đặc biệt sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 để thảo luận thêm và thông qua đạo luật.
Đạo luật sẽ định hình tương lai của Hong Kong, làm dấy lên câu hỏi về quyền tự chủ của đặc khu hành chính cũng như vị thế toàn cầu tương lai của nó.
Luật an ninh Hong Kong làm bùng phát nhiều cuộc biểu tình phản đối và khiến Mỹ tuyên bố tước tình trạng thương mại đặc biệt của đặc khu, vốn giúp nơi này trở thành trung tâm tài chính quan trọng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây.
Các chính trị gia đối lập ở Hong Kong cho rằng luật an ninh do Bắc Kinh đề xuất đặt dấu chấm hết cho nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" mà đặc khu được hưởng từ năm 1997. Trước khi Hong Kong được Anh trao trả, Trung Quốc đồng ý đảm bảo cấu trúc chính trị và nền kinh tế của thành phố trong ít nhất 50 năm.
Bắc Kinh quyết tâm áp luật an ninh Hong Kong, bất chấp các ngoại trưởng G7 hôm 17/6 cảnh báo đạo luật "sẽ gây nguy hiểm tới hệ thống cho phép Hong Kong phát triển và thành công trong nhiều năm tới".
"Trung Quốc kiên quyết thúc đẩy luật an ninh quốc gia tại Hong Kong", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo hôm 18/6, đồng thời yêu cầu chính phủ các nước "ngừng can thiệp vào vấn đề Hong Kong và vấn đề nội bộ của Trung Quốc".
Nhiều người lo ngại việc áp dụng luật an ninh Hong Kong có thể làm tình hình xấu đi trong bối cảnh đặc khu phải đối phó với suy thoái kinh tế lớn nhất vì biểu tình và lệnh phong tỏa ngăn đại dịch, khiến nhiều người phải ở nhà, còn ngành du lịch của thành phố gần như tê liệt.
Tình trạng thất nghiệp tại Hong Kong lên mức cao nhất trong 15 năm qua, các nhà đầu tư đang chuyển tiền ra khỏi Hong Kong, trong khi người nước ngoài và dân địa phương đang xem xét rời đặc khu.
Tuy nhiên, Trưởng đặc khu Carrie Lam tán thành luật an ninh Hong Kong dù chưa biết nội dung cụ thể của nó. Theo một cuộc khảo sát của Chương trình Ý kiến Công chúng Hong Kong ngày 29/5, phần lớn người được hỏi phản đối dự luật an ninh này.
Các chi tiết trong dự thảo luật an ninh Hong Kong mới được công bố khiến một số chính trị gia tại đặc khu lo ngại và hoài nghi. "Đáng lo ngại nhất là dự luật thiếu chi tiết và rất mơ hồ khi đề cập đến các hành động phạm tội cụ thể", chính trị gia thuộc phe dân chủ Alvin Yeung nói.
"Về cơ bản, trưởng đặc khu sẽ được trao quyền chọn thẩm phán xét xử các vụ án về an ninh quốc gia, song chi tiết về cách thức lựa chọn này thế nào", Yeung đặt câu hỏi.
Steven Leung, giám đốc kinh doanh của công ty tài chính UOB-Kay Hian tại Hong Kong, cho rằng các chi tiết vừa được công bố của dự luật "không gây ngạc nhiên lớn" cho giới kinh doanh ở đặc khu.
"Chúng tôi chưa thấy dòng vốn khổng lồ chảy ra ngoài. Hong Kong sẽ vẫn là một trung tâm tài chính toàn cầu và điều này sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. Điều tốt là sự mơ hồ về dự luật giờ đây đã biến mất", Leung nói.
Nguyễn Tiến (Theo Bloomberg)