Trong một loạt tweet cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đám đông biểu tình vì George Floyd, người da màu bị cảnh sát ghì chết ở thành phố Minneapolis, là "những kẻ côn đồ", cáo buộc "các nhóm có tổ chức" đứng sau tình trạng bạo lực, đổ lỗi cho truyền thông kích động bất ổn.
Ông còn quyết định huy động hàng nghìn Vệ binh Quốc gia đảm bảo an ninh ở thủ đô Washington, đồng thời đe dọa sẽ kích hoạt Đạo luật Chống Nổi loạn, triển khai quân đội tới các bang để trấn áp các hành vi biểu tình bạo lực.
Năm ngoái, Hong Kong cũng trải qua nhiều tháng biểu tình, ban đầu vì dự luật dẫn độ, sau đó người biểu tình đòi thêm các yêu sách khác, bao gồm tăng quyền dân chủ, điều tra việc cảnh sát dùng vũ lực, nhưng không được chính quyền đặc khu chấp thuận.
Thay vào đó, chính quyền Hong Kong tập trung lên án những hành vi bạo lực cá nhân và phá hoại tài sản. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ khi đó cho rằng các vụ bạo lực hoặc vi phạm pháp luật lẻ tẻ không làm suy yếu những yêu cầu cốt lõi, hoặc tính hợp pháp của phong trào biểu tình Hong Kong.
Tình hình Hong Kong căng thẳng trở lại sau khi Bắc Kinh công bố về luật an ninh mới, trong đó cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố, can thiệp nước ngoài tại đặc khu, đồng thời cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở ở Hong Kong. Washington chỉ trích dữ dội dự luật này và tuyên bố tước trạng thái đặc biệt của Hong Kong, bởi cho rằng thành phố không còn đủ mức độ tự trị.
Sự trái ngược trong cách Mỹ phản ứng với hai làn sóng biểu tình ngay lập tức bị truyền thông nhà nước và giới chức Trung Quốc mỉa mai. Họ tận dụng thời cơ để cáo buộc Washington "đạo đức giả", bác bỏ những chỉ trích của nước này khi nói về tình hình Hong Kong.
Hôm 30/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng dòng tweet "Tôi không thể thở", một trong những lời cuối trước khi chết của George Floyd và cũng là khẩu hiệu cuộc biểu tình ở Mỹ, kèm theo bài đăng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Hong Kong của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus.
Bà Hoa, người mới mở tài khoản Twitter để truyền đi các thông điệp, còn chia sẻ một bài đăng của kênh truyền hình Nga RT cáo buộc Mỹ đạo đức giả, thể hiện qua cách phản ứng với các cuộc biểu tình.
Triệu Lập Kiên, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng chia sẻ những dòng tweet tương tự, bao gồm bài viết của Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Global Times thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Hồ Tích Tiến mỉa mai rằng "cảnh tượng đẹp" theo định nghĩa của các chính trị gia Mỹ "cuối cùng cũng mở rộng từ Hong Kong sang Mỹ". "Giờ đây họ có thể chứng kiến nó ngay từ cửa sổ nhà mình. Tôi muốn hỏi Chủ tịch Hạ viện Pelosi và Ngoại trưởng Pompeo rằng liệu Bắc Kinh có nên ủng hộ biểu tình ở Mỹ, như cách họ tôn vinh những kẻ bạo loạn ở Hong Kong hay không?", ông viết.
Theo bình luận viên James Griffiths của CNN, Washington không còn xa lạ gì với những cáo buộc "đạo đức giả", đặc biệt liên quan đến việc ủng hộ những phong trào dân chủ ở nước ngoài, trong khi chính họ chưa giải quyết được các vấn đề về dân quyền trong nước, như phân biệt chủng tộc và cảnh sát lạm quyền.
Lưỡng đảng Mỹ đều ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong, nổi bật là một số chính trị gia đảng Cộng hòa, như thượng nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio, cũng như quan chức chính phủ như Ngoại trưởng Mike Pompeo. Đám đông biểu tình Hong Kong vui vẻ đón nhận sự ủng hộ này, nhiều người thậm chí vẫy cờ Mỹ và kêu gọi Trump đích thân can thiệp.
Nhà hoạt động Patrick Mahoney, người sáng lập Liên minh Quốc phòng Cơ đốc giáo ở Mỹ, cho rằng người biểu tình Hong Kong có thể cùng chung một số lý tưởng với Mỹ, nhưng họ không vẫy cờ để ủng hộ Washington, mà bởi họ muốn lôi kéo sự ủng hộ của Mỹ.
Tháng trước, nhà hoạt động Promise Li tại Hong Kong cho biết "hầu hết người biểu tình ở đặc khu chỉ coi Mỹ và Trump là một chiến thuật. Cá nhân họ sẽ không bao giờ đi theo những tư tưởng cánh hữu, nhưng không còn lựa chọn nào khác".
Do vậy, nhiều người biểu tình ở Hong Kong giờ đây rơi vào tình huống trớ trêu. Họ có thể cảm thấy đồng cảm với những người đang xuống đường đòi bình đẳng sắc tộc ở Mỹ, nhưng việc thể hiện sự ủng hộ có nguy cơ khiến họ đánh mất các đồng minh tại Washington, những người hầu hết đều phản đối làn sóng biểu tình vì George Floyd.
Thượng nghị sĩ Cruz, người năm ngoái tới Hong Kong để bày tỏ sự ủng hộ với phong trào biểu tình, gần đây lại kêu gọi liệt Antifa - thuật ngữ được dùng để chỉ những người biểu tình cánh tả lẫn các nhà hoạt động chống chính phủ - là một "nhóm thù ghét". Thượng nghị sĩ Rubio cũng cho rằng "những kẻ khủng bố Antifa" đứng sau tình trạng bất ổn ở các thành phố Mỹ, giống như ngôn ngữ mà truyền thông nhà nước Trung Quốc từng dùng để mô tả phong trào biểu tình Hong Kong.
Bình luận viên Griffiths nhận định Trung Quốc không chỉ muốn chứng kiến nước Mỹ "nhục nhã" trước những gì đang xảy ra trên lãnh thổ của mình, mà còn mong nhận được mức độ đồng cảm nhất định về quan điểm cứng rắn với Hong Kong.
Trên thực tế, ông Hồ Tích Tiến đã tận dụng tình trạng bất ổn của Mỹ để kêu gọi đoàn kết giữa các chính phủ về cách ứng phó với những cuộc biểu tình đang lan rộng. Trong một video bằng tiếng Anh hôm 31/5, ông Hồ chỉ ra rằng một số người tại Trung Quốc đã cổ vũ biểu tình ở Mỹ, "bởi chính phủ và quốc hội Mỹ cũng ủng hộ bạo loạn ở Hong Kong".
"Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc không thể hiện bất cứ sự ủng hộ nào với các vụ bạo loạn ở Mỹ. Tôi hy vọng người Mỹ chú ý tới sự kiềm chế của Bắc Kinh. Chúng tôi không cố gắng đạp vào nước Mỹ trong lúc nó đang sụp đổ", ông cho hay.
"Đương nhiên có nhiều lý do dẫn đến bạo loạn, nhưng điểm chung là chúng đều vượt quá giới hạn, bất chấp luật pháp, lật đổ trật tự và phá hoại. Hành vi đốt đồn cảnh sát, chặn đường, đập phá các cửa hàng, hủy hoại những cơ sở công cộng tại Minneapolis và nhiều nơi khác chính là tình trạng bạo lực đã diễn ra trong các cuộc biểu tình ở Hong Kong", ông nói thêm.
Griffiths đánh giá khả năng ảnh hưởng của Washington tới lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Hong Kong vốn bị hạn chế nghiêm trọng. Tuy nhiên, phản ứng của chính quyền Trump với làn sóng biểu tình trong nước có thể càng làm tổn hại tiếng nói của họ hơn nữa.
Ánh Ngọc (Theo CNN)