Khi nhiều nước trên thế giới vẫn quay cuồng vì Covid-19, chính quyền Trung Quốc không chỉ tìm cách vực dậy đất nước sau đại dịch, mà còn nhắm tới nhiều vấn đề khác như răn đe Đài Loan, tìm cách kiểm soát Hong Kong, củng cố yêu sách phi pháp ở Biển Đông, tranh chấp biên giới với Ấn Độ và đối đầu với Mỹ.
Theo bình luận viên James Griffiths của CNN, Trung Quốc có lẽ cho rằng vị thế toàn cầu của họ đang chịu tác động nặng nề vì Covid-19, khi nhiều bên cáo buộc họ ban đầu xử lý sai khiến đại dịch trở nên nghiêm trọng. Do vậy, lúc đất nước dần khôi phục trạng thái bình thường, Bắc Kinh dường như tranh thủ sự gián đoạn của thế giới để "lật ngược thế cờ", hướng tới mục tiêu trở thành siêu cường toàn cầu.
Đối với những cáo buộc liên quan đến Covid-19, bất chấp nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy giới chức Trung Quốc che giấu dịch, Bắc Kinh vẫn một mực khẳng định họ đã cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế một cách "kịp thời, cởi mở và minh bạch". Chủ tịch Tập Cận Bình còn cho rằng những nỗ lực từ sớm của Bắc Kinh đã giúp Washington và các nước khác có thêm thời gian chuẩn bị cho đại dịch.
Glen Johnson, cựu phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách truyền thông chiến lược, đánh giá Tổng thống Donald Trump đã mắc những sai lầm rõ rệt, nhưng cũng không thể chối bỏ cái giá quá đắt mà toàn cầu phải gánh chịu do sự chậm trễ từ Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định nếu Trung Quốc cảnh báo sớm và đầy đủ hơn, hậu quả của đại dịch có thể nhẹ đi rất nhiều.
Về vấn đề Hong Kong, các lãnh đạo Trung Quốc đã tận dụng kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội, hồi cuối tháng trước để thúc đẩy luật an ninh mới với đặc khu. Nghị quyết xây dựng luật này đã được thông qua, trong đó cấm những hành vi ly khai, khủng bố và can thiệp từ nước ngoài tại Hong Kong, đồng thời có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở trong thành phố.
Giới phê bình lo ngại luật an ninh có thể vi phạm mô hình "một quốc gia, hai chế độ", phương pháp quản lý Hong Kong mà Trung Quốc từng cam kết sẽ duy trì tới năm 2047 sau khi Anh trao trả đặc khu cho họ. Johnson nhận định đây là một tình huống trớ trêu, khi Bắc Kinh thậm chí siết chặt kiểm soát Hong Kong hơn sau phong trào biểu tình chống chính phủ vì một dự luật dẫn độ tại đặc khu năm ngoái.
"Mẫu số chung giữa Covid-19 và luật an ninh Hong Kong chính là ý chí kiểm soát mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đội ngũ của ông muốn áp đặt nhằm duy trì sự lãnh đạo", Johnson nhận định.
Johnson cho rằng Trung Quốc hiện nay muốn kiểm soát tình hình bằng mọi giá, bất chấp những ý kiến bên ngoài hoặc hậu quả của hành động. Ông nói thêm rằng việc hiểu được thực tế này rất quan trọng với người dân và chính phủ Mỹ khi cân nhắc những quyết định kinh tế - chính trị liên quan đến Trung Quốc trong tương lai.
Chính quyền Trump đã đưa ra một số quyết định như cắt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi cáo buộc cơ quan này thiên vị Trung Quốc, dọa trừng phạt kinh tế Bắc Kinh vì che giấu mức độ nghiêm trọng của Covid-19, khởi động quá trình tước trạng thái thương mại đặc biệt của Hong Kong.
Johnson chỉ ra rằng Washington cũng phải quyết định sẽ làm gì nếu Bắc Kinh tăng cường kiểm soát Đài Loan, hòn đảo mà họ coi là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, nhưng được Washington ủng hộ quyền tự quyết và phê chuẩn các hợp đồng bán vũ khí.
Chính phủ cùng giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang đánh giá lại các dây chuyền sản xuất và cung ứng sau khi Covid-19 khiến nhiều nhà máy quan trọng của họ tại Trung Quốc phải đóng cửa. Bắc Kinh sau đó đã giành quyền kiểm soát những mặt hàng xuất khẩu thiết yếu như đồ bảo hộ cá nhân mà cả thế giới đang cần. Tuy nhiên, Johnson cảnh báo bất cứ nỗ lực nào nhằm đưa các dây chuyền sản xuất về lãnh thổ Mỹ cũng chắc chắn vấp phải sự đáp trả của ông Tập.
"Sau những động thái của giới lãnh đạo Trung Quốc tại Vũ Hán, Hong Kong, hoặc kỳ họp quốc hội thường niên, người Mỹ phải hiểu rằng Bắc Kinh sẽ đấu đến cùng bất cứ khi nào quyền lực bị thách thức. Với các vấn đề nội bộ thì đây là điều không nằm ngoài dự đoán, nhưng nếu họ áp dụng cách hành xử tương tự ở bên ngoài, thế giới có nguy cơ gánh hậu quả nghiêm trọng", Johnson nhận định.
4 năm làm cố vấn cấp cao cho cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry giúp Johnson được trải nghiệm phong cách lãnh đạo cứng rắn của ông Tập. Bắc Kinh là một trong những bên chủ chốt giúp đạt được hai thỏa thuận toàn cầu mang tính bước ngoặt là hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, bất kể địa điểm và mục đích, cách làm việc của phái đoàn Trung Quốc luôn nhất quán.
"Các đối tác người Trung Quốc của chúng tôi đề nghị tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình hoặc chương trình nghị sự, trừ khi họ cần sự điều chỉnh nhất định. Họ cố gắng thực hiện vô vàn phương án để kiểm soát cách truyền thông đưa tin về họ, như giới hạn số lượng câu hỏi dành cho các lãnh đạo hoặc không tổ chức họp báo", Johnson cho hay.
Ông còn chỉ ra rằng ngay cả khi phải đối mặt với bằng chứng về hành vi sai trái, như những bức ảnh chứng minh họ cải tạo phi pháp các bãi đá trên Biển Đông thành căn cứ quân sự, Trung Quốc vẫn một mực phủ nhận. Khi không chối cãi được thêm, Bắc Kinh cố gắng biện hộ bằng cách viện dẫn một số tiền lệ của Mỹ hoặc trên thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng gọi việc thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong là "quyết định tai hại". Trump cũng tuyên bố Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ xem xét những hạn chế trong tương lai đối với các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường Mỹ.
Nhưng trước cả khi giới chức Mỹ lên tiếng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định Bắc Kinh sẽ làm những việc cần thiết để duy trì quyền lực.
"Nếu ai đó có ý định làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiến hành tất cả biện pháp cần thiết để đáp trả", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo Boston Globe, CNN)