"Tôi kêu gọi những người phản đối, những người vẫn sử dụng các chiến thuật thông thường để 'quỷ hóa' và bôi nhọ luật an ninh, hãy dừng lại, bởi làm vậy là họ đang biến mình thành kẻ thù của người dân Hong Kong", bà Lam nói tại một cuộc họp của chính quyền Hong Kong hôm nay, đề cập tới dự luật an ninh sắp được Trung Quốc đại lục áp với đặc khu.
Trưởng đặc khu Hong Kong cho rằng phần lớn người dân ở thành phố "muốn khôi phục sự ổn định, an toàn, sự hài lòng và công ăn việc làm".
Quốc hội Trung Quốc tháng trước thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong, có tên "Nghị quyết Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) về Thiết lập, Cải thiện Hệ thống Pháp luật và Cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hong Kong để Bảo đảm An ninh".
Luật an ninh mới sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Luật cũng có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở trong thành phố.
Đề xuất này làm dấy lên mối lo ngại về số phận chính sách "một quốc gia, hai chế độ", cam kết cho Hong Kong mức độ tự trị cao khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Một số cuộc biểu tình đã xảy ra trên đường phố Hong Kong để phản đối dự luật.
Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định luật an ninh trên thực tế củng cố nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam trước đó bác bỏ những chỉ trích cho rằng dự luật sẽ gây hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế của thành phố và trấn an người dân rằng luật không vi phạm quyền và tự do của họ, mà chỉ nhằm vào nhóm thiểu số cực đoan.
Cũng tại cuộc họp hôm nay, bà Lam cho biết chính quyền thành phố đang xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách nhằm ngăn Covid-19 lây lan, song có thể không dỡ bỏ hoàn toàn. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, đặc khu này gần như đóng cửa và cấm tụ tập quá 8 người, dù cuộc sống đang dần trở lại bình thường.
Mai Lâm (Theo Reuters)