Theo báo cáo của hãng luật Katten Muchin Rosenman và công ty tư vấn chuyên lĩnh vực bán dẫn JW Insights, từ tháng 1 tới tháng 5 vừa qua, 164 công ty Trung Quốc trong lĩnh vực chip đã nhận được 40 tỷ nhân dân tệ (6,2 tỷ USD), từ nguồn vốn của chính phủ và tư nhân. Con số này tương đương nửa đầu năm 2020.
Bất chấp bị cấm, nhiều dự án vi mạch tích hợp (IC) mới đang mọc lên như nấm tại Trung Quốc và được khuyến khích bởi cả nhà nước lẫn các tổ chức tư nhân. Chẳng hạn, chỉ trong ngày 28/6 vừa qua, thành phố Quảng Châu đã "bật đèn xanh" cho 7 dự án liên quan đến vi mạch, trong đó có nhà máy đóng gói chip cỡ lớn của Shennan Circuits Company.
Việc Trung Quốc chi mạnh tay cho các dự án liên quan đến chip, bất chấp nguy cơ lãng phí và thất bại, thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc tăng cường khả năng tự chủ của quốc gia trong lĩnh vực bán dẫn để cạnh tranh với Mỹ. Chính phủ Trung Quốc đã tạo ra các chính sách thuận lợi, bao gồm cắt giảm thuế và trợ cấp, để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.
Mỹ cũng đang thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực bán dẫn. Đầu tuần này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã thúc giục các nhà lập pháp phân bổ 52 tỷ USD cho ngành bán dẫn. Đây là số tiền nằm trong một phần của Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới sâu rộng được Thượng viện Mỹ thông qua vào đầu tháng 6.
Theo Reuters, Raimondo cũng kêu gọi việc tài trợ cho lĩnh vực bán dẫn phải được hoàn tất trước khi Quốc hội Mỹ tiến hành phiên họp mới vào tháng 8 do tình trạng thiếu chip tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. 52 tỷ USD là sáng kiến do Mỹ đưa ra tập trung vào lĩnh vực bán dẫn, trong đó chủ yếu tăng cường năng lực sản xuất chip của Mỹ trong bối cảnh Washington tìm cách giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, điều mà nước này coi là "sự phụ thuộc nguy hiểm".
Bảo Lâm (theo SCMP)