Các nhà sản xuất Trung Quốc đã lắp đặt hơn 5.000 hệ thống mạng 5G riêng tư và sẽ bổ sung hàng chục nghìn mạng trong năm nay, mở đường cho những ứng dụng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trung Quốc đang sở hữu 70% trạm thu phát sóng 5G toàn cầu và 80% người dùng 5G trên smartphone.
Tình trạng khan hiếm chip toàn cầu và lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào doanh nghiệp viễn thông đã làm chậm tốc độ triển khai 5G của Trung Quốc, nhưng cơ sở hạ tầng 5G đã phủ sóng toàn bộ những thành phố lớn của nước này.
Trung Quốc có thể lắp đặt thêm 500.000 đến 800.000 trạm thu phát 5G, bổ sung vào mạng lưới gần 800.000 trạm tính đến cuối tháng 2. Ảnh hưởng của 5G đến hoạt động sản xuất và doanh thu sẽ phụ thuộc vào các ứng dụng trên nền công nghệ này, thay vì tốc độ và độ phủ sóng.
"Thật vô nghĩa khi phương Tây đổ hàng tỷ USD vào giải pháp thay thế công nghệ 5G Trung Quốc. Điều đó đã quá muộn và lại tập trung vào sai lĩnh vực. Tìm cách sáng tạo ra hệ sinh thái mới sẽ không có tác dụng. Tôi nghĩ Mỹ đáng ra phải thay đổi ngành công nghiệp và tăng sức cạnh tranh, dựa trên thế mạnh về phân tích số liệu với những tập đoàn như Google, Microsoft và Amazon. Đó là điều họ nên làm", một lãnh đạo công nghệ Trung Quốc nhận xét.
Tốc độ xây dựng mạng 5G sẽ phụ thuộc khả năng của Trung Quốc trong chế tạo chip bán dẫn theo quy trình 28 nm hoặc nhỏ hơn. Phần lớn giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đã làm chủ quy trình này và có thể tự sản xuất phần lớn thiết bị trước năm 2022.
Truyền thông thế giới thường tập trung vào những dòng chip mới nhất sử dụng quy trình 7 nm hoặc nhỏ hơn, vốn là bộ não của smartphone cao cấp và nhiều thiết bị hiệu suất cao. Tuy nhiên, chủ lực của những ứng dụng bán dẫn hiện nay vẫn là chip thế hệ trước với quy trình 14 - 28 nm và sẽ chiếm phần lớn trong nhu cầu chip 5 năm tới, đặc biệt là với kết nối không dây.
Trung Quốc đang tập trung vào năng lực chế tạo và sở hữu thiết bị sản xuất chip trên quy trình 28 nm, nhằm mục tiêu tự chủ trong ngành bán dẫn. Công ty Shanghai Microelectronic Equipment dự kiến bàn giao máy quét quang khắc đầu tiên dùng công nghệ tia cực tím sâu (DUV) vào cuối năm nay.
Chính phủ Mỹ đã hối thúc Hà Lan ngăn công ty ASML bán cho Trung Quốc máy quang khắc dùng công nghệ siêu cực tím (EUV) cho tiến trình 7 nm hoặc nhỏ hơn. Hiện chỉ có các nhà sản xuất tại đảo Đài Loan và Hàn Quốc có thể chế tạo chip theo quy trình nhỏ hơn 7 nm. Dù vậy, Trung Quốc đã mua khá nhiều máy DUV của Hà Lan và đang sẵn sàng triển khai sản phẩm nội địa.
Các nhà mạng Mỹ đã triển khai dịch vụ 5G, nhưng tốc độ mạng không khác biệt nhiều so với thế hệ 4G LTE trước đó, khoảng 60 Mb/s. Trong khi đó, tốc độ mạng trung bình tại Trung Quốc cao gấp 5 lần - 300 Mb/s.
Mạng 5G riêng tư cũng hỗ trợ robot công nghiệp và dịch vụ hậu cần thông minh, bao gồm tự động hóa ở các cảng biển lớn. Cảng Thượng Hải đang ứng dụng công nghệ 5G để hỗ trợ tự động hóa, cho phép xử lý 44 triệu container hàng trong năm ngoái, so với 8 triệu container ở cảng lớn nhất của Mỹ tại Long Beach.
Trung Quốc khai trương cảng biển đầu tiên tự động hóa hoàn toàn nhờ công nghệ 5G ở thành phố Hạ Môn hồi năm ngoái, trong đó cần cẩu tự động bốc xếp container lên những xe tải tự lái. Cảng biển ở Thượng Hải cũng bắt đầu tự động hóa toàn diện 24/24 từ tháng 8/2020. Cuối năm 2020, Tập đoàn Năng lượng Sơn Đông cũng khởi đầu quá trình tự động hóa tại một mỏ than nhờ mạng 5G.
Nhà kho, phương tiện tự động hóa và thiết bị không người lái hứa hẹn sẽ thay đổi toàn diện thương mại điện tử. Các công ty như Alibaba và JD Logistics có thể chuyển hàng ngay trong ngày từ những nhà kho được kiểm soát bằng máy tính, trong đó hàng hóa được xử lý và chuyển đi bởi robot và xe tự lái.
JD Logistics mở bán công khai tại Hong Kong hồi tuần trước với giá trị 3,2 tỷ USD. Họ vẫn phụ thuộc vào hơn 200.000 nhân công, nhưng cơ sở hạ tầng quản lý nhà kho của công ty này khiến hệ thống của Amazon trở nên quá sơ khai.
Ngược lại, các công ty phương Tây vẫn đang đánh giá có nên triển khai mạng 5G nội bộ để hỗ trợ tự động hóa nhà xưởng hay không, theo báo cáo năm 2020 của Viện Nghiên cứu Capgemini. Một số tập đoàn của Đức như Audi và BASF đang thử nghiệm mạng nội bộ.
Ericsson lắp đặt mạng nội bộ cho hãng sản xuất máy bay Airbus hồi tháng 5, nhưng nó chỉ sử dụng công nghệ 4G cho đến khi mạng 5G bắt đầu hoạt động từ năm sau. Tại Thung lũng Silicon, Hitachi và Ericsson cũng đã xây dựng mạng 5G thử nghiệm.
Phần lớn đầu tư vào mạng 5G doanh nghiệp ở phương Tây hiện chỉ mang tính thử nghiệm, trong khi các công xưởng và doanh nghiệp Trung Quốc đã vận hành 5G đầy đủ.
Sự khác biệt chủ chốt giữa mạng 5G và công nghệ cũ hơn không phải tốc độ đường truyền, mà là băng thông và độ trễ. Các hoạt động công nghiệp đòi hỏi độ trễ gần như bằng 0 giữa các máy bay trong mạng, mạng 5G có độ trễ chỉ bằng 1/10 thế hệ cũ và mở ra nhiều khả năng mới trong tự động hóa, vốn nằm ngoài khả năng của công nghệ 4G và cũ hơn.
Giám đốc công nghệ Huawei Paul Scanlan hồi năm 2019 từng khẳng định sự kết hợp giữa công nghệ học máy và mạng 5G sẽ cho phép robot nói chuyện với nhau và xử lý quy trình sản xuất mà không cần sự hỗ trợ từ con người.
"Mọi người thường đề cập đến tốc độ mạng 5G, nhưng đó không phải lợi thế quan trọng nhất của nó. Trong hoạt động công nghiệp, phương tiện tự động và nhiều ứng dụng khác, thời gian tiếp nhận và hồi đáp tín hiệu giữa các thiết bị quan trọng hơn nhiều", ông nói.
Điệp Anh (Theo Asia Times)