Trả lời phỏng vấn CNN hôm 7/3, Schmidt cho biết Mỹ có thể mất vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực AI trong thập kỷ tới, trong bối cảnh Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ và đang đặt mục tiêu dẫn đầu thị trường AI toàn cầu vào năm 2030.
Là cựu CEO của Google và hiện là chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo (NSCAI), Schmidt lưu ý rằng Mỹ cũng đang tụt hậu so với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo người máy, in 3D, cũng như công nghệ nhận dạng khuôn mặt và siêu máy tính. Những lĩnh vực này đều gây ra rủi ro cao đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Ông Schmidt nói: "Chính phủ Mỹ hiện chưa sẵn sàng cho công nghệ mới này. Việc sử dụng AI vào mục đích truyền bá thông tin có hại sẽ gây ra mối đe dọa đối với nền dân chủ và cuối cùng có thể được sử dụng như một vũ khí chiến tranh".
Để Mỹ có thể cạnh tranh, Schmidt đề xuất tăng ngân sách quốc gia dành cho nghiên cứu và phát triển AI từ 1,5 tỷ USD trong năm nay lên 2 tỷ USD vào năm 2022 và sau đó tăng gấp đôi mỗi năm cho đến khi đạt 32 tỷ USD vào năm 2026
Trích dẫn nghiên cứu của NSCAI, Schmidt cũng cho biết các nhà lập pháp cần khuyến khích các mối quan hệ đối tác công tư để phát triển các ứng dụng AI trong các cơ quan chính phủ. Chẳng hạn Bộ Năng lượng có thể sử dụng công nghệ AI để giám sát cơ sở hạ tầng, từ đó cảnh báo trước hiện tượng quá tải năng lượng khi thời tiết bất lợi hoặc phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng.
Schmidt cho rằng tăng chi tiêu công cho AI cũng sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư ở khu vực tư nhân vào lĩnh vực này, từ đó tiết kiệm cho người đóng thuế về lâu dài bằng cách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của chính phủ. Cựu CEO Google ước tính ngành công nghiệp AI có thể trị giá 50 nghìn tỷ USD trong 20 năm tới.
"Tôi tin rằng đây là tình trạng khẩn cấp và là mối đe dọa đối với quốc gia trừ khi chúng ta cùng hành động và tập trung vào phát triển AI trong chính phủ liên bang và hệ thống an ninh quốc tế. Nếu những công nghệ AI này được xây dựng ở Trung Quốc, chúng sẽ không nhất thiết phải tuân theo các quy tắc về quyền riêng tư hoặc đạo đức của Mỹ ... Chúng ta phải cẩn trọng nếu muốn giành chiến thắng trong trận chiến này", Schmidt nói.
Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến thông qua một gói kích thích kinh tế riêng biệt nhằm "bơm" thêm 2 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế. Mặc dù chi tiết về kế hoạch vẫn chưa được tiết lộ, tổng thống Biden cho biết nó sẽ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của quốc gia với trọng tâm là năng lượng sạch. Trước đó, khi tranh cử, ông cũng đã hứa sẽ đầu tư 300 tỷ USD vào các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, 5G và băng thông rộng.
Ngoài Schmidt, một số thành viên nổi bật khác của NSCAI gồm Safra Catz, CEO Oracle và Andy Jassy, tân CEO Amazon. Theo Forbes, Schmidt đang sở hữu khối tài sản trị giá 19,3 tỷ USD.
Đăng Thiên (theo Forbes)