Đây được coi là bước đi đầu tiên của Huawei - một doanh nghiệp Trung Quốc vào thế giới hệ điều hành vốn được thống trị bởi Apple và Google - hai tập đoàn khổng lồ của Mỹ.
Huawei bắt đầu phát triển nghiêm túc HarmonyOS từ tháng 5/2019 sau khi chính quyền cựu tổng thống Donald Trump áp đặt cấm vận, loại hãng này khỏi các hệ thống công nghệ của Mỹ, trong đó có quyền tiếp cận những bản cập nhật Android và chợ ứng dụng CH Play của Google.
Nhà phát triển hệ điều hành sẽ có nhiều quyền lực trong định hình nền tảng của họ. Apple và Google từng lặng lẽ tạo ảnh hưởng bằng những phần mềm và nội dung trên thiết bị của họ. Cả hai tập đoàn từng loại ứng dụng Parler sau những lo ngại về chủ nghĩa cực hữu. Apple cũng từng cấm Telegram và Infowars, trong khi Google không cho hiển thị quảng cáo chính trị trong giai đoạn trước bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Giờ đây Huawei có thể nắm quyền lực như vậy. HarmonyOS đánh dấu lần đầu một công ty Trung Quốc có thể quyết định loại phần mềm, nội dung và công nghệ liên lạc xuất hiện trên smartphone.
Chưa rõ HarmonyOS có chặn những nội dung bị cấm ở Trung Quốc hay không, cũng như liệu nó có hoạt động với các nền tảng thương mại điện tử tại châu Phi vốn dựa vào Google Maps như Jumia hay không. Baidu Maps từ lâu đã muốn cạnh tranh với Google Maps, nhiều khả năng điện thoại dùng HarmonyOS sẽ dựa vào hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu (BDS) thay vì GPS của Mỹ.
HarmonyOS có thể vươn ra ngoài điện thoại Huawei
Harmony dự kiến được phát hành độc quyền cho thiết bị của Huawei, nhưng công ty dự kiến sẽ mở rộng ra sản phẩm của bên thứ ba. Điện thoại của hãng này chỉ chiếm 9% thị trường smartphone châu Phi, nhưng các thương hiệu Trung Quốc đang nắm tới 64% thị phần khu vực này. Con số tương tự cũng được ghi nhận ở một số nước Đông Nam Á và Mỹ Latin.
Sẽ cần nhiều thời gian để thu hút các nhà phát triển và xây dựng ứng dụng, điều đó có nghĩa là HarmonyOS sẽ khởi đầu với vai trò là lựa chọn kém hấp dẫn hơn Android. Câu chuyện của Windows OS cũng là bài học cảnh báo về hệ điều hành di động không thu hút được khách hàng và giới phát triển.
Các thương hiệu Trung Quốc như Oppo và Xiaomi chắc chắn sẽ theo dõi tiến triển của HarmonyOS trước khi sử dụng nó, điều này cũng phụ thuộc vào liệu chính quyền Trung Quốc có cho phép họ duy trì hệ điều hành Android trên thiết bị hay không.
Nếu HarmonyOS tránh được vết xe đổ của Windows OS, có khả năng chính phủ Trung Quốc có thể cấm các công ty smartphone nước này sử dụng Android. Đây cũng được coi là đòn đáp trả việc Huawei bị cấm khỏi Android và khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc ứng dụng HarmonyOS.
Nếu HarmonyOS xuất hiện trên nhiều thương hiệu Trung Quốc hơn, liệu người dùng thu nhập thấp ở châu Phi và những nơi khác có sẵn sàng bỏ nhiều tiền tiếp tục dùng các ứng dụng quen thuộc, hay sẽ chuyển sang mạng xã hội và hệ thống vệ tinh ít quen thuộc trên những điện thoại giá rẻ hơn? Trong bối cảnh nhiều smartphone Trung Quốc có giá chưa đầy 100 USD, họ có thể ưu tiên giá thành hơn tính năng.
Người dùng châu Phi sẽ quyết định
Đây chỉ là những kịch bản giả định, nhưng cũng mang tới nhiều điểm đáng chú ý. Hiện nay, các vấn đề xoay quanh công nghệ Trung Quốc ở châu Phi chủ yếu tập trung vào vai trò của chính phủ, ít đề cập tới vai trò của người tiêu dùng trong việc quyết định tương lai của các sản phẩm từ Trung Quốc và phương Tây.
Những công ty Trung Quốc như Huawei và Transsion không thành công trên thị trường quốc tế nhờ các chính sách ưu đãi trong nước hay sap chép tài sản sở hữu trí tuệ của đối thủ phương Tây như thường bị cáo buộc. Giới nghiên cứu cho rằng giá thành và tính năng rất quan trọng, nhưng thành công của các thương hiệu này đến từng chiến lược cạnh tranh ở cấp doanh nghiệp, như đào tạo và tuyển nhân lực địa phương, hay chiến thuật tiếp thị dành riêng cho thị trường châu Phi.
Smartphone đã trở thành công cụ liên lạc cá nhân quan trọng, trong khi các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và nhiều cơ quan xã hội ngày càng dựa vào công nghệ nhắn tin và liên lạc di động. Cuộc cạnh tranh lợi ích giữa những người khổng lồ công nghệ trung Quốc và Mỹ có thể sẽ sớm thay đổi với những bước đi tiếp theo của Huawei.
Điệp Anh (Theo Washington Post)