"Nghiên cứu lần đầu tiên chứng minh rằng các sĩ quan, binh sĩ tàu ngầm hoạt động ở Biển Đông đang đối mặt với một số rủi ro về sức khỏe tâm thần và đang mắc các vấn đề tâm lý nghiêm trọng", các chuyên gia Trung Quốc kết luận trong báo cáo đăng trên Tạp chí Quân y của nước này hồi đầu tháng 1.
5 tác giả thực hiện nghiên cứu này thuộc Viện Quản lý Quân y thuộc Đại học Y Hải quân ở Thượng Hải, Trung Quốc. Trong nghiên cứu, các chuyên gia đánh giá năng lực tự nhận thức của 551 binh sĩ tàu ngầm Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông, sau đó so sánh với quy chuẩn chung của các nam quân nhân nước này.
Các binh sĩ tàu ngầm sử dụng Danh sách Triệu chứng 90-R, một công cụ ngắn có hiệu quả cao để tự đánh giá sức khỏe tâm thần. Danh sách này được chia làm 9 triệu chứng lớn về sức khỏe tâm thần, như có hành vi ám ảnh cưỡng chế, lo lắng và thù địch.
Nhóm nghiên cứu phát hiện điểm số của các binh sĩ tàu ngầm trong những mục trên "cao hơn đáng kể so với tiêu chuẩn của quân đội Trung Quốc, cho thấy lực lượng hoạt động ở Biển Đông có các vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn và có cả các triệu chứng tâm thần".
Các vấn đề bao gồm hành vi ám ảnh cưỡng chế, lo lắng, lo âu sợ hãi và buồn nôn, một triệu chứng xuất hiện khi trạng thái tinh thần như trầm cảm được biểu hiện về mặt thể chất.
Chỉ 108 binh sĩ tàu ngầm trong nghiên cứu, tương đương hơn 21%, "được đánh giá là tích cực về mặt tâm lý", báo cáo cho biết. Những binh sĩ tàu ngầm có trình độ từ đại học trở lên có tỷ lệ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn.
Các chuyên gia cho biết nhóm binh sĩ tàu ngầm 26-30 tuổi và nhóm những người phục vụ 6-10 năm có tỷ lệ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần thấp hơn. Nhóm nghiên cứu suy đoán rằng điều này có thể "liên quan đến đặc điểm của ngành nghề quân sự với mức độ rủi ro cao, không chỉ yêu cầu cơ thể trẻ trung mà còn cần kinh nghiệm".
Báo cáo cho biết tình trạng sức khỏe tâm thần của binh sĩ được giám sát chặt chẽ hơn từ khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo sẽ đưa nội dung kiểm tra tâm lý vào kỳ tuyển mộ từ năm 2006.
Các chuyên gia nhận định nhóm binh sĩ tàu ngầm hoạt động ở Biển Đông có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn do vùng biển này không chỉ nằm trong vùng hội tụ nhiệt đới có khí hậu đặc trưng với nhiệt độ và độ ẩm cao, mà còn là khu vực có tầm quan trọng địa chính trị lớn.
Trung Quốc gần đây tăng cường nêu yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông và tăng tần suất các cuộc tuần tra, diễn tập tại đây nhằm gây sức ép với các quốc gia trong khu vực.
Để đối phó, hải quân Mỹ cũng nhiều lần điều chiến hạm đi qua khu vực để củng cố chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Tàu ngầm Mỹ cũng được cho là đang tăng cường hiện diện trong khu vực, dù hải quân Mỹ không công bố tần suất và phạm vi các hoạt động này.
Cuộc sống bên trong tàu ngầm không dễ dàng, khi binh sĩ phải giam mình trong không gian nhỏ hẹp với không khí được tổng hợp và ánh sáng nhân tạo, đòi hỏi sức khỏe thể chất và tinh thần rất cao. Hải quân Mỹ đã đưa các chuyên gia tâm lý lên tàu ngầm từ năm 1996 để giải quyết các vấn đề tâm thần cho binh sĩ.
Nguyễn Tiến (Theo Star&Stripes)