Nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo, trong đó kêu gọi đánh giá "độc lập, công bằng và toàn diện" về phản ứng y tế toàn cầu đối với Covid-19, được thông qua hôm 19/5. Mặc dù nghị quyết không nêu cụ thể tên bất cứ quốc gia nào, nó vẫn xuất phát từ việc Australia thúc đẩy xem xét sai phạm của Trung Quốc trong giai đoạn đầu đại dịch, đồng thời đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh.
Giới chức Trung Quốc từng mô tả đề xuất của Australia là "cực kỳ thiếu trách nhiệm", cáo buộc chính quyền nước này gây suy yếu nỗ lực toàn cầu chống Covid-19. Tuy nhiên, trước Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện giọng điệu ôn hòa hơn.
"Trung Quốc ủng hộ ý tưởng đánh giá toàn diện về phản ứng toàn cầu với Covid-19 sau khi đại dịch được kiểm soát, nhằm tổng kết kinh nghiệm và giải quyết những thiếu sót. Việc này nên dựa trên cơ sở khoa học và sự chuyên nghiệp, do WHO dẫn dắt, tiến hành một cách khách quan và công bằng", ông Tập cho hay, đồng thời ca ngợi "sự hiệp lực phi thường trong cuộc chiến chống Covid-19".
Theo bình luận viên James Griffiths của CNN, bài phát biểu cho thấy ông Tập đang chuẩn bị cho một nỗ lực dài hơi, đồng thời cung cấp cho chính phủ Trung Quốc nhiều phương án để tránh những rủi ro tiềm tàng từ cuộc điều tra quốc tế về Covid-19.
Griffiths chỉ ra rằng "khách quan và công bằng" khác với độc lập. Việc để WHO dẫn dắt cuộc điều tra khó có thể làm dịu những chỉ trích đối với Trung Quốc, cũng như chính tổ chức vì quá gần gũi với Bắc Kinh. Kết quả điều tra cũng tiềm ẩn nguy cơ bị một số nhà quan sát và quốc gia thành viên WHO bác bỏ. Tuy nhiên, do tính phức tạp và toàn cầu của cuộc điều tra, quá trình này không thể thiếu sự góp mặt của WHO.
Về lý thuyết, một cuộc điều tra có thể được tiến hành dưới sự hỗ trợ của WHO, nhưng không bị tác động bởi bất cứ yếu tố tiềm tàng nào, tự do theo đuổi hướng điều tra riêng, công bố những phát hiện mà không cần e ngại hệ quả về chính trị. Nhiều chính phủ từng tự điều tra bộ máy dưới sự giám sát của các thẩm phán hoặc quan chức nhất định, dẫn đến kết cục bất lợi cho chính họ.
Tuy nhiên, những cuộc điều tra như vậy thường chỉ tiềm ẩn khả năng gây rắc rối cho một số chính trị gia. Griffiths cho rằng chúng rõ ràng khác với một cuộc điều tra toàn cầu, bởi việc này có nguy cơ chọc giận nhiều siêu cường.
Những thành viên của một nhóm điều tra được cho là độc lập nhiều khả năng vẫn chịu áp lực chính trị từ phía chính phủ của họ, người đưa họ vào nhóm, hoặc ý kiến của các bình luận viên. Có lẽ không nhiều người muốn tên của mình xuất hiện trong báo cáo điều tra cuối cùng, bởi họ có nguy cơ trở thành mục tiêu công kích của nhiều chính quyền, không chỉ riêng Trung Quốc.
Trung Quốc còn có thể tác động đến quá trình lựa chọn thành viên nhóm điều tra, thông qua việc đề cử những người có khả năng đồng tình với Bắc Kinh, hoặc gây áp lực cho các đồng minh làm như vậy. Trong bài phát biểu, ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc đang hỗ trợ các quốc gia và tổ chức ứng phó khủng hoảng, đồng thời tuyên bố đóng góp 2 tỷ USD cho WHO trong hai năm tới, "khoản nợ chính trị" mà Bắc Kinh có thể thu được trong tương lai.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra động thái cho thấy hệ quả của việc chống lại họ, bằng cách áp thuế 80,5% với lúa mạch từ Australia vì lý do "gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp nội địa". Theo Griffiths, đây rõ ràng là đòn trả đũa của Bắc Kinh sau khi Canberra thúc đẩy cuộc điều tra quốc tế độc lập về Covid-19.
Ngay cả với một nhóm điều tra độc lập hoàn hảo, không chịu bất cứ áp lực chính trị hoặc sự đánh giá nào, điều kiện ông Tập đưa ra để tiến hành cuộc điều tra vẫn có thể mang lại lợi thế cho Bắc Kinh. Đó là chờ đến khi Covid-19 chấm dứt.
Đại dịch khiến Trung Quốc bị toàn cầu chỉ trích, không chỉ những đối thủ truyền thống như Mỹ, mà còn từ các nước từng gần gũi với họ. Chỉ cần nhìn vào mức độ ủng hộ chưa từng có với Đài Loan khắp thế giới để thấy tầm ảnh hưởng của Trung Quốc bị suy yếu nhiều như thế nào, Griffiths nhận định.
Cơn thịnh nộ một phần xuất phát từ những sai lầm của Trung Quốc khi xử lý Covid-19, nhưng cũng do các nước bị tổn thất kinh tế nặng nề vì đại dịch.
Theo Griffiths, việc trì hoãn tiến hành điều tra có thể thay đổi đáng kể cả hai vấn đề trên. Khác với đại dịch SARS, giới chuyên gia cho rằng Covid-19 phải mất nhiều năm để kiểm soát. Các nhà khoa học từng cảnh báo nó có nguy cơ trở thành căn bệnh truyền nhiễm tồn tại dai dẳng, ngay cả vaccine cũng chưa chắc giải quyết được. Do vậy, chờ đến khi "đại dịch được kiểm soát", theo lời ông Tập, có thể là khoảng thời gian rất dài.
Đến lúc đó, vị thế toàn cầu của Bắc Kinh có thể đã thay đổi rất nhiều so với hiện nay. Sau khi tái mở cửa kinh tế, Trung Quốc được cho là trở nên quan trọng hơn với nhiều đồng minh thương mại, trong bối cảnh họ có ít đối tác để lựa chọn hơn. Griffiths nhận định Trung Quốc cũng sẽ không bỏ qua cơ hội tận dụng việc Covid-19 đang tàn phá Mỹ, đồng thời thúc đẩy hình ảnh kiểm soát tốt đại dịch của họ.
Hơn nữa, bình luận viên này cho rằng một cuộc điều tra toàn diện về Covid-19 sẽ mất nhiều năm để hoàn thành, do đó việc trì hoãn có thể khiến những phát hiện trở nên bớt quan trọng, bất kể chúng như thế nào. "Những người chỉ trích coi cuộc điều tra là cơ hội để buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho sai phạm, nhưng họ sẽ làm gì nếu kết quả đưa ra vào năm 2025 hay 2030?", Griffiths đặt câu hỏi.
Vào thời điểm đó, lợi ích kinh tế, thứ luôn định hình quan hệ với Trung Quốc, một lần nữa sẽ được tính đến, khiến các quốc gia e dè "chọc giận" Bắc Kinh. Công chúng có lẽ cũng không ủng hộ chính quyền gây mất lòng một đối tác thương mại quan trọng, chỉ vì một dịch bệnh vài năm trước.
Vị thế của Trung Quốc có thể bị tổn hại nghiêm trọng vì Covid-19. Tuy nhiên, Griffiths nhận định bài phát biểu trước WHA cho thấy ông Tập biết rằng khả năng cuộc điều tra gây tổn hại đến Bắc Kinh về lâu dài có vẻ rất nhỏ nhặt.
Ánh Ngọc (Theo CNN)