Hôm 9/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tuyên bố dài 30 trang trên website, tiếp tục bác bỏ các cáo buộc liên quan đến Covid-19 do phía Mỹ đưa ra. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 6/5 khẳng định nước này có bằng chứng quan trọng cho thấy nCoV đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Quan điểm này được Tổng thống Mỹ Trump nêu ra từ cuối tháng 4. Ông Pompeo còn cáo buộc Trung Quốc không cho phép các nhà khoa học Mỹ tới nước này để điều tra về nguồn gốc của virus.
"Để chứng minh nCoV được tạo ra từ phòng thí nghiệm, cần xác định nó có thực sự xuất hiện trong bất cứ phòng thí nghiệm nào ở Vũ Hán hay không", Daniel Lucey, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, Đại học Georgetown, Mỹ, nói với VnExpress.
Lucey nghiên cứu và giảng dạy về các bệnh dịch 17 năm qua, trong đó có SARS, Ebola, MERS, H5N1. Từ năm 2003, ông đến nhiều nước để xem xét tác động của các dịch bệnh.
Theo Lucey, việc xem xét nCoV có xuất hiện trong phòng thí nghiệm trong khoảng thời gian tháng 9 đến tháng 11/2019 "rất quan trọng" khi dịch bùng phát từ Vũ Hán cuối năm ngoái đã lan ra 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,3 triệu người nhiễm, hơn 290.000 người chết.
Lucey dự đoán Trung Quốc đã thực hiện các điều tra liên quan đến Covid-19, trong đó có nguồn gốc nCoV. Bắc Kinh có thể đã xét nghiệm nhiều động vật ở chợ hải sản ở Vũ Hán, nơi được cho là khởi phát dịch. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng có thể xét nghiệm trên quy mô rộng, gồm các chợ thuộc tỉnh Hồ Bắc, Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.
Cuối tháng 1/2020, các nghiên cứu Trung Quốc đánh giá virus gây ra Covid-19 liên quan tới các mẫu virus corona có trên loài dơi Trung Quốc, nhưng chúng đã bị biến đổi trước khi lây sang người, theo CNN. Các nhà nghiên cứu cho rằng rắn hổ mang hoặc rắn cạp nong Trung Quốc đã ăn những con dơi này, sau đó bị bắt và bày bán tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, từ đó lây virus cho người ở chợ. Giới chức Trung Quốc cũng phát hiện 33 trong 385 mẫu vật ở chợ hải sản Vũ Hán chứa axit nucleic của nCoV. Nhiều chuyên gia cũng nghi ngờ tê tê là vật chủ của nCoV.
Theo Lucey, 33 mẫu Trung Quốc thu được có thể từ động vật, hoặc từ con người, nhưng nước này không công bố.
"Nếu có kết quả xét nghiệm động vật, Bắc Kinh có thể khẳng định: nhìn xem, virus không đến từ phòng thí nghiệm. Tôi không hiểu vì sao họ không công bố", Lucey nói.
Milton Leitenberg, chuyên gia vũ khí sinh học, hiện làm việc tại Đại học Maryland, Mỹ, khẳng định nghi vấn về nguồn gốc nCoV là suy luận chưa có căn cứ. Tuy nhiên, hoài nghi "nCoV đến từ phòng thí nghiệm" được đưa ra là chính đáng, không phải "thuyết âm mưu".
Theo Leitenberg, chính bà Thạch Chính Lệ, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Virus học Vũ Hán (WIV), đã đặt câu hỏi "nCoV có thoát ra từ WIV" trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Scientific American hồi tháng ba. Sau đó, bà Thạch kiểm tra và khẳng định không có virus nào thoát ra từ WIV. Tuy nhiên, bà Thạch đã không giải thích căn cứ để đưa ra kết luận đó trong khi virus SARS từng được báo cáo đã thoát khỏi một số cơ sở nghiên cứu tiêu chuẩn an toàn cao ở Bắc Kinh nhiều lần. Leitenberg cho biết sự cố có thể xảy ra trong các phòng thí nhiệm có mức độ an toàn sinh học cấp 4 (BL-4) trên thế giới, thậm chí là ở Mỹ, khiến virus thoát ra ngoài.
"Cách duy nhất để xác định chứng cứ nCoV đến từ phòng thí nghiệm là thực hiện cuộc điều tra", Leitenberg nói.
Để có một cuộc điều tra quốc tế khách quan, Lucey ở Đại học Georgetown khuyến cáo nhóm thực hiện nên gồm có các nhà khoa học, quan chức y tế của nhiều nước, của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của Trung Quốc. Thành phần tham dự cần có sự cân đối, không thiên về các nước "thân Mỹ hay thân Trung Quốc". Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 như Italy, Anh, Iran, Hàn Quốc, nên có đại diện trong nhóm điều tra.
"Khi đó kết quả điều tra sẽ được bảo đảm là đáng tin cậy", Lucey nói.
Về phạm vi thực hiện, Lucey cho rằng nhóm điều tra nên khảo sát ở các phòng thí nghiệm, các chợ ở Hồ Bắc và các tỉnh lân cận. Nhóm điều tra cần yêu cầu Trung Quốc chia sẻ phương thức và kết quả xét nghiệm động vật ở chợ hải sản tại Vũ Hán. Kết quả đó có thể dùng làm cơ sở để các nước gần Trung Quốc như Việt Nam, Campuchia, Myanmar xét nghiệm ở các khu chợ, vì khu vực này có tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã .
"Trung Quốc thậm chí không cho biết họ đã làm gì", Lucey nói. Hồi tháng 2/2020, Lucey đã đến Thượng Hải, Trung Quốc, để tìm hiểu về Covid-19, nhưng không được chính quyền cho phép đến Vũ Hán.
Lucey từng viết báo cáo khoa học, đề xuất các nước có thể thảo luận về nguồn gốc nCoV trong cuộc họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của WHO, diễn ra từ ngày 18/5 đến 22/5 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Leitenberg bày tỏ hoài nghi về hợp tác của Trung Quốc trong tổ chức điều tra nguồn gốc nCoV, cho rằng Bắc Kinh có thể bác bỏ yêu cầu này khi Mỹ tham gia.
"Nếu các nước là thành viên của WHO và Liên Hợp Quốc đưa ra yêu cầu mạnh mẽ, Trung Quốc mới có thể chấp nhận hợp tác thực hiện điều tra", Leitenberg nói.