"Australia chắc chắn giữ vững lập trường. Chúng tôi áp dụng các quan điểm chính sách phù hợp với giá trị của chúng tôi và không tán thành việc cưỡng ép kinh tế để thay đổi quan điểm chính sách của mình", Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham hôm nay tuyên bố về nỗ lực điều tra nguồn gốc Covid-19.
Ông khẳng định Australia không đơn độc trong việc thúc đẩy điều tra và sẽ ủng hộ nghị quyết của Liên minh châu Âu tại Đại hội đồng Y tế Thế giới ngày 17/5. Tuyên bố được ông đưa ra sau khi Trung Quốc liên tiếp có các động thái thương mại nhắm vào Australia.
Văn phòng của Birmingham cho biết ông đã đề nghị điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Chung Sơn sau khi hải quan Trung Quốc "cấm cửa" 4 nhà xuất khẩu thịt bò lớn của Australia.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua nói hải quan nước này phát hiện nhiều trường hợp vi phạm kiểm dịch của 4 công ty trên và quyết định đình chỉ nhập khẩu được đưa ra để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc.
Việc đình chỉ xuất khẩu thịt bò của 4 công ty Australia được công bố chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc đề xuất áp dụng mức thuế lên tới 80% đối với lúa mạch Australia, làm dấy lên lo ngại nước này đang "trả đũa" việc Australia thúc đẩy điều tra nguồn gốc Covid-19. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, cho rằng cuộc điều tra như vậy là "không cần thiết".
Bộ trưởng Birmingham hôm nay cho biết phía Trung Quốc đã đảm bảo với ông rằng quyết định cấm nhập khẩu trên không liên quan đến nỗ lực thúc đẩy điều tra Covid-19, thêm rằng Australia đang theo đuổi mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau với Trung quốc. Theo ông, việc cấm thịt bò liên quan đến vấn đề nhãn mác và giấy chứng nhận kiểm dịch, trong khi thuế lúa mạch liên quan vụ kiện bán chống phá giá.
Tờ Global Times của Trung Quốc cho biết trong bài xã luận hôm nay rằng việc đình chỉ các nhà xuất khẩu thịt nên đóng vai trò như "hồi chuông cảnh báo" cho Australia vì những hành động không thân thiện. Dẫn việc Australia thúc đẩy điều tra Covid-19 và cấm Huawei tham gia mạng 5G, Global Times nói rằng "lo ngại về các biện pháp trả đũa tiềm năng từ Trung Quốc có vẻ hoàn toàn chính đáng đối với nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc của Australia".
Tháng trước, đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye cảnh báo người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay sản phẩm Australia nếu nước này theo đuổi điều tra về Covid-19. Các bộ trưởng Australia mô tả bình luận của Cheng là "hăm dọa kinh tế" từ quốc gia chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019.
Covid-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát tại Vũ Hán, khiến hơn 4,3 triệu người nhiễm và gần 293.000 người tử vong. Mỹ và một số nước châu Âu cũng cáo buộc Trung Quốc không minh bạch và chậm ứng phó trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát, khiến thế giới đánh mất thời gian quý báu.
Australia nghi ngờ về sự minh bạch của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19, yêu cầu điều tra quốc tế về nguồn gốc và cách lây lan của nCoV cũng như phản ứng ban đầu của Trung Quốc. Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định đã minh bạch thông tin ngay từ đầu và kịp thời thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các nước khác.
Huyền Lê (Theo Reuters)