Công nghệ của Mỹ và Anh đang được Trung Quốc sử dụng để phát triển Mạng lưới Quan sát Khoa học Đáy biển Quốc gia (NSSON), báo cáo công bố ngày 21/1 của hãng phân tích và nghiên cứu dữ liệu Kharon, có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Mạng lưới NSSON được xây dựng nhằm theo dõi, lưu trữ dữ liệu và quản lý "toàn bộ hệ thống quan sát khoa học dưới đáy biển", trường Đại học Đồng Tế tại Thượng Hải cho biết trên trang web. Theo Xinhua, dự án NSSON của Trung Quốc đã nhận được khoản đầu tư trị giá 2 tỷ tệ (292 triệu USD).
NSSON có khả năng quan sát đa chiều từ đáy biển tới bề mặt với độ phân giải cao theo thời gian thực và trong mọi điều kiện thời tiết, truyền thông Trung Quốc đưa tin. Một giáo sư tại trường Đại học Đồng tế cho biết mạng lưới có thể chuyển dữ liệu cho các cơ quan chính phủ Trung Quốc để "thăm dò tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ lợi ích của Trung Quốc".
Trung Quốc dự kiến triển khai NSSON tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, theo báo cáo được công bố tháng 11/2017 của Haitong Securities, công ty phân tích tài chính có trụ sở tại Trung Quốc. NSSON có thể bổ sung cho các cơ sở phục vụ mục đích quân sự và dân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.
Dự án NSSON là một phần trong "chiến lược hàng hải" của Trung Quốc, theo báo cáo của tập đoàn Hengton, đơn vị sở hữu công ty Hệ thống Cáp biển Jiangsu Hengtong tham gia nghiên cứu và phát triển mạng lưới quan sát. Công ty này từng cho biết có kinh nghiệm phát triển công nghệ giám sát tương tự phục vụ mục đích quân sự.
Một bài báo được Viện Âm học (IOA) thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc xuất bản hồi tháng 12/2019 cho biết hệ thống quan sát động lực học đại dương của NSSON sử dụng các thiết bị được sản xuất tại Mỹ. Hệ thống này nghiên cứu chuyển động của nước trong đại dương, "đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ các quyền hàng hải, môi trường đại dương và củng cố quốc phòng", bài viết có đoạn.
IOA, một đơn vị tham gia xây dựng mạng lưới NSSON, hồi tháng 10/2020 tìm cách mua Bộ kiểm tra Cáp ngầm Tinsley 5903, hệ thống giúp xác định lỗi hoặc vết nứt trên dây cáp đặt dưới đáy biển. Bên thắng thầu là công ty Công nghệ Shanghai Jian Long ROV, đặt trụ sở tại Trung Quốc.
Chưa rõ Shanghai Jian Long làm thế nào để có được Tinsley 5903, do sản phẩm này "chỉ có thể mua trực tiếp từ Anh và không thông qua các đại lý được chứng nhận", hãng Tinsley Instrumentation cho biết.
IOA là một trong hai đơn vị vượt qua cuộc đánh giá điều kiện tham gia đấu thầu của hải quân Trung Quốc hồi tháng 10/2020, nhằm giành hợp đồng cung cấp một hệ thống đo lường tích hợp âm thanh cố định dưới biển.
Đơn vị còn lại là Viện nghiên cứu số 175 của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Nhà nước Trung Quốc (CSIC). Tập đoàn CSIC bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào danh sách kiểm soát xuất khẩu hồi tháng 12/2020 vì "mua lại và cố gắng mua các mặt hàng xuất xứ từ Mỹ để hỗ trợ các chương trình của quân đội Trung Quốc".
Ngoài hệ thống NSSON, các dự án dưới biển khác của Trung Quốc cũng đang sử dụng công nghệ phương Tây, theo một đánh giá dữ liệu đấu thầu của Kharon. Viện Tự động hóa Thẩm Dương (SIA), thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, trong 7 tháng qua công bố nhiều gói thầu cho công nghệ của Mỹ và châu Âu, gồm nền tảng điện toán đám mây cùng sóng siêu âm 3D và 4D.
SIA là hãng sản xuất robot hoạt động dưới nước lớn nhất cho quân đội Trung Quốc và "đang phát triển một loạt tàu ngầm không người lái cực lớn". SIA là một trong 7 đơn vị vượt qua đánh giá tiêu chuẩn tham gia đấu thầu hồi tháng 10/2020 của hải quân Trung Quốc, nhằm cung cấp hệ thống tính toán khu vực rơi của tên lửa.
Truyền thông Mỹ hồi tháng 6/2020 đưa tin một tàu rải cáp ngầm Tian Yi Hai Gong của Trung Quốc có thể đang tham gia lắp đặt các tuyến cáp ngầm trên Biển Đông, nhằm kết nối các tiền đồn mà nước này xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định hệ thống cáp này có thể được dùng cho mục đích quân sự để tăng khả năng phát hiện tàu ngầm của quân đội Trung Quốc.
Hồ sơ hàng hải cho biết tàu Tian Yi Hai Gong thuộc sở hữu của công ty vận tải biển Shanghai Fengjing, vận hành bởi công ty Xây dựng Cáp ngầm Trung Quốc. Công ty này đã mua giấy phép một phần mềm chuyên giám sát và kiểm soát lắp đặt cáp ngầm từ công ty Kỹ thuật Hải dương Makai, đặt trụ sở tại Mỹ.
Biển Đông là một trong những vấn đề gây ra căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và Mỹ, bên cạnh "cuộc chiến" về thương mại và công nghệ.
Mỹ đang nỗ lực hạn chế tình trạng Trung Quốc sử dụng công nghệ của nước này phục vụ cho mục đích quân sự, trong đó có danh sách Người dùng cuối Quân sự (MEU) được Bộ Thương mại Mỹ lập vào cuối năm 2020. Một số công ty Trung Quốc tuần trước bị liệt vào danh sách MEU, trong đó có công ty hàng không Skyrizon.
Nguyễn Tiến (Theo Kharon)