Đại diện các hội đoàn và chuyên gia người Việt tại Đức hôm 15/1 tổ chức hội thảo trực tuyến với sự chủ trì của tiến sỹ Daniela De Ridder, Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội kiêm Phó chủ tịch Ban phòng chống khủng hoảng dân sự, quản lý xung đột và kết nối thương mại quốc hội Đức.
Tại hội thảo, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thoại đến từ Đại học Trier đã thông qua bà Ridder gửi kiến nghị thư của các hội đoàn, chuyên gia người Việt đến quốc hội Đức, trong đó nêu rõ những hành động phi pháp của Trung Quốc đã gây bất ổn tình hình ở Biển Đông, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định khu vực.
Kiến nghị thư bày tỏ mong muốn quốc hội và chính phủ Đức quan tâm hơn nữa đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, có chính sách ngoại giao phù hợp nhằm ngăn chặn các hành động phi pháp của Bắc Kinh, bảo vệ hữu hiệu hòa bình và ổn định cho khu vực Biển Đông, bảo đảm sự lưu thông an toàn hàng hải trong khu vực.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thoại bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông cũng như những hành động trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Ông kêu gọi chính phủ Đức và Liên minh châu Âu (EU) có những hành động cụ thể nhằm giảm căng thẳng, củng cố an ninh tại khu vực.
Bà Ridder cho biết quốc hội và chính phủ Đức rất quan tâm tới tình hình an ninh Biển Đông trong thời gian qua, thêm rằng bà đã nghe nhiều ý kiến của các nghị sĩ Đức về căng thẳng tại Biển Đông, nhưng rất muốn lắng nghe đánh giá, thông tin từ cộng đồng người Việt, đại diện các hội đoàn và chuyên gia người Việt tại Đức.
Sau khi được các luật sư, học giả người Việt tại Đức thông báo về tình hình, diễn biến phức tạp ở Biển Đông, bà Ridder khẳng định sẽ cùng thảo luận với các đồng nghiệp để đưa vấn đề này ra quốc hội Đức, liên quan đến cả hiệp định thương mại giữa EU và Trung Quốc.
Bà cũng mong muốn Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức và các hội đoàn, chuyên gia người Việt tại Đức có thể tiếp tục trao đổi thêm về vấn đề Biển Đông trong cuộc hội thảo vào tháng 4 năm nay.
Trung Quốc trong những năm qua ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trái phép, đẩy mạnh hoạt động quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.
Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối các hoạt động quân sự hóa làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trong khu vực.
Lê Cường