Thông thường, quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống Mỹ sẽ lấy ngân sách từ khoản đóng thuế của người dân. Tuy nhiên, số tiền này sẽ không thể được giải ngân cho tới khi Emily Murphy, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Dịch vụ Công Mỹ (GSA), chính thức xác nhận Joe Biden thắng cử. Dù hầu hết cơ quan truyền thông lớn của Mỹ đều xướng tên Biden là tân tổng thống và nhiều bang đã bắt đầu xác nhận kết quả này, Murphy vẫn từ chối xác nhận.
Bất chấp cản trở đó, Biden và nhóm của ông đã bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực, tuyển dụng và giới thiệu các thành viên của chính quyền mới, cũng như họp với các nhóm quan trọng, như những công ty dược phẩm đang nghiên cứu về vaccine.
Để tạo ngân sách riêng cho nỗ lực này, Biden đã kêu gọi người ủng hộ gây quỹ chuyển giao quyền lực thông qua email và Twitter hôm 20/11, đồng thời nói rằng ông buộc phải làm như vậy vì thách thức pháp lý liên tục của Tổng thống Donald Trump với kết quả bầu cử đang làm trì hoãn quá trình này.
"Đây là những gì đang xảy ra", Biden đăng bài Twitter hôm 20/11. "Bởi vì Tổng thống Trump từ chối chấp nhận kết quả và trì hoãn quá trình chuyển giao, chúng tôi phải tự gây quỹ và cần sự giúp đỡ của các bạn. Nếu bạn có thể, hãy đóng góp cho quỹ chuyển giao của Biden-Harris".
Quan chức Nhà Trắng bác bỏ cáo buộc của Biden, tuyên bố rằng Tổng thống không chỉ thị cho Murphy trì hoãn quá trình xác nhận kết quả. Nhưng các thành viên Dân chủ ở Hạ viện từ chối tuyên bố này, đồng thời yêu cầu Murphy đưa ra lời giải thích đầy đủ về việc trì hoãn này vào hôm 23/11.
Một quan chức chính quyền giấu tên nói với Washington Post rằng lý do cho sự trì hoãn rất đơn giản: "Không người đứng đầu cơ quan nào sẽ thẳng thắn nói với Tổng thống về vấn đề chuyển giao quyền lực vào lúc này".
Quá trình chuyển giao quyền lực và cấu trúc chung đều tuân theo Đạo luật Chuyển giao quyền lực Tổng thống năm 1963. Đạo luật yêu cầu sử dụng công quỹ cho quá trình chuyển giao và GSA là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.
Ngoài tạo ngân sách để tuyển dụng nhân viên, việc xác nhận của GSA sẽ cung cấp quỹ cho Biden thực hiện việc đánh giá các cơ quan, không gian làm việc cho quan chức nhóm chuyển giao, đặc biệt cho phép thành viên nhóm chuyên giao làm việc với các đối tác trong chính quyền Tổng thống Trump. Nhóm của Biden đã tìm nhiều cách để đối phó với các cản trở trong quá trình chuyển giao và chiến dịch gây quỹ là giải pháp cho vấn đề ngân sách.
Chris Korge, chủ tịch tài chính quốc gia của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, hôm 16/11 đã viết cho các nhà tài trợ để nói rằng "hơn 8 triệu USD tiền mặt và các khoản hỗ trợ khác" đã bị giữ lại do không có xác nhận của GSA".
"Chúng tôi cần gây quỹ để bù đắp số tiền mà chúng tôi cần trước Lễ Tạ ơn để có thể hoàn toàn tập trung vào quá trình chuyển giao và không phải gây quỹ thêm nữa", Korge viết.
Chiến dịch của Biden được cho đã gây quỹ cho nhóm chuyển giao quyền lực tiềm năng nhiều hơn cả Trump và Hillary Clinton hồi năm 2016. Nhóm của Biden đã bắt đầu gây quỹ này từ hồi tháng 6 và được cho đã có được 10 triệu USD. Năm 2016, Trump gây quỹ được 6,5 triệu USD, trong khi Hillary khoảng 2,1 triệu USD. Năm 2008, cựu tổng thống Barack Obama đã thu về khoảng 6,8 triệu USD khi gây quỹ cho nhóm chuyển giao quyền lực tiềm năng.
Bên cạnh nguồn ngân sách từ GSA, việc các ứng viên hoặc tổng thống tương lai tự gây quỹ đã trở nên phổ biến. Obama đã có 6,8 triệu USD quỹ riêng và nhận được thêm 5,2 triệu từ GSA để phục vụ quá trình chuyển giao quyền lực.
Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã kêu gọi Quốc hội tăng ngân sách cho tổng thống đắc cử. Meredith McGehee, khi đó là giám đốc chính sách tại Trung tâm Tài chính Chiến dịch, một cơ quan phi đảng phái, đã xem việc tổng thống Obama phải gây quỹ là vấn đề. "Nếu công quỹ không đủ, nó cần được tăng thêm", bà nói.
Biden đã gây quỹ được nhiều hơn tổng thống Obama, nhưng vào thời điểm này, nhóm của ông không mấy lạc quan sẽ nhận được khoản ngân sách nào từ chính phủ trước khi nhậm chức.
Dù Biden được cho đã giành được 306 phiếu đại cử tri, Tổng thống Trump cho đến nay vẫn từ chối thừa nhận kết quả. Chiến dịch của ông và đồng minh đã thực hiện hàng chục thách thức pháp lý ở các hạt, bang chiến trường trên khắp nước Mỹ và ít nhất 30 đơn kiện trong số đó đã bị từ chối. Trong khi đó, một số cử tri, chủ yếu là phe Cộng hòa, nói rằng các cáo buộc gian lận bầu cử khiến họ hoài nghi về chiến thắng của Biden.
Trong khi các ngân sách liên bang vẫn bị "đóng băng", nhiều nhà tài trợ hàng đầu của đảng Dân chủ đã bắt đầu quyên góp cho nhóm chuyển giao quyền lực của Biden. Theo Ủy ban Bầu cử Liên bang, hạn mức quyên góp là 5.000 USD và số tiền đó chỉ sử dụng cho các vấn đề liên quan tới quá trình chuyển giao. Dù quá trình chuyển giao có thể được phép nhận tiền từ các tập đoàn và ủy ban hành động chính trị (PAC), Biden cam kết không gây quỹ từ hai nguồn này.
Các đại diện của nhóm chuyển giao quyền lực Biden không trả lời yêu cầu bình luận về trì hoãn của GSA. Nhưng một quan chức trong nhóm trước đó nói rằng họ không loại trừ bất kỳ thách thức pháp lý nào và đã chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau.
"Nhóm chuyển giao của Biden-Harris đã lên kế hoạch trong nhiều tháng cho tất cả kịch bản có thể xảy ra", quan chức giấu tên này nói với CNN. "Quốc gia này đang đối mặt quá nhiều thách thức để có quá trình chuyển giao suôn sẻ và được tài trợ ngân sách đầy đủ cho tổng thổng và phó tổng thống đắc cử".
Nhiều quan chức đã lên tiếng về những thách thức của quá trình chuyển giao bị trì hoãn. Jen Kirby của Vox cho biết một số cựu quan chức an ninh quốc gia lưu ý rằng "báo cáo của Ủy ban 11/9 chỉ ra quá trình chuyển giao quyền lực bị cắt ngắn của tổng thống George W. Bush đã cản trở chính quyền bố trí các nhân sự chủ chốt về an ninh quốc gia và nhận được xác nhận của Thượng viện".
Kirby cũng thêm rằng quá trình chuyển giao quyền lực nhanh chóng giữa Bush và Obama có thể đã giúp ngăn chặn một vụ khủng bố được cho nhắm vào lễ nhậm chức của tổng thống Obama.
Không chỉ về vấn đề an ninh quốc gia, nhiều quan chức y tế cũng kêu gọi GSA bắt đầu quá trình chuyển giao, cảnh báo sự trì hoãn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc chuẩn bị ứng phó với đại dịch và phân phối vaccine.
Biden đã nỗ lực tìm cách khắc phục các khó khăn, như tổ chức cuộc họp với các cựu quan chức tình báo để thu thập các thông tin quan trọng mà chính quyền Trump chưa bàn giao. Ông cũng tổ chức nhiều cuộc họp với các lãnh đạo bang về cách điều phối tốt hơn phản ứng Covid-19 cấp bang và liên bang.
Dù khá sáng tạo, các biện pháp này của Biden vẫn được cho không thể tốt bằng được tiếp cận chính thức. Nếu Biden không nhận được xác nhận từ GSA, ông sẽ phải bắt đầu nhiệm kỳ mà chưa có sự chuẩn bị chu toàn.
Thanh Tâm (Theo Vox)