Bước lên bục với chiếc khẩu trang, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tiếp tục khẳng định kiểm soát Covid-19 là ưu tiên số một của ông, đồng thời kêu gọi người Mỹ đoàn kết và giữ ý thức chung, nói thêm rằng gia đình ông sẽ hạn chế quy mô lễ Tạ ơn xuống không quá 10 người.
Tuy nhiên, giữa lúc tình hình đại dịch ngày càng trầm trọng, Biden dường như không "chìa cành oliu" cho phe Cộng hòa tại Thượng viện để tái khởi động các cuộc đàm phán lưỡng đảng về một dự luật cứu trợ. Ông cũng tỏ ý né tránh câu hỏi liệu Mỹ có cần đóng cửa doanh nghiệp và trường học trên diện rộng một lần nữa hay không.
Triển vọng của dự luật cứu trợ và tương lai hoạt động của các doanh nghiệp trong vài tuần tới được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng đối với "sức khỏe" nền kinh tế mà Biden sẽ tiếp quản vào ngày 20/1. Một số ý kiến cho rằng việc ông không làm rõ những vấn đề này là nỗ lực nhằm để ngỏ mọi phương án. Tuy nhiên, nước Mỹ dường như ngày càng mong đợi hướng đi rõ ràng.
Các nhà kinh tế đang ra sức hối thúc quốc hội Mỹ thông qua một gói kích cầu mới. Tuy nhiên, hai đảng chưa thể đạt được đồng thuận do bất đồng về quy mô gói cứu trợ. Phe Dân chủ tại Hạ viện hồi tháng 5 thông qua dự luật kích cầu trị giá 3 nghìn tỷ USD, nhưng nhanh chóng bị phe Cộng hòa tại Thượng viện bác bỏ bởi họ không muốn khoản cứu trợ này vượt quá 1 nghìn tỷ USD.
Gói cứu trợ gần đây nhất mà phe Cộng hòa chấp thuận đã tăng thêm 500 tỷ USD. Tuy nhiên, bình luận viên Heather Long của Washington Post nhận định trong bài phát biểu của mình, Biden không thể hiện nỗ lực thu hẹp bất đồng lưỡng đảng về quy mô gói cứu trợ.
Thay vào đó, ông ca ngợi dự luật Heroes mới trị giá 2,2 nghìn tỷ USD của phe Dân chủ, trong khi phe Cộng hòa từng khẳng định họ sẽ không thông qua dự luật này.
Theo bình luận viên Long, cách xử lý của Biden khiến triển vọng đạt được thỏa thuận lưỡng đảng vào cuối tháng 12 ngày càng xa vời. Tới thời điểm đó, khoản hỗ trợ thất nghiệp dành cho 13 triệu người Mỹ dự kiến hết hạn, trong khi trợ cấp nợ cho sinh viên và lệnh hoãn trả nợ trên toàn quốc cũng sẽ không còn.
Nhiều nhà kinh tế thiên tả, bao gồm Jason Furman, cựu nhà kinh tế trưởng cho Barack Obama, đã kêu gọi Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chấp nhận thỏa thuận quy mô nhỏ hơn để kịp cung cấp một khoản cứu trợ nhất định, còn hơn không đạt được điều gì trong lúc người dân và các doanh nghiệp nhỏ đang lao đao.
"Virus đang lây lan và chỉ vài tuần nữa thôi hàng triệu người sẽ bị mất trợ cấp. Chúng ta không nên trì hoãn hành động lâu hơn nữa. Quan điểm rằng có thể đạt được thỏa thuận tốt hơn nếu chờ đến tháng 2 vừa hão huyền, vừa thể hiện sự chối bỏ những hoàn cảnh khó khăn hiện nay", Furman nêu ý kiến.
Lời kêu gọi của Furman tương tự bình luận từ Cục Dự trữ Liên bang và khu vực kinh tế tư nhân đang mòn mỏi chờ cứu trợ ngay lập tức. Làn sóng Covid-19 trỗi dậy mạnh mẽ khiến người dân không còn tới các nhà hàng và cửa hàng, bất kể chính quyền có yêu cầu họ ở nhà hay không. Nỗi lo ngại rằng nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể trụ nổi qua mùa đông ngày càng lớn.
"Thời gian chờ đợi gói kích cầu càng kéo dài thì càng gây ra nhiều tổn hại, trong khi tình trạng giảm chi tiêu đã rất đáng kể", Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại Công ty kiểm toán Grant Thornton, cho biết.
Những phát biểu của Biden hôm 16/11 đặc biệt gây ngạc nhiên bởi trước đó Ron Klain, người được Tổng thống đắc cử bổ nhiệm làm chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai, tán thành việc hành động nhanh chóng để có thể thông qua một gói kích cầu, khiến nhiều người hiểu rằng đây là động thái ủng hộ thỏa hiệp lưỡng đảng.
Các hãng dược phẩm và công nghệ sinh học của Mỹ đang đưa ra những tín hiệu tích cực về vaccine Covid-19, thắp lên hy vọng rằng chúng sẽ sớm được cấp phép. Tuy nhiên, có khả năng phải mất hàng tháng trước khi bất kỳ loại vaccine nào được đưa vào sử dụng đủ rộng rãi để mang lại bước ngoặt cho nền kinh tế.
Trong khi đó, câu hỏi lớn nhất mà phần lớn nước Mỹ đang đối mặt là liệu các doanh nghiệp và trường học có bị tái áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hay không. Biden không đề cập gì về lệnh phong tỏa hay yêu cầu ở nhà trong bài phát biểu của mình.
Khi bị một phóng viên hỏi dồn rằng ông có nghĩ Mỹ cần thêm những lệnh đóng cửa như vậy hay không, Tổng thống đắc cử chỉ nói điều đó "phụ thuộc vào mỗi bang", sau đó chuyển sang ca ngợi vài thống đốc vì những hành động quyết đoán gần đây, như bắt buộc đeo khẩu trang và thu hẹp quy mô hoạt động của các cơ sở kinh doanh.
Nội bộ chiến dịch của Biden được cho là vẫn căng thẳng về mức độ nghiêm ngặt họ nên áp dụng trong các biện pháp chống Covid-19 toàn quốc. Các thành viên nhóm chuyên trách Covid-19 của Tổng thống đắc cử đã đưa ra những thông điệp trái ngược gần đây.
Tuần trước, cố vấn Michael Osterholm của Biden cảnh báo Mỹ đang đối mặt một "địa ngục Covid-19" và đề xuất ban lệnh phong tỏa 4-6 tuần, phương án bị nhiều chủ doanh nghiệp phản đối. Đến hôm 15/11, một cố vấn khác của Biden là Vivek Murthy lại nói rằng phong tỏa toàn quốc là "phương án cuối cùng" dù vẫn để ngỏ khả năng này. Tuy nhiên, cố vấn Atul Gawande sau đó nhấn mạnh họ "không ủng hộ phong tỏa toàn quốc".
Một điểm đáng lưu ý là trong nhóm chuyên trách Covid-19 của Biden không có nhà kinh tế học nào. Nếu số ca nhiễm tiếp tục có chiều hướng gia tăng, Tổng thống đắc cử có lẽ phải đối diện với câu hỏi có đóng cửa một phần nền kinh tế sau khi nhậm chức hay không.
Biden nhấn mạnh ông sẽ lắng nghe giới khoa học và các bác sĩ. Nhưng giờ đây, chính đội ngũ cố vấn của ông lại mâu thuẫn với nhau.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)