Cảnh sát Hong Kong sáng 10/8 bắt trùm truyền thông Jimmy Lai với cáo buộc thông đồng cùng các lực lượng nước ngoài theo luật an ninh mới và lừa đảo. Hai con trai của Lai cùng các lãnh đạo tờ Apple Daily thuộc sở hữu của ông, trong đó có giám đốc điều hành Cheung Kim-hung và giám đốc tài chính Chow Tat-kuen, cũng bị bắt sau đó.
Điều này dường như không gây bất ngờ bởi Jimmy Lai từ lâu bị coi là "kẻ gây rối", thông qua hoạt động của Apple Daily và Next Magazine, hai tờ báo có quan điểm ủng hộ người biểu tình và thường xuyên chỉ trích Bắc Kinh. Ông từng bị truy tố vì chống lệnh cấm tụ tập trong cuộc biểu tình ở Hong Kong hồi năm ngoái.
"Tôi sẵn sàng ngồi tù. Nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ có cơ hội đọc những cuốn sách mình chưa đụng đến. Điều duy nhất tôi có thể làm là giữ thái độ tích cực", doanh nhân 71 tuổi nói hồi giữa tháng 6, hai tuần trước khi luật an ninh Hong Kong được ban hành.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng Lai là "kẻ phản bội" và đứng sau cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong hồi năm ngoái, gọi trùm truyền thông là "thủ lĩnh bè lũ 4 tên cấu kết với nước ngoài để phá hoại đất nước".
Jimmy Lai sinh năm 1948 tại tỉnh Quảng Đông và cùng gia đình chuyển đến Hong Kong khi 12 tuổi. Ông làm việc trong các xưởng may, tự học tiếng Anh và lập nên đế chế thời trang Giordano ở tuổi 25.
Sự nghiệp của Lai rẽ hướng vào năm 1989 khi ông quyết định thành lập tờ báo đầu tiên và bắt đầu chỉ trích các chính sách của Trung Quốc đại lục. Lai sau đó bán cổ phần trong Giordano để theo đuổi ngành truyền thông.
Theo Forbes, Lai từng nằm trong danh sách những người giàu nhất Hong Kong, với tài sản ròng đạt 1,2 tỷ USD năm 2008. Tuy nhiên, ước tính tài sản hiện nay của ông còn dưới một tỷ USD.
Tờ Apple Daily và Next Magazine do ông thành lập thường xuyên công khai thể hiện quan điểm ủng hộ phe biểu tình ở Hong Kong. Tuy nhiên, đây cũng là hai kênh truyền thông thu hút người đọc tại thành phố, thông qua nội dung về các ngôi sao giải trí và bê bối tình dục.
Ông từng ra tòa nhiều lần do tham gia các cuộc biểu tình ở Hong Kong hồi năm 2019, cũng như chống lệnh cấm tụ tập đông người của cảnh sát. Trước khi luật an ninh được thông qua, truyền thông Trung Quốc đại lục cũng nhiều lần cáo buộc Lai cấu kết với nước ngoài, đặc biệt là sau cuộc gặp giữa ông với Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Lai thường xuyên chỉ trích luật an ninh, cho rằng nó sẽ "phá hủy trật tự pháp luật và trạng thái trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong".
Luật an ninh Hong Kong hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong khẳng định luật an ninh mới chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng nhỏ, trong khi quyền lợi, tự do của người Hong Kong cũng như lợi ích các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều các nước châu Âu chỉ trích luật này, cho rằng luật làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Lai cho biết ông sẽ không rời Hong Kong khi luật được ban hành. "Tôi là kẻ gây rối. Nhưng nơi này đã mang đến mọi thứ cho tôi", trùm truyền thông Hong Kong nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6.
Vũ Anh (Theo AFP)