"Cả năm có cái Tết thì không thèm ló mặt về, họ hàng ai cũng hỏi, mẹ chả hiểu con lắm tiền tới đâu mà "văn minh" thích sống một mình không cần biết đến ai như thế". Câu đầu tiên của mẹ khi thấy tôi vừa trở về nhà sau 8 ngày "miên mật" không gặp mặt, không chúc Tết.
Đấy là chưa kể mẹ còn thêm "không thấy mặt mũi đâu người ta tưởng trốn nợ". Để mẹ đỡ bực, tôi chỉ cười vì trong mồng, mỗi ngày tôi vẫn gọi video về hỏi han cả nhà và biện minh do dịch không muốn tụ tập.
Đây là năm thứ hai tôi dành nguyên mấy ngày Tết để thiền định và quay vào bên trong. Phải cảm ơn năm "Covid-19 thứ nhất" đã cho tôi một khoảng thời gian dài "thảnh thơi" kịp nhìn vào những ngổn ngang trong lòng và sắp xếp lại cho đúng trật tự. Đợt dịch vừa rồi diễn ra đúng dịp Tết cũng là cái cớ để tôi được "ở yên một chỗ" - ở nhà riêng của mình.
>> Khi người trẻ xét nét câu hỏi 'bao giờ lấy chồng?'
Tôi không muốn nhắc đến những tổn thất mà dịch đã gây ra. Tôi nghĩ trong lúc khốn khó nhất cũng nên nhìn vào những điểm tích cực để vững vàng vực dậy nhanh nhất. Nhờ ba tháng giãn cách năm ngoái mà tôi đã kịp nâng cấp thêm kiến thức, trình độ và xây dựng được một lộ trình tiếp cận cho những người mới muốn dấn thân vào chuyên ngành của tôi.
Đặc biệt, tôi đã học thêm một bộ môn mới về chữa lành và tìm hiểu sâu về thiền, nhờ đó giúp bản thân và những người thương (trừ mẹ tôi) biết sống cho chính mình thay vì hướng ra bên ngoài.
Nếu không có Covid-19, cuộc sống cứ cuốn tôi đi không có điểm dừng, mấy ngày Tết cũng cố lết về chúc tụng trong cơn ngáp ngủ hoặc tụ tập chỉ cho đủ mặt. Ngoài những phút quây quần ấm cúng ngắn ngủi ra thì những lần tiếp khách, đi tới từng nhà cũng khiến tôi chóng mặt.
Khi ấy dù biết nếu mình không thích cũng chẳng ai ép nhưng bản thân không đủ định lực để dám làm điều mình muốn. Tôi vẫn hướng ra ngoài, niềm vui phụ thuộc vào sự đánh giá - khen ngợi của người khác và áp lực nếu Tết năm nay không "sộp" hơn năm trước.
Cũng chính hai lần "trốn Tết" này tôi nhận ra được bình an tới từ chính cái tâm quay vào trong. Khi có sự quan sát mọi diễn biến, phản ứng của mình với thực tại, tâm bỗng yên lắng dù bên ngoài có xao động, bấn loạn ra sao.
>> 'Tết không quan trọng bằng sức khoẻ'
Vẫn biết dịch đến là khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng nếu vì thế mà hốt hoảng, trách móc thì chỉ làm cho năng lượng tiêu cực tăng gấp đôi mà thôi. Mà nếu bất chấp dịch để thoả mãn mong cầu gặp gỡ hay cái sự ham vui của mình thì còn tai hại gấp nhiều lần.
Và lúc này khi tỉnh táo không bám chấp, tôi biết thứ mình cần là gì, là sự an toàn cho chính mình, cho gia đình mình. Với tôi, Tết ở trong lòng, Tết không ở ngoài đường.
Lòng vui thì hoa đào trở nên đỏ thắm, bánh chưng sẽ dẻo ngon hơn. Tâm an lạc thì việc gặp gỡ sẽ trở nên chọn lọc và chất lượng hơn thay vì chúc tụng sáo rỗng với phong bao lì xì. Trốn Tết mà tôi lại nhận ra mình.
Tuyết Nhung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.