Mỗi dịp Tết đến xuân sang, người người nhà nhà đều vui mừng phấn khởi. Song, đi kèm với những niềm vui cũng là nhiều nỗi lo. Trong đó, nỗi lo về các khoản chi tiêu ngày Tết vẫn là vấn đề chính của nhiều gia đình. Bởi thế mà ngoài tiền lương, người ta còn trông chờ, mong ngóng vào đồng tiền thưởng cuối năm và lương tháng thứ 13. Đối với họ, đây như là phao cứu sinh để vượt qua những áp lực sắp tới.
Ngoài tiền sắm quà cáp, giỏ quà Tết, tiền mua hoa trang trí nhà cửa, tiền đi chợ làm mâm cúng, những người đã đi làm hoặc đã lập gia đình còn phải tiết kiệm tiền để lì xì - khoản chi phí được nhiều người ngầm hiểu là "đáng sợ" và tốn tiền nhất mỗi năm. Ngày nay, phong tục lì xì đã được "nâng cấp" nhờ chất lượng cuộc sống cải thiện, ổn định. Không chỉ trẻ con, người lớn cũng được nhận lì xì kèm theo những lời chúc tốt đẹp.
Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì không quy định là mệnh giá nào, thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.
Nhưng giờ đây, hành động lì xì đang dần bị méo mó trong cách suy nghĩ của nhiều người. Chẳng biết từ bao giờ, lì xì đã vô tình trở thành một thước đo tình cảm, mối quan hệ giữa người với người theo chiều hướng tiêu cực.
Vậy lì xì đã trở thành thước đo tình cảm như thế nào?
Nếu theo quan niệm của các cụ xa xưa, lì xì là một nét đẹp truyền thống, là lấy may đầu năm thì bây giờ, mấy ai nắm giữ trọn vẹn được ý nghĩa tinh khiết ấy? Mấy ai hiểu được nỗi lo lắng của những người có kinh tế không mấy khá giả?
Hãy lấy ví dụ như thế này. Có một bạn trẻ mới 23 tuổi, vừa ra trường được một năm, đã có công việc ổn định, lương vừa đủ sống. Tết năm nay, bạn đó sẽ phải mừng tuổi những ai? Đó là ông bà nội ngoại, bố mẹ, anh chị em ruột, anh chị em họ, trẻ con hàng xóm. Kể ra thì nghe có vẻ ít nhưng thực tế thì tiền lì xì ấy gần bằng nửa tiền lương cả tháng đi làm rồi. Đó là còn chưa nói đến tiền đưa bố mẹ tiêu Tết, tiền mừng tuổi bạn bè, đồng nghiệp, tiền mừng con cái của nhà sếp.
Có thể nhiều người trẻ sẽ nghĩ: "Ôi mừng bao nhiêu chẳng được" nhưng người già, sếp lớn hoặc thậm chí bạn bè, đồng nghiệp sẽ để ý vấn đề này rất kĩ. Họ sẽ dựa vào mệnh giá của số tiền được lì xì để đánh giá thái độ, phẩm chất, cách cư xử của người cho tiền.
Theo thời gian, số tiền lì xì ngày càng lớn dần và chia ra thành nhiều mức độ. Bạn càng kiếm được nhiều tiền, người ta sẽ càng đòi hỏi ngầm. Dưới đây là một số quan sát của cá nhân:
1. Nông thôn: Người nông thôn đa phần đều sống bằng việc trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghề nghiệp thủ công,... nên thu nhập không cao. Khi lì xì, họ sẽ cho con cháu trong nhà 50 nghìn đồng, con cháu họ hàng 20 nghìn đồng hoặc 10 nghìn đồng. Nếu bạn lên Đại học, chưa chắc đã được lì xì.
2. Thành phố: Do thu nhập cao hơn vùng nông thôn nên mệnh giá lì xì cũng chênh lệch rất nhiều. Với con cháu, họ mừng từ 100 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng, họ hàng là 50 nghìn đồng, trẻ con lạ mà bắt gặp bất chợt thì được từ 20 nghìn đồng, 30 nghìn đồng hoặc 50 nghìn đồng. Nhưng con của sếp thì phải 200 nghìn đồng, thậm chí là 500 nghìn đồng nếu thu nhập của nhà đó thuộc loại khá.
Chỉ ra chi tiết như thế để mọi người hình dung cụ thể hơn về mức lì xì của năm 2021 này. Mà đó mới là tiền mừng trẻ con, còn chưa tính đến người lớn. Cộng dồn vào thì sẽ được một khoản vài triệu.
Ấy vậy mà vẫn bị chê ít! Mừng xong lại mang tiếng là keo kiệt, nhỏ nhen. Người già dễ tự ái, trẻ con thì lại vứt lì xì lung tung. Đâu ai biết được số tiền đó quý giá đến chừng nào? Trước khi mừng cũng phải cân đo đong đếm rất kỹ rồi. Mà không mừng thì không phải phép.
Khi cấp dưới mừng tờ to, cấp trên bảo không nhận nhưng cuối cùng vẫn nhận. Nếu mừng ít thì sẽ bị so sánh này nọ với các đồng nghiệp khác. Tiền lì xì như dần hóa thành phong bì trong ngày Tết.
Khi mừng tuổi họ hàng ít, họ sẽ nghĩ: "Giàu như thế mà chỉ cho có mấy đồng", "Bác đang đau ốm mà không cho bác được thêm đồng nào". Nhưng chẳng lẽ, cứ giàu là phải mừng thật to? Người giàu cũng phải tiết kiệm để đầu tư vào những khoản khác nữa chứ. Có thể họ đang dành dụm tiền mua nhà, mua đất, mua xe, đầu tư kinh doanh thì sao? Nếu họ muốn cho tiền, họ có thể cho nhiều dịp khác chứ không nhất thiết phải đến Tết mới làm.
Nhiều người còn so sánh số tiền được lì xì năm nay so với năm ngoái mà chẳng thông cảm cho người khác, chẳng chịu hiểu cho sự khó khăn của kinh tế trong mùa Covid-19. Tiền ít thì người chơi thân cũng hóa thành xa lạ. Tiền nhiều thì như vớ được vàng, bám lấy người cho tiền rồi nịnh lên nịnh xuống, tay bắt mặt mừng dù trước đó hay nói xấu, cãi nhau.
Giới trẻ cũng share nhiều bài viết đòi tiền lì xì rồi công khai số tài khoản trên mạng xã hội. Cảm thấy chưa đủ nên còn nhắn tin, nhắc tên các bạn trong phần bình luận. Khi được bạn mừng thì đăng lên khoe Facebook. Còn nếu bạn không mừng, chưa biết chuyện sẽ ra sao. Nói là thử lòng, kể cả 1nghìn đồng đồng cũng quý nhưng mừng ít chắc chắn sẽ bị chê, kèm theo câu "giữ lấy mà dùng".
Thế hệ quả của việc lì xì trở thành thước đo tình cảm là gì?
Trẻ con sẽ sinh ra tính cách "hau háu" tham tiền to. Đợi có lì xì là lấy ruột, bỏ bao ngay trước mặt khách. Lớn hơn một chút, bọn trẻ dễ dè bỉu chê tiền ít nhưng không dám tỏ thái độ trước mặt người lì xì. Lâu dần thành thói quen, đến cả khi chạm vào cái tuổi dựng vợ gả chồng rồi vẫn trách người ta sao không lì xì cho mình. Còn những ai là con của sếp sẽ được cấp dưới của bố mẹ "chăm bẵm" tận tình mỗi năm. Lì xì từ khi còn sơ sinh cho đến khi lớn, lấy vợ, có con mới thôi được lì xì.
Tình bạn, tình yêu, tình họ hàng cũng gặp trục trặc. Người ngoài thì dễ cãi nhau, còn họ hàng thì sẽ "bằng mặt không bằng lòng" và nói kháy nhau từ năm này qua năm khác. Cứ người này mừng bao nhiêu thì người kia sẽ tìm cách trả lại nguyên xi như thế dù kinh tế còn đang khó khăn. Lòng sĩ diện và danh dự cũng được đem lên bàn cân với lì xì.
Tóm lại, tuổi nào cũng thích được lì xì. Của cho không bằng cách cho. Nhưng hãy cố gắng đặt bản thân vào vị trí người cầm phong bao lì xì để hiểu được cái sự tình của người ta trước khi buông lời nói hay suy nghĩ những điều cay đắng. Không phải ai kiếm được nhiều tiền cũng phải mặc định mừng tiền to. Không phải ai mừng tiền to là mặc định họ giàu.
Với những ai đang là sếp, hãy thẳng thắn từ chối khéo léo cấp dưới nếu thấy có dấu hiệu đút lót.
Là bạn thân hoặc người yêu, hãy biết cảm ơn và trân trọng những người sẵn sàng lì xì cho bạn.
Khi bạn già, đừng đòi hỏi con cháu phải mừng nhiều tiền vì chúng cũng muốn lì xì to lắm nhưng chưa giàu được ngay.
Còn bạn, nếu thấy đủ khả năng, hãy lì xì cho cô chú lao công, bác bảo vệ khu chung cư, các chú bộ đội biên phòng, những vị bác sĩ và y tá ở khu cách ly... Mệnh giá tiền lì xì không nhất thiết phải lớn. Bởi, đây chính là cơ hội để bạn thể hiện sự tôn trọng và biết ơn với những người anh hùng thầm lặng trong cuộc sống.
Ngân Trang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.