Ngay trước rạng sáng ngày 11/1, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp giám sát vụ thử tên lửa siêu vượt âm thứ hai trong chưa đầy một tuần tại nước này. Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tên lửa mang phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV) đã thực hiện thao tác bay vòng khoảng 240 km, vượt quãng đường 1.000 km và đánh trúng mục tiêu trên biển.
Đây là lần đầu tiên ông Kim trực tiếp giám sát một vụ thử tên lửa Triều Tiên kể từ tháng 3/2020. Sau hoạt động này, lãnh đạo Triều Tiên đã kêu gọi các nhà khoa học quân sự "đẩy nhanh hơn nữa nỗ lực đều đặn xây dựng sức mạnh quân sự chiến lược của đất nước, tăng cường hiện đại hóa quân đội", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của loại tên lửa "giúp củng cố khả năng răn đe".
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết tên lửa Triều Tiên phóng vào ngày 11/1 đạt vận tốc Mach 10, tức là nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh, đáp ứng tiêu chí của vũ khí siêu vượt âm. Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có thể di chuyển với vận tốc Mach 5 trở lên và rất cơ động trên hành trình, khiến chúng khó bị theo dõi và đánh chặn hơn. Phân tích ban đầu còn cho thấy vũ khí lần này tiên tiến hơn tên lửa mà Triều Tiên phóng hôm 5/1.
Mặc dù một số thông tin từ phía Triều Tiên chưa được xác minh, giới quan sát nhận định hai vụ phóng tên lửa siêu vượt âm liên tiếp trong một tuần là biểu tượng cho bước tiến lớn trong chương trình thử vũ khí của nước này.
Suốt hơn hai năm, ông Kim đã tập trung phát triển hàng loạt tên lửa nhằm mục đích xuyên thủng hệ thống phòng thủ đối phương, dập tắt mọi ý định tấn công phủ đầu vào Triều Tiên.
Điều này được cho là có thể giúp ngăn chặn một cuộc đối đầu khác với Mỹ như năm 2017, khi cựu tổng thống Donald Trump đe dọa trút "lửa và thịnh nộ" lên Triều Tiên. Các vụ thử nghiệm cũng cho thấy ông Kim vẫn duy trì kế hoạch ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai, ngay cả sau các hội nghị thượng đỉnh chưa từng có với Trump.
Duyeon Kim, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Hàn Quốc, đánh giá Triều Tiên đang cố gắng tạo ra ấn tượng rằng họ đủ khả năng đáp trả bất cứ đòn tấn công "lửa và thịnh nộ" nào từ Mỹ, dưới bất cứ chính quyền tổng thống nào.
"Những tiến bộ gần đây trong chương trình tên lửa cho thấy Triều Tiên vẫn hướng đến đảm bảo khả năng năng lực đáp trả hạt nhân, hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh tên lửa, trấn an người dân trong nước về sức mạnh quân sự trước Mỹ, đồng thời chứng minh vị thế của mình như một cường quốc hạt nhân", Kim nhận định.
Ngoài thể hiện năng lực phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế, những hệ thống siêu vượt âm như HGV còn có thể trao cho lãnh đạo Triều Tiên đòn bẩy đáng kể trong các cuộc đàm phán tương lai, bằng cách tăng năng lực uy hiếp các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như những căn cứ Mỹ ở châu Á.
"Thay vì tấn công lục địa Mỹ, Triều Tiên có thể ngăn Mỹ củng cố lực lượng tại Hàn Quốc, trong bối cảnh không có hệ thống phòng thủ nào tại đây có khả năng đánh chặn những loại tên lửa siêu vượt âm mà họ đang phát triển", Go Myong-hyun, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Asan của Hàn Quốc, cho hay.
Một số chuyên gia thậm chí đánh giá động thái của Bình Nhưỡng vượt mức răn đe. "Cho tới gần đây, tôi vẫn nghĩ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên phần lớn nhằm tự vệ. Nhưng bây giờ, họ đang dần phát triển năng lực tấn công", Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, nêu quan điểm.
Triều Tiên đến nay vẫn từ chối đề nghị đàm phán của Tổng thống Mỹ Joe Biden, khiến nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo tiếp tục bế tắc. Hôm 11/1, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết vụ thử tên lửa siêu vượt âm mới nhất của Triều Tiên "đưa quan hệ hai bên đi sai hướng".
"Kể từ khi nhậm chức, chính quyền mới của Mỹ luôn nói rằng chúng tôi sẵn lòng đối thoại với Triều Tiên, sẵn lòng thảo luận về Covid-19 và viện trợ nhân đạo. Thay vào đó, họ lại phóng tên lửa", bà cho hay. Hôm 12/1, Mỹ công bố lệnh trừng phạt Triều Tiên đầu tiên kể từ khi Biden lên nắm quyền, nhắm đến 6 công dân Triều Tiên ở Nga và Trung Quốc.
Soo Kim, nhà phân tích chính sách tại tổ chức RAND của Mỹ, cho rằng ông Kim có lẽ muốn Washington nhận thức được khả năng răn đe của Bình Nhưỡng không chỉ đang gia tăng, "mà còn mở rộng hơn bao giờ hết với các phương án đa dạng". "Bằng cách này, ông ấy không chỉ cải thiện vị thế trên bàn đàm phán, mà còn tạo ra yếu tố bất ngờ khiến Mỹ và cộng đồng quốc tế phải cảnh giác", chuyên gia nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc phòng nhận định vũ khí Triều Tiên thử nghiệm trong hai vụ phóng gần đây có lẽ chưa đủ tiêu chuẩn để gọi là "phương tiện lướt siêu vượt âm", bởi cánh của chúng không cung cấp đủ lực nâng để thực hiện hành trình tầm xa. Thay vào đó, đây có khả năng chỉ là "phương tiện hồi quyển cơ động", có thể tách khỏi tên lửa và thực hiện động tác chuyển hướng giữa hành trình để tránh bị đánh chặn.
"Bất chấp một số tuyên bố của Triều Tiên, năng lực đầy đủ của vũ khí siêu vượt âm này chưa được xác nhận", Joseph Dempsey, chuyên gia phân tích quân sự và quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh, đánh giá. Mặc dù vậy, Dempsey thừa nhận khả năng thay đổi quỹ đạo hoặc đường bay của vũ khí Triều Tiên có thể tăng thêm thách thức cho các hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực.
Trong khi đó, Ankit Panda, chuyên gia cấp cao về chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng các cuộc thử nghiệm gần đây chủ yếu nhằm phục vụ mục tiêu hiện đại hóa quân đội của ông Kim.
"Đây là một phần trong nỗ lực theo đuổi khả năng răn đe hạt nhân hiệu quả trước Mỹ. Triều Tiên hiện không quan tâm đến đàm phán", Panda nêu quan điểm.
Ánh Ngọc (Theo SCMP, Asia Times)