"Đây là những hành động cực kỳ nguy hiểm và không được mong đợi, sẽ làm đảo lộn cân bằng chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khơi mào chạy đua vũ trang hạt nhân", Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết trong thông cáo đăng trên KCNA ngày 20/9.
"Điều này cho thấy Mỹ là thủ phạm chính xô đổ hệ thống cấm phổ biến vũ khí hạt nhân của thế giới", thông cáo có đoạn.
Mỹ, Anh và Australia ngày 15/9 công bố thỏa thuận hợp tác an ninh AUKUS. Theo đó, Mỹ cùng Anh sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Australia phát triển hạm đội tàu ngầm dùng năng lượng hạt nhân.
Cùng ngày, Triều Tiên thử hai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa và Hàn Quốc thử loạt tên lửa mới, gồm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLMB). Triều Tiên cáo buộc Mỹ "lá mặt lá trái" khi chỉ trích vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa của họ, song làm ngơ trước việc Hàn Quốc thử SLMB.
Loạt vụ thử tên lửa và thỏa thuận quốc phòng ở châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá cho thấy một cuộc chạy đua vũ trang rõ rệt tại khu vực, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt.
"Việc các nước láng giềng, bao gồm Trung Quốc, chỉ trích thỏa thuận AUKUS là điều hoàn toàn tự nhiên", một quan chức ngoại giao Triều Tiên cho biết.
Liên minh quốc phòng Mỹ, Anh và Australia, được lập trên thỏa thuận AUKUS, được đánh giá là động thái của Tổng thống Joe Biden nhằm đối phó Trung Quốc trỗi dậy.
Quan hệ giữa chính quyền Biden với Bình Nhưỡng có thay đổi so với thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng có một số cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
"Thái độ lá mặt lá trái của Mỹ ngày càng rõ nét hơn sau khi chính quyền mới làm xói mòn các quy tắc và trật tự quốc tế, vốn được chấp nhận rộng rãi, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của thế giới", quan chức Triều Tiên cho biết.
Quan chức này khẳng định Triều Tiên chắc chắn sẽ đáp trả tương xứng, "nếu điều này tác động tiêu cực, dù chỉ một chút, đến an ninh của đất nước chúng tôi".
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)