Tôi thấy người Việt Nam, đặc biệt là các gia đình trí thức, bố mẹ làm công việc văn phòng, còn nặng tư tưởng: "Áo lành không bằng danh cao" nên muốn nhồi con vào đại học bằng được. Có người, con học đại học xong, chưa tìm được công việc như ý, lại nói con đi học cao học.
Một điểm nữa, tôi cho là thiệt thòi của học sinh ở thành phố lớn, đó là tỉ lệ cạnh tranh ở đây khá cao. Ở quê tôi, thi vào cấp 3 không khốc liệt như ở Hà Nội, vì trẻ em ở độ tuổi học cấp 3 ở quê tôi ít hơn so với thành phố, nên việc vào cấp 3 công lập khá nhẹ nhàng. Tất nhiên, vào trường chuyên, hoặc những trường top đầu thì vẫn khó.
Ở quê, tôi thấy kỹ năng chăm sóc cá nhân của trẻ nhỏ tốt hơn ở thành phố. Lớp 4-5, các bạn nhỏ đều biết quét nhà, nấu các món đơn giản như luộc rau, luộc thịt, rán trứng. Lớn hơn vẫn phải phụ bố mẹ làm vườn, chăn nuôi.
Nhưng ở thành phố trẻ con được bao bọc kỹ hơn, cái này không hoàn toàn là do lỗi của bố mẹ, vì môi trường ai cũng nuôi con như thế, nên họ nghĩ mình cũng nuôi con như vậy mới đúng.
Việc học nghề, đi làm từ năm 18 tuổi với các bạn trẻ ở thành phố lớn cũng khó khăn hơn các bạn ở quê. Ở quê tôi, nhiều gia đình đi lên từ làng nghề, buôn bán, họ nghĩ đơn giản hơn: "Không học được đại học, đi học nghề cũng chẳng sao, nên dễ chấp nhận việc con làm thợ, không nhất thiết phải làm thầy.
Người trẻ lao đến thành phố lớn làm việc, nhiều người nghĩ là sẽ tạo được một tương lai tốt cho con cái, nhưng mặt khác, họ đẩy con vào một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn.
Anh LQ
*Bạn có đồng ý với quan điểm này?
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.