(Bài viết Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm của VnExpress.net)
Cũng như các học sinh ở Việt Nam, tôi đã được học môn Giáo dục công dân rất đầy đủ, mỗi tuần một tiết. Và cũng như các học sinh Việt Nam khác, tôi không nhớ được gì trong những bài học đó cả. Tôi nhớ cô giáo dạy môn Giáo dục công dân chứ nội dung học thì tuyệt nhiên không. Nhưng tôi và đa phần các học sinh Việt Nam đều lớn lên với chút ít đạo đức, ít ra cũng đủ để sống và làm việc theo pháp luật.
Tôi lại nhớ tới một buổi học Toán. Cô giáo giảng bài xong và hỏi có ai chưa hiểu không, để cô giảng lại. Một bạn học sinh giỏi cấp toàn quốc môn Toán giơ tay nói rằng bạn không hiểu, khiến cả cô cũng ngạc nhiên. Nhưng khi lắng nghe câu hỏi của bạn học sinh đó xong, cô giáo im lặng nhìn bài toán trên bảng rồi lắc đầu nói, cô làm sai rồi.
Sau khi sửa và giảng lại xong, cô giáo nói "Trời ơi, cô sai thì nói là cô sai, sao nói là không hiểu. Mà mấy em thấy cô sai thì phải nói, chớ để mấy bạn khác không biết là cô sai rồi lại học sai thì làm sao...".
Tất nhiên là tôi cũng chẳng nhớ được bài toán hôm đó là gì. Hầu hết nội dung môn toán lớp 12 năm đó tôi giờ cũng không nhớ, chỉ nhớ được lúc đó để thi tốt nghiệp kiếm lấy một chỗ trên giảng đường đại học. Tuy vậy sau bao nhiêu năm đi khắp nơi, khi nhớ về cô giáo cũ tôi chỉ nhớ được chừng đó.
>> Bỏ đại học, tôi kém xa bạn bè sau 30 năm
Có lẽ đó là cách mà tôi được học về đạo đức. Đạo đức không cần một bài giảng riêng, không cần học sinh phải đi soi một tấm gương và phân tích một nhân vật xa xôi cách đó mấy trăm tới mấy ngàn năm. Đạo đức chỉ đơn giản là cách hành xử mỗi ngày và trẻ em học được điều đó từ những người chung quanh chúng.
Bài học đạo đức chung quanh bài toán sai của cô giáo ngày xưa đã giúp tôi rất nhiều. Khi lớn lên, tôi hiểu rằng mình có sai cũng không sao, cô giáo ngày xưa đã nhận sai rất nhanh chóng. Mà sai thì sửa lại, hầu hết các sai lầm nếu không được sửa sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hơn, như các bạn học sinh hiểu sai từ bài toán của cô. Và sau cùng, cô giáo đã khuyến khích chúng tôi "đấu tranh với sai trái" - không phải đấu tranh chống lại cô mà là đấu tranh chống lại sự nhầm lẫn vô tình có thể xảy ra với mọi người.
Lên bậc đại học, tôi đi du học ở Australia. Các sinh viên Việt Nam ngoài khó khăn về ngôn ngữ thường hay gặp các vấn đề về làm việc nhóm. Để làm việc nhóm cần phải có sự hợp tác, ngoài phần việc của mình phải xem xét việc của các bạn còn lại coi có phù hợp không rồi bàn bạc sửa chữa. Điều này tôi đã được học một cách vô tình từ cô giáo dạy toán: phải biết xem xét những gì người khác làm với cái nhìn phê phán, rồi trình bày kỹ lưỡng, giúp nhau sửa chữa để cho ra sản phẩm cuối cùng.
>> 'Tư duy người nghèo' - lỗi cha mẹ 'lập trình' tương lai cho con cái
Từ đó tôi cũng nhận ra rằng, các kỹ năng mềm có nền tảng là khả năng tương tác và cư xử với nhau, và nền tảng của hai thứ này chính là đạo đức. Ở Việt Nam người ta hay nói là "ăn ở sao cho coi được" hay là "học ăn, học nói, học gói, học mở", mà hàm nghĩ trong đó đều là phải biết cách ăn nói và cư xử, tức là đạo đức.
Ở Việt Nam tôi thấy nhiều người hay ca ngợi các trường quốc tế. Ngoài tiếng Anh ra các trường quốc tế nhất định là chuẩn bị cho các bạn trẻ khả năng thành công trong du học. Tôi không học trường quốc tế nhưng học bậc đại học ở Australia và bậc tiến sĩ ở Mỹ. Tôi không rõ các bạn học trường quốc tế có lợi thế hơn tôi không? Chắc là có, nhưng ít ra tôi cũng đâu có gặp khó khăn gì đáng kể.
Có lẽ tôi thật sự may mắn khi được học tiếng Anh từ nhỏ và vô tình gặp được những giáo viên có đạo đức. Nghe thì cao siêu nhưng những việc nho nhỏ hàng ngày trong cách cư xử với học sinh mới chính là đạo đức lớn nhất mà giáo viên có thể dạy cho học sinh. Cách cư xử đó đã vô tình dạy cho tôi những thứ mà giáo dục phương Tây đòi hỏi như suy nghĩ phản biện hay tương tác làm việc nhóm.
>> Tôi sợ sinh con ra bị 'đói cơ hội xuất phát'
Cho nên thay vì lo lắng xem mình có nên bỏ tiền ra cho con học trường quốc tế hay không, các vị phụ huynh nên tìm thời gian gần gũi con để chúng học được những bài học đạo đức từ mình, đồng thời lưu ý cho con em đi học với những giáo viên có khả năng. Tiếng Anh là cần thiết nhưng cứ tiêu xài vào giáo dục cho trẻ con mà không dành cho chúng những thứ cần thiết hơn, như cơ hội gần gũi những người biết cách cư xử, thì khả năng thành công cũng thấp hơn.
Những vị phụ huynh đang suy nghĩ về việc có cho con mình đi học cấp một hay cấp hai ở trường quốc tế hay không cũng không nên lo lắng quá nhiều. Những kiến thức mà học sinh học được trong hệ thống giáo dục công ở bậc phổ thông Việt Nam thật ra không thiếu mà chỉ thừa, trừ tiếng Anh. Còn kỹ năng mềm hoàn toàn có thể học được từ cha mẹ hay các giáo viên trường công có năng lực. Giờ chỉ cần cho bọn trẻ đi học tiếng Anh nữa thôi, thế là đủ.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.