Tôi thuộc thế hệ 9x, từng học lớp hạng chót của một trường cấp hai ở quận 4 (TP HCM). Sau đó tôi đậu vào lớp chuyên ban D của một trường có tiếng. Có lần công bố điểm tiếng Anh của cả lớp, một cô bạn học bình thường bất ngờ vươn lên giành số cao nhất.
Những câu khó nhất trong đề bạn đã được học ở một trung tâm Anh ngữ. Lần đó tất cả những bạn theo học ở trung tâm này đều đạt điểm cao.
Cô bạn thân của tôi, xuất thân dân nghèo quận 4, đã quay sang nói một câu mà tôi nhớ đến tận bây giờ: "Nó có giỏi hơn mình cái gì, chỉ là nó được học chỗ tốt hơn.Thử cho mình được học như thế xem".
Một năm sau, cô bạn thân ấy phải bỏ học đi làm mưu sinh, còn người bạn hạng nhất kia học một trường quốc tế, đi du học Singapore, trở về làm cho tập đoàn đa quốc gia.
Tôi học một trường đại học bình thường, đi làm thuê, trở thành nhân viên của những bạn trẻ "có gốc đào tạo nước ngoài". Người bạn có cùng xuất phát điểm là lớp chuyên Anh kia và bọn tôi, giờ đây đã sống ở những "level" khác xa nhau.
Nếu bạn sinh ra đã giỏi thì dù học trường thường bạn cũng sẽ giỏi. Nhưng nếu bạn chỉ có tố chất bình thường, thì một đứa trẻ bình thường học RMIT chắc chắn sẽ có cơ hội có mức lương cao hơn đứa trẻ bình thường học trường công.
Nỗi day dứt và hờn tủi vì thèm học mà không được học, khiến tôi đến tận bây giờ vẫn nuôi ý nghĩ: Chưa thể sinh con khi mình chưa chuẩn bị cho nó một xuất phát điểm "coi cho được". Không thể để nó thèm học mà không được học như mình trước kia.
Nỗi sợ đói lương thực giờ đây đã trở thành nỗi sợ đói kiến thức, đói giáo dục, đói một cơ hội xuất phát bằng bạn bằng bè, cơ hội để sống ở một đẳng cấp khác trong tương lai.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.