Ủng hộ quan điểm làm việc hết mình thay vì chọn cuộc sống êm đềm, độc giả Linh Nguyen chia sẻ:
"Sau một thời gian làm việc căng thẳng, chúng ta cần thư giãn để nạp năng lượng. Vì vậy, nếu kinh tế không khó khăn, bạn không cần làm thêm. Tuy nhiên, bạn nên nỗ lực hết sức với công việc hiện tại, vì bốn lý do:
1. Con người cần mục tiêu theo đuổi thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Mục tiêu có thể là một thành tựu cụ thể mà bạn muốn nhắm tới. Dĩ nhiên, bạn chỉ cần nỗ lực trong thời gian đi làm. Ngoài giờ, bạn có thể học thêm ở mức vừa sức, không cảm thấy quá áp lực là được.
2. Khi bạn ở một vị trí cao hơn, không chỉ tiền lương mà các mối quan hệ, tầm ảnh hưởng của bạn cũng sẽ khác. Bạn không thể đảm bảo cả đời mình sẽ luôn yên ả, nhất là khi thế giới đang rối ren. Khi biến cố xảy đến và bạn bất lực, bạn sẽ ước gì trước đây mình cố gắng nhiều hơn, để bây giờ bố mẹ, con cái có chỗ mà dựa vào.
3. Xã hội đang tiến lên rất nhanh, bạn dừng lại tại chỗ tức là đang đi thụt lùi. Một khi không cạnh tranh nổi, bạn sẽ bị đào thải.
4. Hiện nay, nuôi một đứa trẻ rất tốn kém. Bên cạnh học phí trước tốt, ăn thực phẩm sạch, còn phải bồi dưỡng kỹ năng, nghệ thuật, thể thao, du học... Dĩ nhiên, dù nuôi kiểu nhà giàu hay nhà nghèo thì con cái đều khôn lớn. Nhưng nếu vì không nỗ lực trong quá khứ mà bạn không thể con điều kiện tốt thì chắc chắn bạn sẽ thấy hối hận".
"Đừng chọn an nhàn vào những năm tháng còn có thể chịu khổ được", bạn đọc Hà Nấm nhấn mạnh:
"Nhiều người đánh đồng việc cố gắng nỗ lực phấn đấu với áp lực công việc, stress, lao động quá sức. Ít ai thấy những người có thể làm công việc mình yêu thích với mức lương cao và hoàn toàn cảm thấy hạnh phúc. Đó là vì nhiều người thích an phận, dừng lại ở một điểm với mức lương vừa đủ sống, năng lực tầm trung nên ít thấy những chân trời xa hơn. Không phải ai kiếm được nhiều tiền cũng khổ sở, stress.
Những người có được công việc làm họ hạnh phúc là bởi vì họ đã phải trả rất nhiều khi còn trẻ, phải lăn lộn, tranh thủ từng phút để học tập, gồng mình trong áp lực để tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện chuyên môn. Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng: "Đừng chọn an nhàn vào những năm tháng còn có thể chịu khổ được". Không phải ai chăm chỉ cũng đều tham lam. Tiền không phải là tất cả và cũng chẳng phải là mục đích của những người luôn nỗ lực. Thứ mà họ muốn cuối cùng chính là hạnh phúc".
Đồng quan điểm ủng hộ các bạn trẻ sống năng động, nhiều tham vọng, độc giả Mq.bkcomp nhận định:
"Cuộc sống là sự đánh đổi:
1. Bạn nhàn hạ nếu chỉ muốn kiếm ba đồng. Nhưng để kiếm bảy đồng, bạn sẽ phải nỗ lực hơn nhiều: tâm trí, thời gian và nhiều thứ khác.
2. Khi quyết định bước ra khỏi vùng an toàn tức là bạn sẽ chấp nhận cuộc sống có những rủi ro. Tuỳ theo tham vọng ít hay nhiều mà rủi ro sẽ càng từ thấp đến cao. Bạn có thể có nhiều nhưng cũng nguy cơ mất hết.
Do vậy, trong cuộc sống, lựa chọn như thế nào là quyền của bạn. Một khi đã chọn, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm với những rủi ro xảy ra. Cá nhân tôi ủng hộ các bạn trẻ trở nên năng động, nhiều tham vọng. Muốn vậy, các bạn cũng cần phải chú ý đến bốn vấn đề để kiểm soát các rủi ro: Năng lực, nền tảng, kinh nghiệm và may mắn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Thành Lê tổng hợp